Luật Điện lực đã lỗi thời
Bộ Công thương đang trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực nhằm giải quyết một số vướng mắc trong thực tiễn thi hành hiện nay.
Bộ này đánh giá, Luật Điện lực được ban hành đã lâu (năm 2004) và đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, song nội dung sửa đổi bổ sung không nhiều.
Cần sửa Luật Điện lực để tháo gỡ "độc quyền trong truyền tải lưới điện" trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo.
Cụ thể, năm 2012 chủ yếu sửa đổi quy định về giá điện và phí. Năm 2018 thì chủ yếu sửa đổi quy định về quy hoạch phát triển điện lực để phù hợp với Luật Quy hoạch.
Do đó, theo Bộ Công thương, hiện cần tổng kết và đánh giá tổng thể các quy định tại Luật Điện lực so với sự phát triển thực tế của ngành năng lượng trong thời gian gần đây.
Trong bối cảnh, có nhiều thay đổi lớn với sự tham gia nhiều hơn của các thành phần kinh tế tư nhân, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng như sự xuất hiện của các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng nhiều, để đảm bảo việc nghiên cứu đề xuất chính sách sửa đổi quy định tại Luật Điện lực phù hợp với thực tiễn hiện nay.
“Luật Điện lực cần được bổ sung nhằm hoàn thiện quy định pháp luật trong nước, phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, luật hóa định hướng chủ trương, chính sách của Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 140/NQ-CP của Chính phủ”, Bộ Công thương nêu.
Bốn bất cập cần tháo gỡ
Trong báo cáo “Đánh giá tác động của chính sách Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực”, Bộ Công thương cũng nêu 4 bất cập cần tháo gỡ.
Trong đó, đáng chú ý là bất cập về việc Luật Điện lực quy định “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện” nhưng chưa có quy định cụ thể nhà nước độc quyền những hoạt động cụ thể nào trong hoạt động này.
Từ đó, dẫn đến đầu tư lưới điện truyền tải chưa đáp ứng kịp thời với phát triển nguồn điện và nhu cầu sử dụng điện trong toàn quốc.
Tức là, theo quy định, toàn bộ lưới điện truyền tải do EVN hoặc EVNNPT thực hiện đầu tư xây dựng, vận hành.
Bởi vậy, khi nhu cầu phụ tải tăng, nhu cầu phát triển nguồn điện tăng (nhất là sự phát triển năng lượng tái tạo gần đây), hệ thống lưới điện truyền tải không xây dựng kịp thời để giải tỏa hết nguồn điện lên hệ thống điện, dẫn tới một số khu vực bị quá tải cục bộ.
Trước thực tế đó, lần đầu tiên Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp tư nhân được đầu tư lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa công suất cho các dự án điện mặt trời và bàn giao lại cho ngành điện quản lý, vận hành.
Đơn cử như, trạm biến áp 500 kV và đường dây 500 kV do Tập đoàn Xuân Thiện làm chủ đầu tư; Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và lưới điện truyền tải 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam đầu tư.
Ngoài ra, có một số công trình truyền tải điện như sân phân phối điện 500 kV tại các Trung tâm nhiệt điện như Vũng Áng, Sông Hậu, Long Phú được giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện đầu tư và bàn giao lại cho EVN/EVNNPT quản lý, vận hành.
Song, việc bàn giao tài sản sau khi đầu tư do chưa có quy định cụ thể nên có những vướng mắc về cách hạch toán chi phí, xác định vốn đầu tư dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thành bàn giao tài sản.
Để tháo gỡ vướng mắc này, tại Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công thương về quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện đã quy định cơ chế thu hồi chi phí đấu nối thông qua giá phát điện, thu hồi chi phí đấu nối đặc thù cho nhà đầu tư nhà máy điện/lưới điện và được đưa vào chi phí mua điện trong tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân của EVN.
Bởi vậy, Bộ Công thương cho rằng, cần thiết phải tháo gỡ "độc quyền trong truyền tải lưới điện" trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo thì nhu cầu đầu tư vào hệ thống lưới điện đấu nối, truyền tải để giải tỏa công suất các nguồn điện là rất lớn, cần thiết.
Bộ này cũng kiến nghị giải pháp hoàn thiện quy định trong hoạt động truyền tải theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết phạm vi nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện.
Đồng thời, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động truyền tải phục vụ đấu nối nguồn điện và quy định “Nhà nước độc quyền trong xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, có ý nghĩa quan trọng về an ninh cung cấp điện" thay vì những quy định độc quyền chung chung.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận