Đô thị

Cần thu giữ xe, tước bằng lái nếu tái chiếm vỉa hè

28/02/2023, 20:33

Theo các chuyên gia giao thông, không nên cấp phép cho ô tô đỗ trên vỉa hè, vừa chiếm diện tích của người đi bộ, vừa làm vỉa hè nhanh xuống cấp.

Vỉa hè của người đi bộ, không phải nơi đỗ xe

Sau khi chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ được Hà Nội phát động, nhiều người cho rằng, cùng với việc dẹp loạn vỉa hè, Hà Nội cũng nên bỏ cấp phép đỗ xe tại hàng trăm vị trí trên các tuyến phố, để vỉa hè trở lại đúng nghĩa của nó, phục vụ cho người đi bộ, tạo mỹ quan đô thị.

img

Vỉa hè bị chiếm dụng để kinh doanh, đậu xe

“Trên vỉa hè Hà Nội hiện nay đâu đâu cũng thấy ô tô, xe máy đỗ. Thậm chí nhiều điểm lát đá tự nhiên cũng được cấp phép cho ô tô đỗ trên vỉa hè, sau đó vỡ hết phải duy tu lại. Phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn, Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) là ví dụ. Hay dọc đường Lê Văn Lương nhiều gara ô tô cũng để xe của khách chiếm dụng hết vỉa hè", ông Nguyễn Văn Tuấn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bức xúc nói.

Chị Bùi Thị Hòa, ở quận Hà Đông, Hà Nội thường sử dụng xe buýt để đi làm chia sẻ: Ngày nào tôi cũng đi bộ trên đường Trần Phú, Tố Hữu đến điểm đón xe buýt. Có lúc muốn đi trên vỉa hè cũng chẳng có chỗ vì bị hàng quán bủa vây, ô tô dừng đỗ kín, đành phải len lỏi xuống lòng đường, vừa đi vừa sợ.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho biết, hè phố là để dành cho người đi bộ, chẳng lý gì mà thành nơi đỗ ô tô. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có một loạt quy định về việc này. Cụ thể tại Khoản 3, Điều 8 quy định rõ "nghiêm cấm sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép".

Khoản 1, Điều 32 về “Người đi bộ” quy định “người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường. Trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường”. Ngoài ra, Khoản 2, Điều 19 về “Dừng xe, đỗ xe trên đường phố” quy định “không được để phương tiện giao thông ở hè phố trái quy định”.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng quy định rõ: Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô “đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển “cấm đỗ xe” hoặc biển “cấm dừng xe và đỗ xe”.

“Căn cứ vào quy định như trên của luật, quy định xử phạt về đỗ xe khác nhau ở hè phố và lòng đường, như vậy thì không thể hiểu khác rằng chỉ được đỗ, để xe ở hè phố nếu có quy định (biển báo) được phép ngược lại với việc chỉ không được dừng, đỗ xe ở lòng đường nếu có biển cấm”, luật sư Đức phân tích.

Tái vi phạm vỉa hè nên xử lý trách nhiệm hình sự

Theo luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VP luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, có thể dễ dàng thấy các hành vi như: Tận dụng vỉa hè thành nơi giữ xe, đặt biển hiệu quảng cáo, để bàn ghế hàng ăn, nước uống, thậm chí còn bày bán các loại hàng rau củ, hoa quả, tạp hóa…; lòng đường trở thành điểm kinh doanh của các xe đẩy, hàng rong và thành nơi đậu xe của người mua hàng.

"Sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, thiếu quy hoạch, kết nối đồng bộ giữa đường giao thông, vỉa hè với các khu vực xung quanh; sự thiếu ý thức của cả người mua lẫn người bán; chế tài pháp luật thực sự vẫn chưa đủ sự răn đe… là những nguyên nhân khiến tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra thường xuyên, gây đau đầu cho các cơ quan quản lý đô thị cũng như lực lượng chức năng.
Thực tế, người dân đều nhận thức được hành vi của mình là sai quy định nhưng họ vẫn cố tình xem thường pháp luật. Việc kinh doanh buôn bán liên quan đến việc mưu sinh của mỗi người dân, nhưng sự việc này cần phải sớm khắc phục để tránh tình trạng gây mất ATGT”, luật sư Bình nhìn nhận.

"Dẹp loạn vỉa hè, ngoài việc xử phạt hành chính, nên bổ sung hình phạt hành vi tái phạm và tiến tới truy trách nhiệm hình sự. Đồng thời tăng cường tuyên truyền về những quy định này để người dân nắm được, có như vậy mới thể hiện được tính răn đe", luật sư Bình góp ý.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng VP luật sư Kết nối cho biết, bên cạnh tăng nặng mức xử phạt, các lực lượng chức năng trên địa bàn cần quyết liệt ra quân, xử phạt, lập chốt trực 24/24h. Ngoài ra, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật về ATGT đối với các hộ gia đình kinh doanh; nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành cho nhân dân.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hiếu (Trường ĐH GTVT) đề xuất cần phải xử lý nghiêm vi phạm vỉa hè thông qua việc thu giữ phương tiện, hàng hóa, tước giấy phép lái xe của các đối tượng vi phạm và tái phạm nhiều lần.

“Việc làm nghiêm, làm chặt và gia tăng hình thức xử phạt là cần thiết để mang tính răn đe. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm phải duy trì thường xuyên bởi việc chỉ làm rầm rộ trong thời gian ngắn và tại 1 vài điểm sẽ không đem lại lợi ích lâu dài và không nâng cao được ý thức, hình thành thói quen thượng tôn cho pháp luật trong nhân dân”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Cho rằng, để giải quyết nhu cầu gửi xe của người dân thì việc đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tĩnh là điều cần thiết, TS. Nguyễn Hữu Đức cũng thừa nhận "sẽ không bao giờ có thể theo kịp tốc độ gia tăng sở hữu xe hơi". Vì vậy, theo TS. Đức cơ quan quản lý cần phải tăng cường mở rộng, phát triển hạ tầng giao thông công cộng, đảm bảo quy hoạch xây dựng đô thị tích hợp và hài hòa với các tiện ích để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, hướng tới giảm thiểu phương tiện cá nhân mới là những giải pháp căn cơ cho tình trạng thiếu điểm đỗ xe hiện nay. Đây cũng là giải pháp căn cơ để đảm bảo đường riêng cho người đi bộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.