Bất động sản

Cần Thơ: Đường mở, nông dân ào ào chuyển nhượng đất

17/11/2022, 06:00

Tỉnh lộ 918 đang thi công trong khi tuyến Vành đai phía Tây qua huyện Phong Điền, Cần Thơ mới rục rịch nhưng việc chuyển nhượng đã rất sôi động.

Quá tải hồ sơ đất đai

img

Xã Giai Xuân (huyện Phong Điền là xã có hai dự án giao thông lớn đi qua

Dự án Tỉnh lộ 918 giai đoạn 2 (chiều dài 6,27km, có tổng mức đầu tư trên 700 tỷ đồng, hiện đang thi công).

Tuyến đường Vành đai phía Tây (nối quốc lộ 91 và 61C, dài 19km, có tổng mức đầu tư hơn 3.837 tỷ đồng) chuẩn bị khởi công cuối năm nay.

Một lãnh đạo Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết, từ đầu năm đến nay, riêng xã Giai Xuân có đến khoảng 10.000 trường hợp mua bán, cho tặng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Như vậy, tính bình quân, mỗi tháng riêng xã này có đến 1.000 hồ sơ biến động đất đai. Phần lớn trong đó là các hồ sơ mua bán, cho tặng…

Ông Huỳnh Việt Cường, Chủ tịch UBND xã Giai Xuân cho biết: “Các hồ sơ mua bán, người dân sau khi công chứng sẽ đi thẳng lên huyện làm hồ sơ nên chúng tôi không nắm.

Nhưng về đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp lên thổ cư, từ đất lúa sang đất vườn, chỉ trong năm 2023 tới, xã Giai Xuân có đến 600 trường hợp.

Trong khi toàn huyện chỉ có khoảng 1.500 trường hợp như vậy đã đăng ký cho năm 2023, tức xã này chiếm 1/2 trường hợp toàn huyện”.

Tại Văn phòng Đăng ký đất đai và Phòng TN&MT huyện, một cán bộ thụ lý giải quyết hồ sơ than thở: “Hồ sơ chất đống, quá tải!”.

Theo những người am hiểu, tình hình chuyển nhượng sẽ còn sôi động hơn trong những tháng trước và sau Tết.

Theo đánh giá của các cán bộ huyện Phong Điền, nguyên nhân của việc biến động đất đai chủ yếu xuất phát từ hai dự án lớn đã và sắp triển khai, đi qua xã Giai Xuân. Đó là tỉnh lộ 918 giai đoạn 2 và đường Vành đai phía Tây chuẩn bị khởi công cuối năm nay.

Nhu cầu có thật của nông dân

Ông Lâm Văn Bảy (khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, Cần Thơ) cho biết, gia đình ông có khoảng 2.000m2 đất vườn trồng sầu riêng, xoài và 1 căn nhà ở.

Khi dự án đường Vành đai phía Tây đi qua, gia đình ông bị ảnh hưởng hơn 1.500m2 đất vườn và toàn bộ căn nhà.

Đến nay, chính quyền địa phương đã hoàn tất việc kiểm đếm, đo đạc và đang làm thủ tục tiếp theo để áp giá bồi hoàn.

“Do phần đất còn lại vẫn còn hơn 60m2 đất thổ cư, nên theo quy định tôi không được bố trí tái định cư.

Tôi dự tính sau khi nhận bồi hoàn sẽ dựng một căn nhà mới trên phần đất còn lại để tiếp tục sinh sống và canh tác.

Dự án đi qua, dù bị mất đất, nhưng được cái, sau này nhà sẽ ra mặt tiền, mừng lắm”, ông Bảy nói.

Không như ông Bảy, trường hợp ông Ng.V.T. (ở ấp Bình Xuân, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền) mất hết gần 2.000m2 đất nông nghiệp phía sau nhà, nhường đất cho dự án này.

Còn vỏn vẹn căn nhà với 3 nhân khẩu, lâu nay quen sống với rẫy đậu xanh, nên sắp tới ông phân vân không biết kiếm tiền từ nguồn nào.

“Do vậy, mấy ngày nay tôi nhờ cò đất tìm giúp mảnh ruộng ở gần đó. Giá Nhà nước đền bù đất của tôi khoảng 1,5 tỷ đồng.

Mấy cò cho biết, giờ theo giá thị trường, cao lắm tôi cũng chỉ mua được chừng ấy diện tích, mà khá xa so với khu đất cũ”, ông T. nói.

Anh D.V.O., một cò đất ở huyện Phong Điền cho biết, anh đã nhận được “đơn hàng” nhờ tìm mua lại đất nông nghiệp của ít nhất 3 hộ.

“Nhưng các hộ này chưa được nhận tiền đền bù, nên chỉ để ý tìm giúp họ thôi, chờ có tiền rồi tính”, anh D.V.O. nói.

Giá đất tăng chóng mặt

img

Đất sâu sau đường giao thông nông thôn ở huyện Phong Điền hiện có giá khoảng 300 – 400 triệu đồng/công (1.000m2)

Theo Ban Quản lý dự án và Giải phóng mặt bằng huyện Phong Điền, chỉ với hai dự án lớn đã và sắp triển khai, đã có 404 trường hợp bị ảnh hưởng.

Trước hết, các hộ này phải tách thửa, trừ đi phần đất bị ảnh hưởng nên phải làm hồ sơ biến động đất đai. Trong đó, nhiều nông dân muốn mua lại đất để sản xuất nông nghiệp hoặc chuyển chỗ ở trong khi chờ sắp xếp tái định cư.

Hiện, khu tái định cư tập trung của huyện Phong Điền tại xã Mỹ Khánh vẫn xây dựng chưa xong.

Có hay không tình trạng người dân nhân có dự án nên tranh thủ mua đầu cơ, “đón gió” cơ hội đầu tư địa ốc? Anh N.V.T. - một “cò” đất ở xã Xuân Giai cho biết: “Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản trầm lắng.

Khách mua bất động sản trước nay cứ 10 người thì 8 người vay ngân hàng. Gần đây, ngân hàng siết việc cho vay bất động sản, cho nên từ đầu năm đến nay tôi chỉ làm mai mối giao dịch thành công vài trường hợp.

Số mua bán đất chuyên nghiệp tham gia sang nhượng tôi nghĩ không nhiều”.

Do đó, theo anh T., số lượng người chuyển nhượng đất đai gần đây chủ yếu là những người bị ảnh hưởng bởi dự án tỉnh lộ 918 và Vành đai phía Tây. Trong số này, rất nhiều nông dân tìm mua lại đất để ở, để canh tác. Đây cũng là nguồn sống của anh T.

Tuy vậy, cũng có một lượng người đầu cơ hoặc tìm nơi nghỉ đưỡng. “Cũng có một số ít đại gia muốn về vườn lập nơi nghỉ ngơi cuối tuần, nên tôi cũng giao dịch được, nhưng ít”, anh N.V.T. cho biết.

Dù vậy, tình hình biến động đất đai đã làm giá đất nông nghiệp khu vực này tăng nhanh. Trước đây, đất nông nghiệp (chủ yếu là ruộng vườn, nằm sâu phía sau các con đường nông thôn - PV) có giá 300 - 400 triệu đồng/công (1.000m2), thì khi có hai dự án này, giá đã tăng gấp đôi.

Còn nếu đất nằm ở mặt tiền tỉnh lộ 918 tương lai, năm trước có giá trên dưới 1 tỷ đồng/công thì nay giá hơn 3 tỷ đồng, nhưng cũng không nhiều người kêu bán. Chủ yếu họ chưa có nhu cầu bán nên giữ đấy, kỳ vọng giá lên.

Riêng đường Vành đai phía Tây, do có chủ trương Nhà nước khai thác, sử dụng mặt tiền mỗi bên vào 200m nên giá đất không tăng đáng kể.

Sẽ biến động mạnh trong vài tháng tới

Theo dự báo của Phòng TN&MT huyện Phong Điền cũng như giới làm ăn liên quan đến đất đai ở khu vực này, giao dịch về đất đai và giá đất sẽ biến động trong 1-2 tháng tới, khi người dân nhận đủ tiền đền bù từ dự án đường Vành đai phía Tây. Trước hết, đó là những giao dịch thật từ nhu cầu thật của những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.