Sản phụ điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương Ảnh: Công Thắng
Từng ngày trông chờ vào dòng máu hiến
Suốt 3 tháng qua, đều đặn chị Trần Minh H. (Hưng Yên) phải đi khám định kỳ hoặc điều trị nội trú tại Khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư bởi căn bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu.
Khi chỉ còn vài tuần nữa sẽ sinh con, chị H. phải nhập viện gấp vì tiểu cầu xuống rất thấp, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và con.
Lần nhập viện này, nỗi lo âu càng lớn hơn khi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rình rập. Nếu không được truyền tiểu cầu kịp thời, chị đối mặt với nhiều nguy cơ xuất huyết, thậm chí là có thể không giữ được thai nhi.
Tương tự, thai phụ Nguyễn Thị T. (Hà Nội) đang ở thai kỳ tháng thứ 7 phát hiện bị thiếu máu nặng và phải chuyển sang Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư để truyền máu gấp.
Nằm trên giường bệnh, chị chỉ mong sao được truyền đủ máu để nuôi dưỡng con, để con được ở trong bụng mẹ thêm ngày nào tốt ngày ấy. “Tôi mong những người có sức khỏe cố gắng vượt qua dịch bệnh, tham gia hiến máu để giúp đỡ người bệnh như chúng tôi”, chị T. bày tỏ.
BSCKII. Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cho biết, trước mắt, Viện đã cố gắng hết sức để sản phụ được ưu tiên truyền tiểu cầu gấp.
Nhưng với tình trạng của sản phụ nếu sinh thường sẽ rất nguy hiểm. Sắp tới sản phụ còn cần truyền rất nhiều tiểu cầu để nâng chỉ số xét nghiệm lên mức an toàn hơn, đề phòng nguy cơ chảy máu cả trước, trong và sau khi sinh mổ. Không chỉ gia đình người bệnh mà cả các y, bác sĩ đều hết sức lo lắng trước tình hình nguồn máu phục vụ điều trị khan hiếm như hiện nay.
Tại khu vực ngồi hiến máu của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, khuôn mặt anh Trần Văn D. (Thạch Thất, Hà Nội) bần thần, buồn bã cho biết: “Vợ tôi đang điều trị ung thư máu tại BV ĐK Hà Đông, vì tình trạng thiếu máu dự trữ nên BV đề nghị gia đình cùng hỗ trợ hiến máu.
Tuy nhiên, sức khỏe tôi lại không đảm bảo nên không được phép. Chỉ mong sao chóng hết dịch, Viện lại tổ chức nhiều chương trình hiến máu cho người bệnh như vợ tôi được chữa bệnh”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia chia sẻ, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, với tính chất phức tạp nhiều địa phương nên lịch hiến máu bị hoãn rất nhiều, khiến lượng máu dự trữ đang sụt giảm mạnh.
Chỉ riêng tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, trong tháng 5, lượng máu tiếp nhận chỉ bằng 30% so với kế hoạch. Đã có gần 70 lịch hiến máu với dự kiến tiếp nhận 25.000 đơn vị máu bị hoãn, hủy. Trong khi Viện là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp máu cho 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc với diện bao phủ là 40 triệu dân.
Làm gì để giải quyết nỗi lo thiếu máu?
BS. Nguyễn Thị Thảo cho biết, trong hoàn cảnh nguồn máu phục vụ điều trị sụt giảm mạnh, các ca cấp cứu, các sản phụ đang trong tình thế cấp bách cần được ưu tiên cung cấp máu và chế phẩm máu, tuy nhiên đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Trong khi đó vẫn còn hàng nghìn người bệnh thiếu máu mãn tính, thiếu máu nhẹ buộc phải trì hoãn truyền chế phẩm máu. Nhưng việc trì hoãn cũng không thể kéo dài vì sẽ dẫn đến nhiều biến chứng cho người bệnh.
Khuyến khích người tiêm vaccine Covid-19 đi hiến máu
Dịch Covid-19 lây qua đường hô hấp, không lây qua đường máu, do vậy theo khuyến cáo chung của WHO và Hội Truyền máu Quốc tế, sau 1 tuần tiêm vaccine Covid-19 là có thể hiến máu được. Đáng lưu ý với người đã tiêm vaccine Covid-19, khả năng cơ thể sinh ra kháng thể chống lại virus rất cao, nên chế phẩm đó rất tốt để điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt với bệnh nhân Covid-19 nặng cần truyền huyết tương. Chính vì vậy chúng tôi kêu gọi những người đã tiêm vaccine, cơ thể sinh kháng thể nên đi hiến máu.
TS. Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia
TS. Quế cho biết thêm: “Chúng tôi ưu tiên cung cấp máu cho cấp cứu, các bệnh viện trong vùng dịch không có khả năng tiếp nhận và có nhu cầu về máu cao để điều trị... sẽ cố gắng cung cấp đầy đủ 100% máu và chế phẩm máu tới các BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, BV K Tân Triều và 2 tỉnh đang dịch dã hoành hành là Bắc Ninh, Bắc Giang. Sau đó mới đến các bệnh nhân thiếu máu nặng, còn các bệnh nhân có thể trì hoãn được, hoặc mổ phiên chưa cần thiết thì được khuyến cáo các thủ thuật trong dịp này để giảm nhu cầu máu”.
Áp lực về dự trữ máu càng lớn khi đợt này số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 tăng cao, ngoài tổn thương phổi, các bệnh nhân này thường có rối loạn đông máu ở các mức độ khác nhau.
Nhiều trường hợp cần sử dụng các chế phẩm huyết tương như huyết tương tươi đông lạnh, tủa lạnh giàu yếu tố VIII (cryo).
Bên cạnh đó hầu hết các trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng đều có bệnh nền hoặc bệnh lý kết hợp khác, do vậy, trong điều trị cần dùng cả tới các chế phẩm máu khác như khối hồng cầu, khối tiểu cầu…
Trước tình trạng lượng máu dự trữ giảm sút trầm trọng, trong tháng 5, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đẩy mạnh bằng cách kêu gọi người dân đến hiến tại nhiều điểm cố định hoặc BV để bù lượng thiếu hụt, tuy nhiên cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% kế hoạch ban đầu.
“Để tăng cường đầu vào, chúng tôi phải huy động các đơn vị, bệnh viện kêu gọi cán bộ, nhân viên tham gia hiến máu tình nguyện, lập nhiều điểm hiến máu cố định để thuận tiện cho người dân đến hiến máu và tránh tập trung đông người. Trước lo ngại của người dân về dịch Covid-19, các buổi tổ chức hiến máu luôn được chúng tôi thực hiện theo đúng quy trình đảm bảo theo khuyến cáo, thậm chí cao hơn 1 mức như việc tổ chức quy trình 1 chiều, khai báo y tế qua điện tử, đăng ký hiến máu theo phần mềm, hạn chế tối đa tiếp xúc”, ông Quế cho hay.
Cũng theo ông Quế, bên cạnh đó, các bệnh viện cũng kêu gọi người nhà bệnh nhân hiến máu trong dịp này, đây là một giải pháp tình thế bắt buộc khi lượng máu đang thiếu hụt trầm trọng như hiện nay.
Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cũng kêu gọi điều tiết máu, ở các vùng không dịch Covid-19 vẫn tiếp nhận máu và chuyển về Viện. “Mới thứ 7 vừa qua, Khánh Hòa tổ chức gần 400 đơn vị máu chuyển ra, dự kiến thời gian tới Đắk Lắk, Lâm Đồng cũng đều có lịch hiến máu và sẽ chuyển ra để chia sẻ”, TS. Quế nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận