Khám phá

Cảnh đẹp, món ngon ở Bàn Than, biển Rạng

07/10/2017, 08:05

Huyện Núi Thành, Quảng Nam được thiên nhiên ưu ái ban tặng hai địa danh du lịch nổi tiếng Bàn Than và biển Rạng.

49

Mùa rêu tràn về biển Rạng - Ảnh: Lê Trí

Huyện Núi Thành, Quảng Nam được thiên nhiên ưu ái ban tặng hai địa danh du lịch nổi tiếng Bàn Than và biển Rạng. Nếu Bàn Than (xã Tam Hải) níu chân du khách với mỏm đá hàng chục mét, hằn vệt dấu thời gian, tạo nhiều hình thù lạ mắt thì biển Rạng khiến du khách mê mẩn bởi những lớp rêu lún phún trên bề mặt đá, vuốt ve đôi chân trần của khách thập phương…

Rêu biển Rạng như thiếu nữ e ấp

Để đến biển Rạng (xã Tam Quang, Núi Thành), du khách đi đò ở bến Tam Quang, với giá chỉ 5.000 đồng mỗi người, ngang qua cảng Kỳ Hà rồi dong xe dọc cung đường biển, tiện thăm biển Bà Tình trước khi về biển Rạng. Rêu biển Rạng không mướt mát, nổi tiếng như rêu Cổ Thạch (Bình Thuận), không dày đặc như rêu Nhơn Hải (Bình Định) càng không nghịch ngợm như rêu xóm Rớ (Phú Yên). Rêu biển Rạng như thiếu nữ e ấp dậy thì, cứ lơ thơ từng sợi lún phún mọc rải rác trên các mỏm đá xấp xé nửa nổi nửa chìm trên mặt nước.

Từ trước, dân phượt đã mê biển Rạng bởi không gian thanh bình, không lẫn màu sắc làm du lịch. Về biển Rạng như về với biển quê hương, thanh bình và thuần khiết.

Biển Rạng có nghĩa là khung cảnh đẹp đẽ nhất, tuyệt vời nhất, rạng rỡ nhất trước những tia nắng bình minh đầu tiên rọi xuống thế gian. Dân bản địa bảo rằng, biển Rạng đẹp nhất vào khoảng tháng hai, tháng ba dương lịch. Dân phượt về biển Rạng lúc chiều tà để chờ bình minh đi săn rêu, và người nào dẫu có “bặm trợn” đến mấy cũng trở nên dịu dàng trước khung cảnh quá đỗi thơ mộng ở biển Rạng. Sau khi tắm mát, thả mình trên những lớp rêu lấm tấm, khách thập phương lại rủ nhau nhâm nhi món cá chuồn nướng, mực hấp, hến trộn, cháo hàu… dưới những căn chòi lộng gió nhìn ngắm biển chiều.

Du khách sẽ ngạc nhiên và hoa mắt vì phân biệt các loại cá chuồn: Chuồn gành, chuồn khơi, chuồn cồ, chuồn xanh, chuồn lộng… Cá chuồn ăn với muối ướt xanh hoặc muối hạt để cảm nhận rõ ràng vị của biển.

Ngắm ông Đụn, bà Che ở Bàn Than

Phía Bắc biển Rạng 3 km theo đường chim bay là mỏm Bàn Than (thuộc xã đảo Tam Hải).

Bàn Than (hoặc Bàng Than): Bàn, có thể hiểu là mặt bàn, mặt bằng phẳng còn Than ám chỉ màu đen. Như tên gọi, ở đây có nhiều tảng đá đen, có mặt bằng phẳng, nhẵn bóng qua quá trình kiến tạo địa chất cũng như được nước biển mài mòn. Tổng quan của Bàn Than là một bãi cát trắng dài uyển chuyển, sừng sững chọc lên trời là một vách đá lớn dài hơn 2 km, cao hơn 40m, đen như than. Nếu du khách tìm về biển Rạng để tìm cảm giác yên bình thì Bàn Than lại cho khách phương xa được thử cảm giác mạnh. Khi màu đen lẫn trong cát trắng, nắng vàng, biển xanh tạo nên cảm giác chênh vênh, khó tả.

Mách nhỏ bạn đi đường

Từ bến xe trung tâm TP Đà Nẵng, du khách đón xe Kỳ Hà, về tắm biển Rạng rồi thuê ghe men theo sông ra mỏm Bàn Than. Nếu sẵn xe máy, du khách có thể theo đường ra ngả Tam Tiến, sau đó qua đò Tam Hòa - Tam Hải. Hai địa danh trên cách nhau chưa đầy 6km, đều nằm ở phía Đông, cách thị trấn Núi Thành hơn 10km và cách TP Tam Kỳ chừng 70 km.

Du khách có thể chọn dựng trại vào ban đêm hoặc nghỉ ngơi ở resort Le Domaine de Tam Hải trên đảo Tam Hải.

Đứng ở đỉnh Bàn Than, du khách có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh huyện Núi Thành, xa xa là Cù Lao Chàm, ngắm nhìn một vùng mây nước mênh mông.

Bàn Than nổi tiếng nhất phải kể đến khối đá khổng lồ Ông Đụn - Bà Che. Khối đá đã được người dân nơi này nhắc nhớ bằng câu ca “Ấy Bà Che có khe nước chảy, ấy Ông Đụn có vảy có vi”. Đấy là hai mỏm đá thuộc hàng “độc nhất vô nhị” với dáng hình kỳ lạ. Ông Đụn nằm sát biển với đá chồng lên nhau từng lớp. Bà Che là tảng đá lớn vươn mình lên cao hình như đầu cá khổng lồ, ở giữa có khoảng trống, sóng nước dập dìu. Hai khối đá như xếp chồng, quấn quýt lấy nhau trọn đời.

Xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) là nơi sinh sống của 2.000 hộ dân, với khoảng hơn 8.000 nhân khẩu, kết nối với bờ bằng phà. Trẻ con, người lớn, du khách hàng ngày vẫn trèo lên đá ở Bàn Than nhưng Bàn Than vẫn như thiếu nữ ngủ quên, chưa được đánh thức. Có chăng, chỉ là sự mài mòn của bàn chân con người để vân đá trở nên nhẵn thín, quyến rũ hơn.

Về Tam Hải còn để ngắm Bàn Than, xem mộ Cá ông của hàng trăm năm. Về Tam Hải để uống rượu nấu từ nước giếng cổ Chămpa cuối làng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.