Giao thông

Cảng cạn Long Biên vừa đưa vào hoạt động, công suất "khủng" cỡ nào?

01/08/2020, 09:38

Cảng cạn Long Biên có tổng diện tích tới 120.000m2, công suất khai thác 135.000 TEUs vừa chính thức đi vào hoạt động,...

img
Hình ảnh ICD Long Biên mới đi vào hoạt động

Công ty CP Hateco logistics vừa hoàn thành các thủ tục, chính thức đưa cảng cạn (ICD) Long Biên vào hoạt động, trở thành cánh tay nối dài hệ thống cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu đường bộ từ Bắc vào Nam.

Theo quyết định được công bố, ICD Long Biên có vị trí tại số 1 đường Huỳnh Tấn Phát, KCN Sài Đồng B (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) do Công ty CP Hateco logistics làm chủ đầu tư. Thời gian hoạt động của ICD Long Biên đến năm 2025 hoặc đến khi cảng cạn Cổ Bi, Phù Đổng hoàn thành, đưa vào khai thác.

ICD Long Biên được đánh giá có vị trí thuận lợi khi cách cảng Hải Phòng khoảng 100km, cảng Lạch Huyện 122km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 26km, biên giới Trung Quốc 126km,... Cảng cạn này được xây dựng trên diện tích 120.000m2, công suất khai thác 135.000 TEUs, được tích hợp đầy đủ chức năng: thông quan hàng hóa, giao nhận vận tải nội địa, quốc tế, giao nhận hàng cảng đích, lưu giữ và phân phối vỏ container, lưu giữ, bảo quản container lạnh,...

Ngày 25/5/2020, ICD Long Biên đã được Bộ Tài chính ký quyết định số 769/QĐ-BTC công nhận là địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa.

Trước đó, tại văn bản chấp thuận chủ trương bổ sung ICD Long Biên vào quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Bộ GTVT cho biết, tại Quyết định số 2072/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống cảng cạn Việt Nam, khu vực kinh tế Đông Nam Hà Nội được quy hoạch đến năm 2020 năng lực thông qua hàng hóa từ 350.000 - 900.000 Teus/năm, diện tích từ 80 - 90ha, đến năm 2030 năng lực thông qua hàng hóa từ 1,1 - 2 triệu Teus/năm, diện tích từ 120 - 150ha.

Theo Quyết định số 1201/2018 của Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khu vực kinh tế Đông Nam Hà Nội có vai trò phục vụ hàng hóa của các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên và Bắc Kạn với năng lực thông qua giai đoạn 2020 - 2025 khoảng 522.800 - 874.500 Teus/năm; đến năm 2030 tổng năng lực thông qua từ gần 1,62 triệu đến hơn 2 triệu Teus/năm, gồm ICD Cổ Bi và ICD Phù Đổng.

Tuy vậy, hiện nay, khu vực kinh tế Đông Nam Hà Nội mới chỉ có ICD Tân Cảng Hải Phòng và ICD Đình Vũ - Quảng Bình đang hoạt động với năng lực hàng hóa thông qua lần lượt là 71.400 - 214.000 Teus/năm và 71.400 - 142.000 Teus/năm.

Cảng cạn Cổ Bi vẫn đang trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ thiết kế các hạng mục phần nổi. Cảng cạn Phù Đổng đang ở bước nghiên cứu quy hoạch và vẫn còn phải xử lý, tháo gỡ các khó khăn liên quan đến quy hoạch phòng chống lũ, sớm nhất đến năm 2023 mới hoàn thành đưa vào sử dụng.

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa khu vực, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương bổ sung ICD Long Biên vào quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 9 cảng cạn và 16 điểm thông quan hàng hóa (có chức năng như cảng cạn). Trong đó, khu vực phía Bắc có 8 ICD, 7 điểm thông quan nội địa, gồm: ICD Phúc Lộc - Ninh Bình; ICD Km3+4 Móng Cái, Quảng Ninh; ICD Hải Linh, Phú Thọ; ICD Tân Cảng Hải Phòng; ICD Đình Vũ - Quảng Bình, Hải Phòng; ICD Hoàng Thành, Hà Nội, ICD Tân Cảng Hà Nam và ICD Long Biên. Khu vực phía Nam có 1 ICD và 9 điểm thông quan nội địa. Miền Trung chưa có ICD nào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.