Ngày 10/9, Bệnh viện 19/8 tổ chức hội nghị "Công tác chỉ đạo tuyến và cập nhật những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch". Đại tá PGS Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc BV 19/8 cho biết: Trong 10 năm qua, tình hình bệnh lý tim mạch tại Việt Nam đã có nhiều biến động, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch mạn tính ở người trưởng thành tăng gấp đôi. Đáng chú ý, tỷ lệ người mắc bệnh lý tăng huyết áp, một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến bệnh tim mạch, cũng đã tăng từ 16% lên 26% trong cùng thời gian này.
Nguyên nhân của sự gia tăng này xuất phát từ nhiều yếu tố như lối sống ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh, gia tăng tình trạng béo phì, tăng huyết áp và đái tháo đường. Bên cạnh đó, sự gia tăng tuổi thọ trung bình và áp lực cuộc sống ngày càng cao cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch. Chính vì vậy, việc tầm soát sớm bệnh lý tim mạch trở thành một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.
GS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch, BV Bạch Mai cho biết: Riêng Viện Tim mạch, mỗi năm tiếp nhận khoảng trên 20 nghìn ca điều trị. Riêng can thiệp động mạch vành có tới 4 nghìn ca, trong đó có một nửa là nhồi máu cơ tim cấp. Đặc biệt "bộ mặt" về nhồi máu cơ tim cấp hiện có nhiều thay đổi, với nhiều độ tuổi và đáng lưu ý có bộ phận người bệnh trẻ tuổi chỉ khoảng ngoài 30 tuổi, thậm chí mới 24, 25 tuổi... Các bệnh nhân tim mạch trẻ tuổi đều có chung đặc điểm, nam giới, béo phì, hút thuốc lá và tiền sử gia đình có người mắc bệnh lý này.
Tuy nhiên, theo ông Tuyền, để công tác tầm soát sớm bệnh lý tim mạch thực sự hiệu quả, cần phải chú trọng đến vai trò của hệ thống y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là các bệnh xá công an cơ sở. Đây là nơi tiếp cận gần gũi nhất với người dân, có thể thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời cho những bệnh nhân có dấu hiệu bệnh lý tim mạch. Việc hỗ trợ và chuyển giao các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch cho tuyến cơ sở là vô cùng cần thiết.
"Thực tế, các tuyến y tế cơ sở công an nhân dân điều kiện tiếp cận kỹ thuật mới, cập nhật kiến thức từ chuyên gia đầu ngành chuyển giao là rất khó khăn. Thông tin của hội nghị cập nhật những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch hôm nay có ý nghĩa không chỉ đối với Bệnh viện 19/8, còn là dịp y tế công an nhân được cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới, được trao đổi học hỏi từ các chuyên gia đầu ngành, từ đó ứng dụng trong thực hành điều trị hàng ngày cho cán bộ chiến sĩ và phục vụ nhân dân", ông Tuyền cho biết.
TS. BS Dương Hồng Niên, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện 19/8 cho biết, theo xu thế chung, tỷ lệ người mắc bệnh lý tim mạch đến khám và điều trị tại bệnh viện ngày càng tăng. Hằng ngày, khu vực phòng khám tiếp nhận 200-300 bệnh nhân đến khám với nhiều mặt bệnh khác nhau, trong đó chủ yếu là tăng huyết áp, hội chứng mạch vành cấp và mãn tính… "Gần đây, chúng tôi thường xuyên cấp cứu các trường hợp bị nhồi máu cơ tim, có bệnh nhân mới ngoài 20 tuổi. Điều đó cho thấy bệnh lý tim mạch đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa", TS Niên nói.
Theo ông Niên, nhờ đầu tư trang thiết bị hiện đại như máy can thiệp mạch, thiết bị đốt rối loạn nhịp tim, máy tạo nhịp… khoa đã có thể cấp cứu kịp thời nhiều ca bệnh nặng, không phải chuyển lên tuyến trên. Tại đây thực hiện thành công nhiều kỹ thuật can thiệp tiên tiến như can thiệp động mạch qua da như động mạch vành, động mạch cảnh và động mạch chi; các kỹ thuật can thiệp nội nhiệt điều trị suy van tĩnh mạch chi dưới, kỹ thuật triệt đốt các rối loạn nhịp bằng RF; cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn; áp dụng hệ thống 3D mapping trong can thiệp điện sinh lý tim, giúp chẩn đoán và điều trị các rối loạn nhịp tim phức tạp với độ chính xác cao. Đây là một bước tiến lớn trong việc nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận