Hệ thống xe buýt dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố nếu không được phòng ngừa tốt (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: Tạ Tôn |
Xe buýt, bến xe không được chủ quan
Tại khóa tập huấn về công tác phòng, chống khủng bố trong lĩnh vực đường bộ mới đây, Đại tá Hà Minh Trân, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị (A67 - Bộ Công an) cho biết, xe buýt là loại phương tiện được nhiều người lựa chọn. Đặc biệt, hệ thống xe buýt dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố nếu không được phòng ngừa tốt. Trong khi những vụ tấn công nhằm vào máy bay, sân bay… đòi hỏi quá trình tổ chức kỹ lưỡng, tinh vi, phức tạp, khủng bố trên xe buýt thực hiện rất đơn giản do không có hệ thống kiểm soát.
"Bối cảnh về an ninh trên thế giới đang có nhiều bất ổn, biến động, liên tục có những vụ đánh bom liều chết gây thiệt hại lớn về người, của và gây cuộc sống bất an ở nhiều nước, nhiều người trên toàn thế giới. Hiện nay, có nhiều công trình đường, cầu lớn có giá trị tài sản rất lớn và quan trọng, do đó cần có kinh phí, kế hoạch triển khai công tác chống khủng bố, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm từng người dân, cơ quan đơn vị, Tổng cục Đường bộ VN, Bộ Công an, quân đội thấy trách nhiệm phải bảo vệ công trình đường bộ”. Ông Vũ Xuân Cường |
“Lĩnh vực GTVT tại Việt Nam đã xảy ra hàng chục vụ vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu cháy nổ trên xe khách. Chẳng hạn như vụ tự chế tạo rồi cài mìn gây nổ kinh hoàng trên xe khách giường nằm tại Nghệ An ngày 30/9/2014 làm tài xế và hai phụ xe bị thương nặng. Hay như năm 2013, xảy ra vụ nổ tại phòng vé nhà xe Phương Trang tại Cần Thơ làm một người chết, hai người bị thương nặng do đối tượng tự chế tạo thuốc nổ rồi thực hiện”, ông Trân lấy ví dụ và cho biết, để bảo đảm an toàn trên xe buýt, cần rà soát, xác định tổng số tuyến xe để xây dựng phương án xử lý tình huống khủng bố có thể xảy ra và tổ chức phòng ngừa, luyện tập, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho cán bộ, công nhân viên và hành khách.
Theo ông Nguyễn Trọng Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN), trong năm 2015 đã yêu cầu các bến xe phải có biện pháp kiểm soát hàng cấm, vật liệu nổ trước khi xe vào bến. Nhiều bến xe đã thực hiện kiểm soát hành khách và hàng hóa tại tất cả các cửa ra - vào. Thậm chí, Bến xe Đà Nẵng đã lắp đặt cả phần mềm kiểm soát hành khách. “Năm 2015, không xảy ra trường hợp khủng bố hay đe dọa khủng bố nào tại bến xe, xe khách. Tuy nhiên, không vì thế chúng ta mất cảnh giác và thiếu các biện pháp ngăn chặn”, ông Hiển cho biết.
Đảm bảo an toàn cho các cầu lớn
Hiện nay, Tổng cục Đường bộ VN được giao tổ chức quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng hệ thống quốc lộ với tổng chiều dài trên 21.500 km, cùng 5.869 cầu, 5 hầm đường bộ và 8 phà. Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn, thông suốt, không để xảy ra các trường hợp khủng bố, phá hoại công trình được Tổng cục Đường bộ VN đặc biệt lưu tâm.
Ông Nguyễn Trọng Hiển cũng cho biết, việc bảo vệ các công trình đường bộ lớn đang là một nhiệm vụ cấp bách. Hiện, công tác quản lý, phòng, chống khủng bố đối với các công trình cầu lớn đang được giao cho các công ty quản lý cầu phối hợp với công an địa phương. “Đối với các công trình giao thông có quy mô lớn, nếu không bảo vệ nghiêm ngặt, để xảy ra các trường hợp khủng bố, phá hoại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giao thông, đi lại của nhân dân. Tổng cục đang kiến nghị thời gian tới cần phải tổ chức diễn tập về công tác phòng, chống khủng bố đối với các công trình cầu lớn, quan trọng”, ông Hiển đề xuất.
Theo kế hoạch, trong quý II/2016, Tổng cục Đường bộ VN sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng, chống khủng bố đối với các công trình đường bộ và công trình quan trọng, bến xe khách, xe khách. Tiếp đó, đơn vị này sẽ tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát đánh giá công tác an ninh, phòng, chống khủng bố của các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT, đồng thời tổ chức diễn tập chống khủng tại các công trình đặc biệt quan trọng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận