Nạn nhân cấp cứu vì bị ngộ độc rượu. |
Theo cảnh báo của Cục ATTP, Bộ Y tế, ngộ độc rượu là một trong mối lo lớn dịp cận kề Tết Nguyên đán, nhất là trong thực trạng chế biến rượu tự phát, rượu giả vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Suýt chết vì rượu “methanol”
Mới đây, BV Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhân nam N.T.H. (49 tuổi, trú tại Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) trong tình trạng hôn mê. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp (nhưng không điều trị) và sỏi thận. Qua thông tin từ người nhà, trước khi nhập viện khoảng 3 ngày, bệnh nhân uống rượu với số lượng nhiều và uống nhiều lần. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện tình trạng nhìn mờ và nhanh chóng rối loạn ý thức.
Trước khi được chuyển lên BV Bạch Mai, bệnh nhân được đưa vào BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An trong tình trạng hôn mê sâu, thở nhanh, mạch 100 lần/phút, huyết áp 100/60 mmHg, đồng tử hai bên giãn đều 5 mm...; Được chẩn đoán sơ bộ là hôn mê gan và chuyển ra Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai.
Tại đây, BS. Lương Quốc Chính cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân, đã nghĩ ngay đến ngộ độc methanol và kết quả xét nghiệm định lượng methanol máu cho kết quả đúng như dự đoán. Với tình trạng hôn mê sâu, giãn đồng tử hai bên, toan chuyển hóa nặng nề... bệnh nhân đối mặt nguy cơ tử vong rất cao.
Theo BS. Chính, khoa thường xuyên gặp những trường hợp bị ngộ độc do uống rượu có chứa cồn methanol. Những người uống phải loại rượu này sẽ dễ bị ngộ độc, gây tổn thương thần kinh thị giác, thậm chí có thể tử vong. Không ít trường hợp bệnh nhân ngộ độc methanol, chậm phát hiện và xử lý đã dẫn tới hậu quả đáng tiếc.
Chính vì vậy, theo khuyến cáo của BS. Chính sau khi uống rượu, cần nghĩ ngay đến ngộ độc methanol khi có các triệu chứng như: Đau lưng, thân mình, cứng gáy (giống xuất huyết màng não), cứng cơ, da có thể lạnh, vã mồ hôi; Viêm dạ dày xuất huyết, viêm tuỵ cấp, biểu hiện đau thượng vị, nôn, ỉa chảy… Ngộ độc trung bình hoặc nặng có thể thay đổi chức năng gan.
Cảnh giác với rượu tự chế
Tại cuộc họp về công tác bảo đảm ATTP Tết mới đây, ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục ATTP cho biết, dù lực lượng chức năng đã phát hiện rất nhiều vụ sản xuất, vận chuyển, buôn bán rượu lậu, rượu giả với quy mô lớn, tuy nhiên, vấn nạn rượu giả hiện chưa được giải quyết triệt để. Tình trạng các loại rượu tự nấu, sản xuất thủ công có pha methanol vẫn “có mặt” ở nhiều nơi.
Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng rượu ngâm các loại rễ cây, thảo mộc, động vật, côn trùng, nội tạng động vật… cũng khá phổ biến. “Rỉ tai nhau, mọi người ngâm rượu và sử dụng một cách tùy tiện, không theo hướng dẫn, chỉ định nào của thầy thuốc hay những người có chuyên môn. Đây cũng là nguyên nhân gây ngộ độc rượu”, ông Long cho hay.
Cũng theo cảnh báo của ông Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, rượu bình thường hay còn gọi là rượu bia thực phẩm là rượu bia có chứa ethanol.
Khi bị ngộ độc ethanol và methanol, từ 30 phút đến vài giờ sau khi uống, nạn nhân cảm thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, đau bụng. Tuy nhiên, nếu là cồn ethanol thì sẽ gây ngộ độc rượu (say) rồi lại tỉnh, nhưng nếu là cồn methanol thì nạn nhân uống say dễ gây tử vong”. BS. Nguyễn Kim Sơn, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai |
Tuy được dùng để pha chế đồ uống giải khát nhưng bản thân ethanol cũng là chất có thể gây độc, ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơron thần kinh. Nếu uống nhiều rượu sẽ dẫn đến say, nghiện và gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe.
Do vậy, chỉ nên sử dụng hạn chế. “Tuy nhiên, nguy hiểm hơn và thường dẫn đến chết người là khi uống rượu có chứa methanol. Methanol vốn là hóa chất dùng vệ sinh công nghiệp, khi cho vào rượu có tác dụng làm tăng độ “mạnh” của rượu nên vẫn bị lợi dụng để làm rượu giả”, ông Thịnh cho biết.
Theo khuyến cáo của Cục ATTP, để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, người dân khi chọn mua và sử dụng rượu cần hết sức chú ý để tránh mua phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol >0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; Không uống rượu nồng độ từ 300 trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận