Chiều 25/8, ghi nhận của PV Báo Giao thông, bến bốc, xếp vật liệu xây dựng (VLXD) của ông Lê Thế Chiến tại thôn 3, xã Quảng Minh tấp nập máy xúc, ô tô vận chuyển cát ra, vào. Bến bốc xếp này có diện tích khoảng 3.000m2, hiện ông Chiến đang cho HTX Dịch vụ thương mại Thế Sơn thuê lại. Theo tìm hiểu, bến bốc xếp này có giấy phép kinh doanh, đúng ngành nghề, nhưng chưa có giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa.
Ông Lê Thế Chiến phàn nàn: Mặc dù hệ thống bến bốc, xếp hàng hoá đã hoàn thiện, hoạt động an toàn, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa mà vẫn chưa được. Chúng tôi mong muốn, nếu cơ sở đảm bảo đủ các yếu tố thì cơ quan chức năng sớm hoàn thiện thủ tục cho bến để ổn định làm ăn…
Tương tự, tại bến bốc xếp VLXD của HTX Đại An, mọi hoạt động tập kết, bốc, xếp VLXD diễn ra bình thường trên sông Hà Cối (xã Quảng Minh). Đây là bến hoạt động tự phát và ngày 27/5/2020, UBND huyện Hải Hà đã có văn bản chỉ đạo UBND xã Quảng Minh thực hiện biện pháp cưỡng chế xong trước ngày 30/6/2020. Giải thích về tình trạng bến này vẫn hoạt động, lãnh đạo UBND xã Quảng Minh cho rằng, thẩm quyền xử lý vi hành chính của cấp xã chỉ đối với diện tích dưới 0,5ha, nên các bến bãi có diện tích trên 0,6ha là thuộc thẩm quyền của... cấp huyện.
Bà Vũ Thị Liên, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thương mại Quỳnh Long, huyện Đầm Hà thì phản ánh: Cảng, bến bốc xếp VLXD của doanh nghiệp đã hoạt động từ nhiều năm nay dù vẫn thiếu hồ sơ cấp phép. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã làm thủ tục và được UBND huyện Đầm Hà phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cảng vật liệu xây dựng tổng hợp kết hợp với khu neo đậu tránh, trú bão tại thôn Đầm Buôn, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà ngày 13/5/2019. Tiếp đến, ngày 17/1/2020, doanh nghiệp cũng được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cảng, bến theo đề xuất của huyện. Thế nhưng khi làm thủ tục xin cấp phép làm cảng, bến, doanh nghiệp lại phải xin phê duyệt quy hoạch chi tiết.
"Sao cơ quan chức năng không lấy luôn phê duyệt của UBND huyện ngày 13/5/2019. Làm như vậy khiến cho thời gian làm thủ tục của doanh nghiệp bị kéo dài?", bà Liên thắc mắc.
Theo kết quả khảo sát của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 8/6/2020, trên địa bàn còn tới 36 cảng, bến hoạt động không pháp hoặc đang chờ hoàn thiện thủ tục phép hoặc đang chờ cấp phép nhưng vẫn hoạt động gồm: Tp Móng Cái 9, Tx Quảng Yên 8, Tp Uông Bí 2, Tx Đông Triều 8 và các huyện: Hải Hà 3, Đầm Hà 3, Tiên Yên 1, Ba Chẽ 1, Vân Đồn 1...
Trước phản ánh của chủ bến về việc triển khai các thủ tục liên quan đến các cảng, bến hoạt động không phép vẫn còn nhiều nan giải, Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, ngày 1/6/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 1812/QĐ-UBND “Về việc phân cấp cho UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định sự phù hợp ngắn hạn đối với các cảng, bến thuỷ nội địa tạm thời”.
Theo quyết định này thì UBND tỉnh phân cấp cho các địa phương xác định sự phù hợp ngắn hạn đối với cảng, bến thuỷ nội địa tạm thời từ trước trên địa bàn các địa phương theo đề nghị Sở GTVT cấp phép hoạt động tạm thời với nguyên tắc: Chỉ đồng ý hoạt động đối với cảng thuỷ nội địa tạm thời trên địa bàn đã đầu tư xây dựng, có công trình bến hiện hữu đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, ATGT, bảo vệ môi trường, phục vụ nhu cầu cần thiết phát triển kinh tế - xã hội các địa phương…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận