Hàng hải

Cảng biển lợi gì khi tàu ngoại “chống lưng”?

10/07/2023, 05:30

Các cảng biển có những hãng tàu ngoại đứng sau đều là những cảng biển có tốc độ phát triển nhanh.

Tốc độ phát triển mạnh mẽ

Đầu tháng 7/2023, MSC - một trong những hãng tàu container lớn nhất thế giới mở tuyến dịch vụ mới Shikra qua Cảng container quốc tế cảng Sài Gòn - SSA (SSIT). Tuyến dịch vụ mới kết nối Việt Nam với các cảng lớn Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác.

img

Hãng tàu MSC chọn cảng SSIT là cảng trung lập để làm hàng của hãng tại khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải, liên tục mở nhiều tuyến dịch vụ mới qua cảng. Ảnh: SSIT.

Hiện nay, tại khu bến Cái Mép - Thị Vải, SSIT là cảng biển được hãng tàu container lớn nhất thế giới MSC lựa chọn làm hàng. Thời gian qua, bên cạnh tuyến Shikra, hãng tàu còn mở nhiều tuyến dịch vụ mới qua cảng. Điều này mang tới nhiều cơ hội cho cảng biển khi các tuyến dịch vụ được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường châu Á và mang lại sự linh hoạt hơn cho các khách hàng trên toàn thế giới.

Trong khi đó, sau 2 năm đi vào hoạt động, Cảng quốc tế Gemalink đã khai thác 2 triệu Teus hàng hóa xuất nhập khẩu, là một trong những cảng biển phát triển nhanh nhất hiện nay.

Đáng chú ý, cảng Gemalink là liên doanh giữa Công ty CP Gemadept và CMA Terminals (thuộc Tập đoàn hàng hải Pháp CMA-CGM). CMA Terminals cũng là cổ đông nắm tới 25% vốn điều lệ tại cảng biển này.

Cũng tại Cái Mép - Thị Vải, Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) là sự bắt tay của Tổng công ty Hàng hải VN, Cảng Sài Gòn và APM Terminal. APM Terminals là một trong những nhà khai thác cảng container lớn nhất thế giới, thuộc Tập đoàn AP Moller-Maersk.

Có hãng tàu Maersk “chống lưng”, trong 5 năm qua, cảng có những bước phát triển ấn tượng khi tiếp nhận khoảng 2.000 chuyến tàu mẹ quốc tế cập cảng trên các tuyến dịch vụ đi Mỹ, châu Âu và châu Á. Trong đó, phần lớn là các tàu trọng tải từ 132.000 DWT trở lên. Sản lượng xếp dỡ riêng cho tàu mẹ đạt gần 5 triệu Teus. Các hãng tàu, liên minh hãng tàu cũng đưa thêm nhiều tuyến dịch vụ tàu mẹ vào khai thác tại cảng.

Còn tại cảng biển Lạch Huyện (Hải Phòng), cảng container quốc tế Tân Cảng - Hải Phòng (TC-HICT) không chỉ là cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc, cũng là cảng có sự phát triển mạnh mẽ nhất. TC-HICT là liên doanh giữa nhiều đơn vị gồm Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Công ty TNHH Mitsui O.S.K Lines (Nhật Bản), hãng tàu Wan Hai Lines (Đài Loan) và Tập đoàn Itochu (Nhật Bản).

Có hai hãng tàu lớn chủ đạo là Wan Hai Lines và O.S.K Lines đứng sau, cảng TC-HICT ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tháng 11/2022, cảng đã chính thức đánh dấu mốc 1 triệu Teus hàng hoá thông qua và đã đón được chuyến tàu có trọng tải kỷ lục gần 145.000 DWT cập cảng làm hàng.

Mô hình bền vững

img

Cảng TC-HICT tại khu bến Lạch Huyện có hãng tàu Wan Hai thường xuyên vào làm hàng. Ảnh: TC-HICT.

Theo các chuyên gia, cảng biển liên doanh với hãng tàu là một trong những phương án phát triển bền vững nhất. Nói như Phó chủ tịch Hiệp hội cảng biển Việt Nam Trần Khánh Hoàng, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, chiến lược thành công nhất ông từng làm tại TC-HICT chính là liên doanh với hãng tàu.

“Khi có hãng tàu đứng sau, cảng biển có rất nhiều lợi thế. Hãng tàu không chỉ đưa tàu và sản lượng hàng hóa vào, còn đưa các hãng tàu trong liên minh hãng tàu của họ vào. Có tàu và sản lượng hàng container là điều đảm bảo chắc chắn nhất cho cảng biển”, ông Hoàng khẳng định.

Theo một doanh nghiệp cảng biển, nếu cảng biển có cổ phần của hãng tàu, cảng sẽ an tâm về nguồn hàng. Doanh nghiệp này lấy ví dụ khi giai đoạn 1 của cảng Gemalink được đưa vào khai thác vào năm 2021, hãng tàu CMA - CGM đã rút các tuyến trước đó vào cảng CMIT và SSIT về Gemalink.

Trong khi đó, CMA - CGM là một trong những hãng tàu container lớn nhất thế giới. Kết quả chỉ trong một thời gian ngắn, Gemalink đã bật lên nhanh chóng. Ngoài có nguồn hàng từ hãng tàu CMA-CGM, Gemalink còn được kỳ vọng hưởng lợi khi hãng tàu Pháp này có thể thuyết phục các hãng khác trong liên minh Ocean Alliance chuyển hàng hóa đang xếp dỡ ở nước khác đến Việt Nam.

Trên thế giới, cảng Tanjung Pelepas (Malaysia) điển hình cho mô hình này. Cảng biển được xây dựng khi cảng Singapore ở đang là “ngôi sao” của cảng biển khu vực Đông Nam Á.

Từ những năm cuối thế kỷ XX, Tanjung Pelepas đã nhanh chóng vươn lên, trở thành đối thủ nặng ký với cảng Singapore khi có sự tham gia của hãng tàu lớn Maersk Lines.

Phải nói thêm, Tanjung Pelepas là liên doanh giữa tập đoàn MMC của Malaysia và APMT của hãng tàu Maersk. Ngay khi cảng được hình thành, Maersk đã chuyển hoạt động của mình từ cảng Singapore sang Tanjung Pelepas.

Sau đó, hãng tàu Evergreen cũng “nối gót”, chuyển trung tâm trung chuyển về Tanjung Pelepas, đưa cảng này trở thành một trong những cảng trung chuyển lớn nhất thế giới. Theo Seatrade Maritime, mỗi năm, Tanjung Pelepas xử lý khoảng 11 triệu Teus hàng hóa.

Các chuyên gia nhận định hiện nay, liên doanh với các hãng tàu đang là xu hướng chủ đạo của nhiều cảng biển xây mới. Tiêu biểu là Công ty CP Tập đoàn Hateco (chủ đầu tư bến 5,6 khu bến Lạch Huyện) đã “bắt tay” hợp tác với tập đoàn APM Terminals trong dự án phát triển hai bến cảng nước sâu tại khu bến cảng Lạch Huyện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.