"Của rẻ là của ôi"
Lý do bán rẻ thì muôn vàn như: Thua worldcup, vỡ nợ hay đáo hạn ngân hàng. Nghe thì logic, nhưng thực tế không ít trường hợp "thừa gió bẻ măng", lợi dụng việc thị trường ảm đạm để bán những bất động sản "lỗi" như: đất tranh chấp, vướng quy hoạch...
Người dân đi mua đất nền ven đô
Những khu vực có nhiều đất vướng quy hoạch phải kể đến như: Phường Định Công, Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng thuộc quận Hoàng Mai; khu vực An Dương, An Thượng, quận Tây Hồ; Hải Bối huyện Đông Anh; các quận ven như Hoài Đức, Thạch Thất...
Đặc điểm chung của những dạng đất này là giá bán siêu rẻ, chỉ bằng 1/3 so với giá thị trường. Đơn cử như Hải Bối, Đông Anh, giá bán thị trường hiện nay trung bình khoảng 40 triệu, thì đất "lỗi", không giấy tờ, đất bãi...chỉ khoảng hơn 10 triệu/m2.
Tương tự tại Hoài Đức, giá trung bình khoảng 40-60 triệu/m2, thì đất siêu rẻ chỉ bán khoảng 15 triệu/m2.
Giá bán vừa túi tiền nên thu hút nhiều quan tâm. Nhưng khi đã "vấp" vào, người mua nhà cũng khốn khổ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (Nam Định) chia sẻ, đang có nhu cầu mua đất làm nhà. Tham khảo trên mạng, lô đất 65m2 tại La Phù, Hoài Đức chào bán chỉ 15 triệu/m2. Chủ nhà cam kết giấy tờ đầy đủ. Để chứng minh, chủ nhà đã gửi cho chị cả chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đến xem tận nơi, nhân viên môi giới lý giải cho chị, do nằm hơi sâu, đô thị không phát triển tới nên giá ở đây mềm hơn những nơi khác trên cùng địa bàn.
Lý giải khá logic đất vuông vắn, giá chưa đến 1 tỷ. Thiết nghĩ "có duyên" nên chị đã nhanh tay xuống cọc 100 triệu đồng.
Sau khi đi cùng người thân ra Uỷ ban nhân dân xã công chứng, nhân tiện kiểm tra quy hoạch, chị Hằng mới tá hoả vì biết lô đất chị vừa cọc nằm trong diện quy hoạch giao thông, không làm được nhà. Theo quy định hiện tại, khi nhà nước làm đường sẽ thu hồi với bảng khung giá nhà nước chỉ vài trăm nghìn đồng. "Cả bẩu trời như đổ xụp xuống đầu", chị Hằng kể.
Đáng nói, khoản tiền chị cọc đã không thể lấy lại. Nhưng chị đành chấp nhận, thà mất 100 triệu còn hơn tiếp tục đổ vào thêm 800 triệu nữa.
Tương tự, anh Nguyễn Đại Thắng (Ninh Bình) cũng không có kinh nghiệm mua nhà đất, anh đã vay mượn gần 1 tỷ đồng để mua căn nhà cấp 4 rộng 40m2 tại xã Hải Bối, Đông Anh. Nhưng đến nay, thửa đất của chị không được công nhận và cấp chứng nhận.
Anh Thắng cho biết, trước khi quyết định mua anh đã đi xem thực tế, thấy những nhà xung quanh đều xây dựng kiên cố nên yên tâm xuống tiền. Sau khi mua anh mới hay, thửa đất của mình có 24,8m2 không được công nhận và 9,5m2 không phù hợp quy hoạch.
Chị Hằng và anh Thắng chỉ là hai trong nhiều trường hợp mua phải bất động sản "lỗi" do thiếu kinh nghiệm và kiến thức về đất đai, dẫn đến "tiền mất, tật mang".
Người mua có thể khởi kiện để lấy lại tiền
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Công ty địa ốc Bắc Việt (Bắc Việt Land) cho biết, tình trạng mua phải bất động sản "lỗi" khá nhiều. Các lỗi thường gặp như: Lỗi phong thuỷ, không có chứng nhận quyền sử dụng, đất bị quy hoạch.
Những chủ nhà biết nên đã tìm cách bán đi với giá rẻ. Nhưng người mua vào thì thấp thỏm lo lắng, dùng không được mà bán cũng chả xong.
Khi bán thì họ tư vấn hoặc nói rất nhiều về việc bảo lãnh xây dựng, người quen chính quyền có thể "che chở" cho việc xây dựng trái phép...nhưng đó đều là những hành vi trái pháp luật. Nếu có xây dựng được thật thì cũng khá tốn kém.
Do đó, ông Việt khuyên, để đảm bảo mua được nhà đất an toàn, người mua nên đến trực tiếp phòng quản lý đô thị các quận huyện để tìm hiểu quy hoạch thửa đất.
Người mua không nên ham rẻ để thử vận may ở những thửa đất không có chứng nhận quyền sử dụng, mua đất giấy viết tay hoặc xây nhà "chui". Nó có thể xảy ra rủi ro và bị cưỡng chế bất cứ lúc nào.
Còn Luật sư Trần Mai Hạnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) tư vấn, việc kiểm tra quy hoạch thửa đất có nhược điểm sẽ mất thời gian, người mua có thể vuột mất cơ hội mua bất động sản.
Do đó khi giao kết hợp đồng đặt cọc, người mua nên ràng buộc điều khoản bên bán phải cùng kiểm tra thông tin quy hoạch của thửa đất tại cơ quan địa phương.
Trường hợp thông tin thực tế không đúng với giao kèo ban đầu thì bên bán phải hoàn trả hoặc đền tiền cọc cho bên mua.
Một luật sư khác dẫn chứng quy định tại Điều 127 Bộ Luật Dân sự năm 2015 và tư vấn, khi đất đã vào quy hoạch và có kế hoạch sử dụng đất hàng năm, thì hợp đồng đặt cọc đã không có hiệu lực pháp luật do bên kia đã không cung cấp đầy đủ thông tin về đất, có hành vi gian dối, không trung thực nhằm dụ dỗ chuyển nhượng mảnh đất đang quy hoạch.
Do đó, người đặt cọc có thể khởi kiện ra tòa, yêu cầu tuyên bố hợp đồng đặt cọc vô hiệu buộc bên kia phải trả lại số tiền cọc, vị luật sư nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận