Ngồi nhà điều động tàu thuyền đảm bảo an toàn, giảm tai nạn
Giáp tết Nguyên đán 2024, cảng biển Hải Phòng nhộn nhịp tàu thuyền qua lại. Không khí ấy không chỉ diễn ra trên luồng hàng hải, còn sôi nổi ở trụ sở Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng. Các điều phối viên, giám sát viên liên tục bận rộn điều tiết, giám sát tàu thuyền và các hoạt động hàng hải thông qua Hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS) Hải Phòng để đảm bảo an toàn.
Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng là đơn vị được Cục Hàng hải VN giao nhiệm vụ khai thác, vận hành hệ thống VTS Hải Phòng.
Được đưa vào khai thác, vận hành từ tháng 11/2015, tới nay, hệ thống VTS đã phát huy tốt các chức năng cũng như mục tiêu đầu tư ban đầu như điều phối giao thông hàng hải; cung cấp thông tin và đưa ra các cảnh báo, hướng dẫn hành hải đối với tàu thuyền hoạt động trong vùng VTS nhằm tăng cường bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả chạy tàu, hỗ trợ công tác tìm kiếm và cứu nạn trong vùng nước cảng biển và trên biển trong vùng VTS, hỗ trợ bảo vệ các công trình hàng hải trong khu vực; lưu trữ dữ liệu, thông tin phục vụ công tác thống kê, điều tra tai nạn hàng hải, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết thông qua dữ liệu hệ thống VTS cung cấp, các giám sát viên, điều hành viên VTS giám sát, theo dõi có hệ thống mọi hoạt động, di chuyển của tàu thuyền, xác định các nguy cơ gây mất an toàn hàng hải.
Từ đó, kịp thời đưa ra các cảnh báo, hướng dẫn giúp thuyền trưởng, hoa tiêu quyết định điều khiển tàu an toàn.
Trung bình mỗi năm, phòng Điều phối giao thông hàng hải của Cảng vụ giám sát, điều phối cho hơn 22.000 lượt tàu vào, rời và di chuyển trong vùng nước cảng biển Hải Phòng đảm bảo an toàn. Trong đó, có hàng trăm lượt tàu thuyền trọng tải lớn ra vào cảng quốc tế Lạch Huyện.
Đồng thời giám sát, điều tiết hàng chục nghìn lượt phương tiện thi công các công trình hàng hải, thi công nạo vét luồng hàng hải, thi công nạo vét tại thủy diện các cầu cảng trong vùng nước cảng biển đảm bảo an toàn hàng hải và đổ bùn thải đúng vị trí quy định.
Việc ứng dụng công nghệ còn phát huy hiệu quả trong bối cảnh những năm qua, cảng biển Hải Phòng như một đại công trường với nhiều hoạt động hàng hải phức tạp.
Theo đó thời gian qua, nhiều công trình thi công và phương tiện tham gia thi công ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải trong khu vực như các công trường thi công cầu Bạch Đằng, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, càu Máy Chai, khu vui chơi giải trí trên đảo Vũ Yên, công trường thi công các bến 3,4,5,6 cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, công trường thi công nạo vét luồng hàng hải, nạo vét tại thủy diện các cầu, bến cảng trong vùng nước cảng biển...
Lượng phương tiện tham gia thi công các công trình tăng đột biến, lượng tàu thuyền đến khu vực cảng biển Hải Phòng không ngừng tăng trưởng, song cơ sở hạ tầng luồng hàng hải chưa được cải thiện đáng kể về độ rộng, độ sâu, bán kính cong, vũng quay trở tàu... là thách thức lớn với đơn vị quản lý.
"Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn hàng hải tại khu vực cảng biển Hải Phòng luôn được duy trì", ông Vũ khẳng định và thông tin, số vụ tai nạn, sự cố hàng hải trong khu vực đã giảm rõ rệt qua các năm từ khi hệ thống VTS được đưa vào khai thác, vận hành. Số vụ tai nạn đã giảm từ 8 vụ vào năm 2013 xuống còn 3 vụ năm 2023.
Đặc biệt thông qua hệ thống, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã xác minh, xử lý hàng chục tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.
Qua đó thu, nộp vào ngân sách nhà nước số tiền xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm triệu đồng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước với hoạt động hàng hải tại khu vực cảng biển Hải Phòng.
Tăng cường chuyển đổi số, hàng qua cảng liên tục tăng trưởng
Bên cạnh ứng dụng công nghệ trong điều tiết, giám sát hoạt động hàng hải, những năm qua, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng còn đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều hoạt động.
Tiêu biểu như sử dụng phần mềm quản lý văn bản và phần mềm điều hành; phần mềm Kiểm tra tàu biển để cập nhật, kiểm tra thông tin về lịch sử kiểm tra các tàu thuyền; cấp phép tàu thuyền, thu phí, lệ phí hàng hải...
Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, việc áp dụng chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục cho tàu thuyền vào, rời cảng và điều tiết, giám sát tàu thuyền hỗ trợ rất lớn trong quản lý hoạt động hàng hải của Cảng vụ.
Cụ thể, nhờ sự chủ động đẩy mạnh cải cách TTHC theo hướng số hóa để đơn giản, công khai hóa, tạo thuận lợi tối đa cho chủ tàu, chủ hàng và các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động tại cảng biển, những năm gần đây, người làm thủ tục chỉ cần ngồi tại nhà hoặc văn phòng khai một bộ hồ sơ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và không phải nộp, xuất trình các giấy tờ địa điểm làm thủ tục, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí rất nhiều so với trước đây.
Việc giải quyết thủ tục hành chính cho tàu thuyền vào, rời cảng cũng nhanh hơn, rút ngắn thời gian thực hiện (trước đây mất 5 - 6 giờ, hiện chỉ mất khoảng 15 - 20 phút).
"Tàu thuyền có thể làm hàng ngay sau khi cập cầu cảng hoặc neo đậu tại các khu neo, giảm thời gian tàu chờ tại cảng. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí tàu nằm chờ, còn giúp quá trình làm hàng tại cảng biển hiệu quả, cơ sở hạ tầng cảng biển được tận dụng tối đa hơn", lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng nói và khẳng định, thực hiện thủ tục điện tử cho tàu thuyền còn giảm nhiều loại giấy tờ phải nộp, xuất trình theo tinh thần Công ước về tạo thuận lợi trong giao thông hàng hải quốc tế (Công ước FAL65).
Thủ tục trong lĩnh vực hàng hải thông thoáng sẽ giúp lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng trưởng cao, góp phần giảm áp lực cho đường bộ. Đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Những năm qua, sản lượng hàng hóa và tàu thuyền qua cảng biển Hải Phòng liên tục tăng trưởng từ 2 - 8%/năm.
Không chỉ vậy, hiện nay, hồ sơ thủ tục tàu biển vào, rời khu vực cảng biển Hải Phòng cũng được thực hiện 100% bằng phương thức điện tử ở mức độ toàn trình. Tính đến hết năm 2023, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã giải quyết 128.681 hồ sơ thực hiện bằng phương thức điện tử.
Bên cạnh những thay đổi của cơ quan quản lý, để đưa cảng biển Hải Phòng tăng trưởng và phát triển, các doanh nghiệp cảng cũng có những hoạt động tích cực khi đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng.
Hiện nay, các doanh nghiệp cảng container tại Hải Phòng đều trang bị phần mềm tiên tiến trên thế giới như PL-TOS, CATOS, TOPS, VTOS, SPM, TTOS để quản lý điều hành khai thác cảng, giúp tăng năng suất, sản lượng hàng hóa thông qua cảng, cũng như tối ưu hóa hoạt động, tự động hóa các bước quy trình, chuyển đổi sản phẩm dịch vụ, nâng cao trải nghiệm và tăng tiện ích cho khách hàng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cảng còn sử dụng các giải pháp thông minh khác như cổng thông minh (Smart Gate) để nhận dạng mã container, nhận diện biển số xe đầu kéo, rơ moóc; phần mềm đăng ký làm hàng và thanh toán trực tuyến qua mạng Internet (ePort); lệnh giao hàng điện tử (EDO); hệ thống định vị dẫn hướng tự động (D.GPS) lắp đặt trên các cần cẩu trên bãi cảng (RTG) để nhận diện vị trí container; sử dụng các phần mềm App Driver tương tác với khách hàng là doanh nghiệp vận tải và các lái xe vận chuyển thông qua thiết bị di động thông minh...
Việc áp dụng các phần mềm hỗ trợ điều hành, khai thác cảng đã rút ngắn thời gian xếp, dỡ hàng hóa, giảm thời gian tàu nằm chờ tại cảng, giúp quay vòng tàu nhanh, tăng sản lượng tàu thuyền và hàng hóa thông qua cảng. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của cảng biển Hải Phòng trong khu vực và trên thế giới.
Năm 2022, cảng biển Hải Phòng là một trong 3 cảng biển của Việt Nam được Tạp chí Hàng hải Vương quốc Anh Lloyd' List xếp trong top 100 cảng biển có sản lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận