Tàu SB hoạt động trên luồng hàng hải tại Quảng Ninh |
Liên tục “vượt rào” chạy quá giới hạn cho phép
Tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang dành cho tàu SB được đưa vào khai thác từ tháng 7/2014, đến nay đã có hơn 1.000 phương tiện hoạt động. Loại phương tiện này có tính chất đặc thù, hoạt động cả ven biển và trong sông nên quy định chỉ được chạy cách bờ không quá 12 hải lý (tương đương 22,2km). Tuy vậy, trên thực tế thường xuyên có tình trạng phương tiện chạy vượt ra ngoài phạm vi trên.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Giám đốc doanh nghiệp vận tải H.M tại Hải Dương cho biết, doanh nghiệp, thuyền trưởng nào cũng biết quy định không được chạy vượt cách bờ quá 12 hải lý, nhưng thực tế nhiều tàu vượt ra ngoài để theo đường thẳng và rút ngắn thời gian, hành trình.
“Đi theo phạm vi 12 hải lý phải ven theo hình cong bờ biển, mất nhiều thời gian nên hầu hết tàu đều chạy ngoài, cắt thẳng vịnh Bắc bộ để vào miền Trung. Tàu SB cứng vững, trọng tải từ 5-10 nghìn tấn, không khác gì tàu biển, nên đi theo tuyến thẳng phù hợp hơn là đi trong phạm vi 12 hải lý”, giám đốc doanh nghiệp trên cho biết.
Ông Đ.H, giám đốc một công ty vận tải biển tại Nam Định cũng cho rằng hầu hết tàu SB có độ vững chắc tương đương tàu biển. “Người đi tàu SB có kinh nghiệm đi biển nên chỉ những tàu nào “yếu” mới đi vào phạm vi phía trong 12 hải lý”, ông H nói và cho rằng giữa quy định và thực tế có sự “vênh” nhau.
Không đồng ý với các doanh nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN Bùi Thiên Thu cho biết, nhiều trường hợp phương tiện bị tai nạn, sự cố khi chạy vượt vùng nước giới hạn dành cho tàu SB.
“Từ khi triển khai tuyến vận tải ven biển đến nay đã xảy ra 10 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến phương tiện SB. Trong đó, 3 trường hợp tàu bị đắm, 5 trường hợp tàu mắc cạn, 2 trường hợp tàu gặp sự cố khác. Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn này là do sự cố kỹ thuật, ảnh hưởng của thời tiết xấu và một số phương tiện hoạt động không đúng tuyến luồng được công bố...”, ông Thu nói.
Đề xuất lắp thiết bị giám sát tự động
Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện hiện chưa có thiết bị để giám sát các tàu có chạy vượt vùng nước giới hạn hay không, mà chủ yếu kiểm soát qua nhật ký hành trình phương tiện và kiểm soát tại đầu cảng, bến.
“Hiện chưa có quy định phương tiện SB phải trang bị thiết bị giám sát tự động AIS, EPIRB nên cơ quan quản lý chưa kiểm tra, giám sát được hành trình phương tiện trên tuyến. Đặc biệt khi phương tiện gặp sự cố và tai nạn gây nhiều khó khăn cho công tác xác định cụ thể vị trí tai nạn để ứng cứu kịp thời”, ông Thu nói.
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Hoàng Hồng Giang cho biết, Cục Đường thủy và Hàng hải đã kiến nghị Bộ GTVT quy định lắp đặt thiết bị giám sát đối với tàu SB chạy tuyến ven biển.
Đề cập vấn đề quản lý tàu SB trên hành trình, ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông của Cục Đăng kiểm VN nói: Hiện chỉ quy định lắp thiết bị giám sát tự động AIS đối với tàu SB chở khách các tuyến từ bờ ra đảo, tàu chở bùn, còn chưa áp dụng đối với tàu SB chở hàng khô. Nếu các tàu SB chở hàng được trang bị thiết bị giám sát tự động sẽ rất tốt, nhưng cần đồng bộ giữa lắp đặt và vận hành. “Việc yêu cầu chủ phương tiện lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát tự động chỉ là một phần của vấn đề. Bởi quan trọng là lắp đặt xong phải có người quản lý, cũng như trách nhiệm quản lý, cơ chế kiểm soát thông qua thiết bị giám sát”, ông Học nêu vấn đề.
Theo ông Học, cũng cần tính đến việc doanh nghiệp phải chi phí để trang bị cho hàng nghìn tàu SB, nên cần có lộ trình để thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát chung đối với phương tiện thủy, thay vì chỉ riêng đối với tàu SB chạy tuyến ven biển. “Trong hai năm xảy ra 10 vụ tai nạn, sự cố, có những vụ xảy ra do đi vào luồng cạn, gặp thời tiết xấu. Vì vậy, cần phân tích, đánh giá kỹ việc quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cũng như có lộ trình để có sự quản lý theo hệ thống chung”, ông Học đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận