Ngày 1/12, ông Mai Minh Ngoan, Chánh VP Ban ATGT TP Cần Thơ cho biết, sau 2 tháng ra quân, Đoàn kiểm tra liên ngành bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2021, đã kiểm tra gần 1.000 lượt, nhắc nhở hàng trăm trường hợp. Tuy nhiên không có trường hợp nào lập biên bản vi phạm hành chính.
Đoàn liên ngành bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Cần Thơ.
Theo ông Ngoan, đoàn liên ngành ra quân từ ngày 16/9, tổng kiểm tra 960 lượt, qua đó, lập biên bản nhắc nhở 206 trường hợp, cho cam kết 442 trường hợp, số còn lại tuyên truyền, nhắc nhở.
“Do trong thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19, điều kiện kinh tế của người dân gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có một số tổ chưc, cá nhân bị lâm vào tình cảnh phá sản vì phải đóng cửa kho bãi dài ngày do dịch bệnh. Vì vậy khi Đoàn kiểm tra phát hiện có vi phạm nhưng ở mức độ chưa đến mức gây nguy hại cho công tác đảm bảo trật tự ATGT thì chỉ áp dụng hình thức tuyên truyền, nhắc nhở là chính”, Chánh VP Ban ATGT TP Cần Thơ cho biết.
Theo đoàn liên ngành, qua kiểm tra đợt 1 từ ngày 16/9 đến 28/9, đây là thời điểm Cần Thơ đang áp dụng Chỉ thị 16, đa số các bến thủy nội địa hàng hóa đã tạm ngưng hoạt động, những bến còn duy trì đều thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Đến ngày 18/9, thành phố cho phép các quận, huyện được thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 15, một số bến thủy, nội địa trước đây ngưng hoạt động bắt đầu kích hoạt trở lại. Đến nay, các hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách trên địa bàn đã dần khôi phục trở lại.
Trên tuyến kênh Thị Đội có 18 bến thủy không phép tồn tại nhiều năm.
Đoàn liên ngành đánh giá, trong giai đoạn này, việc lưu thông vận tải hàng hóa gặp nhiều khó khăn, lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa đã giảm đi đáng kể do cả nước đang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nên không làm ảnh hưởng lớn đến trật tự ATGT đường thủy.
Về công tác phòng chống dịch, tất cả người đi trên phương tiện đều ý thức việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch, thuyền viên đều có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 theo quy định.
“Tuy nhiên một số trường hợp giấy xét nghiệm đã hết hiệu lực quá 72h, do thời gian phương tiện khi về tới bến phải neo đậu chờ nhận lệnh điều động, bốc xếp hàng hóa. Các trường hợp này, Đoàn liên ngành yêu cầu thuyền viên trên phương tiện phải liên hệ cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm lại, đồng thời viết cam kết phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định”, Đoàn kiểm tra liên ngành thông tin.
Cũng theo ngành chức năng, thực tế quá trình kiểm tra vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắt. Cụ thể, do không có lực lượng ngành y tế tham gia nên khi phát hiện các hành vi vi phạm có liên quan đến công tác phòng, chống dịch vẫn chưa được xử lý kịp thời.
Một số trường hợp khi phát hiện vi phạm nhưng chưa xử lý được như giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện hay giấy phép hoạt động bến thủy nội địa hết hiệu lực, do việc đi lại của người dân gặp khó khăn, một số cơ quan Nhà nước ngưng tiếp nhận thủ tục hành chính do thành phố thực hiện giãn cách. Hay tình trạng giấy xét nghiệm của thuyền viên hết hiệu lực do 1 số địa phương không có cơ sở xét nghiệm dịch vụ.
Đáng chú ý là tình trạng còn tồn tại 18 bến thủy nội địa hoạt động không phép trên tuyến kênh thủy đội Ô Môn đã nhiều năm. Đây là 1 trong những nguyên nhân có thể xảy ra TNGT do các phương tiện hoạt động nhiều vào những tháng mùa vụ.
"Vấn đề này, Ban ATGT thành phố có văn bản gửi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ trì phối hợp với địa phương có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được công bố hoạt động bến thủy nội địa trên tuyến kênh thị đội Ô Môn theo đúng quy định", Đoàn liên ngành cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận