Ngày 2/10, ông Javier Roca, huấn luyện viên đội Arema - một trong hai đội bóng tham gia trận đấu trên sân vận động Kanjuruhan ở tỉnh Đông Java đêm 1/10, cho biết đã chứng kiến thảm kịch trên sân bóng.
"Một số cầu thủ của đội vẫn ở lại trên sân sau trận đấu và nhiều cổ động viên đã qua đời trong vòng tay của các cầu thủ.
Tôi cho rằng cảnh sát đã vượt quá giới hạn dù tôi không có mặt tại đó và cũng không phải là nạn nhân”, ông Roca nói.
Sau trận đấu giữa đội Arema FC và Persebaya Surabaya đêm 1/10, cổ động viên của đội thua đã tràn xuống sân bóng.
Cảnh sát cho biết đã cố buộc các cổ động viên quay trở về khán đài và bắn hơi cay để giải tán đám đông sau khi 2 nhân viên cảnh sát thiệt mạng. Tuy nhiên, điều này đã khiến nhiều cổ động viên hoảng sợ, tìm cách tháo chạy khỏi sân vận động, dẫn đến tình trạng nhiều người bị giẫm đạp và nghẹt thở.
Nhân viên an ninh tìm cách giải tán đám đông quá khích sau trận đấu bóng trên sân vận động ở tỉnh Đông Java đêm 1/10. Ảnh - AP
Một số người sống sót sau thảm kịch cho hay các cổ động viên rất hoảng sợ khi đứng trong đám đông chen chúc và khí hơi cay trút xuống họ.
Ông Doni, 43 tuổi, cổ động viên có mặt tại sân vận động, cho biết: “Cảnh sát bắn hơi cay và mọi người đổ xô tìm cách thoát ra ngoài, xô đẩy lẫn nhau dẫn tới có rất nhiều nạn nhân”.
Ông Doni cũng khẳng định: “Không có chuyện gì xảy ra, không có bạo loạn. Tôi không hiểu vấn đề là gì, cảnh sát đột nhiên bắn hơi cay. Điều đó khiến tôi bị sốc. Họ không nghĩ tới phụ nữ, trẻ em hay sao?”.
Anh Sam Gilang, 22 tuổi, là một trong số các cổ động viên có mặt trên sân vận động khi vụ giẫm đạp xảy ra khiến ba người bạn của anh thiệt mạng. Nhớ lại quang cảnh hiện trường khi đó, anh Gilang nói: “Mọi người xô đẩy lẫn nhau, rất nhiều người bị giẫm đạp khi tìm cách chạy tới cổng sân vận động. Mắt tôi cay xè vì khí hơi cay. Tôi phải tìm cách cố leo lên được hàng rào mới may mắn sống sót”.
Các nạn nhân được hỗ trợ đưa ra ngoài. Ảnh - AFP
Đêm 2/10, Phó thống đốc Đông Java Emil Dardak cho biết ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ việc. Cảnh sát địa phương thống kê có 323 người bị thương. Đây được coi là một trong những thảm họa sân vận động gây thương vong nhiều nhất trên thế giới.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo yêu cầu điều tra vụ việc, xem xét lại vấn đề an toàn tại các trận đấu bóng đá tại Indonesia và chỉ đạo Liên đoàn Bóng đá Indonesia ngừng tất cả trận đấu cho tới khi hoàn tất công tác cải thiện an ninh.
Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) quy định không được sử dụng súng hay khí hơi cay để kiểm soát đám đông.
Theo hãng tin Straitstimes, ngày 2/10, cảnh sát Đông Java chưa phản hồi yêu cầu đưa ra bình luận về việc cơ quan này có biết đến quy định trên hay không.
Tổ chức Ân xá Quốc tế yêu cầu mở cuộc điều tra tại sao khí hơi cay lại được sử dụng trong một không gian đông đúc, khẳng định rằng biện pháp này chỉ nên được áp dụng “khi các biện pháp khác thất bại”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận