Các sà lan trang bị cẩu nổi đã vào vị trí sẵn sàng công tác trục vớt cầu Ghềnh |
Công tác trục vớt sẽ hoàn thành trước 1/4
Chiều 27/3, sau khi neo cố định được hai sà lan vào vị trí trục vớt, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO 1) khẩn trương triển khai các bước thanh thải chướng ngại vật Đồng Nai qua cầu Ghềnh. Hàng chục người nhái tiếp tục thay phiên nhau lặn ngụp dưới sông để cắt các hạng mục dưới sông Đồng Nai. Trong quá trình trục vớt, các đơn vị thi công, khoan cọc, người nhái… gặp không ít khó khăn. Đang ngồi chờ thay ca, anh Hồ Đình Chiến nhân viên khoan địa chất cho biết, lòng sông Đồng Nai khu vực cầu Ghềnh nhiều đá cứng nên công tác thăm dò khoan phải xuyên qua một lớp đá rất mất thời gian. Ngoài ra, nước sông chảy siết cũng khiến công tác triển khai khoan định vị neo sà lan gặp nhiều trở ngại.
Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó TGĐ CIENCO 1 cho biết, công tác triển khai thi công gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thủy triều. Khi thủy triều lên, thợ lặn bị trôi không thể làm việc được phải chờ nước rút. Do đó, đơn vị thi công phải canh từng con nước, họp bàn phương án ngay trên sà lan để cập nhật và có phương án điều chỉnh kịp thời.
Chiều 27/3, do các phương án được tính toán kỹ càng nên cả hai sà lan đã vào vị trí. Trong đó, cẩu 500 tấn đứng trên sà lan 3.800 tấn đã vào vị trí định vị xong hệ nổi. Dự kiến, công tác treo dầm bằng cẩu 500 tấn để cắt rời liên kết giữa nhịp 1 và nhịp 2 sẽ hoàn tất.
Ông Đặng Trung Thành, Phó cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, các đơn vị tham gia trục vớt đều là lực lượng tinh nhuệ của CIENCO 1. Công tác trục vớt sẽ hoàn thành trước ngày 1/4 để khẩn trương triển khai công tác xây dựng cầu mới.
Trắng đêm điều tiết giao thông thủy
Sau khi xảy ra sự cố sà lan đâm sập cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai, Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam đã triển khai nhiều trạm chốt trực phản ứng nhanh để điều tiết phân luồng giao thông thủy trên sông Đồng Nai. Quan sát của PV Báo Giao thông trong nhiều ngày tại hiện trường, công tác điều tiết phương tiện thủy lưu thông trên sông Đồng Nai qua cầu Ghềnh được đảm bảo an toàn. Ngày 27/3 phía bờ hạ lưu, hai sà lan hàng nghìn tấn trang bị cẩu nổi đã vào vị trí sẵn sàng cho công tác trục vớt. Trên sông nhiều ca nô thường xuyên tuần tra kiểm soát giao thông thủy bảo vệ công tác trục vớt cầu Ghềnh.
Ông Cao Văn Phúc, Trạm trưởng Trạm Điều tiết giao thông thủy cầu Ghềnh, cho hay, các lực lượng của Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 10, Thanh tra giao thông Cục ĐTNĐ Việt Nam, lực lượng PCCC, Cục CSGT Đường thủy, CSGT Đường thủy Đồng Nai, Công an tỉnh Đồng Nai… luôn có mặt túc trực đảm bảo ATGT đường thủy. Đơn vị đã huy động 5 ca nô, 2 tàu lập nhiều chốt với nhiều cán bộ thường xuyên tuần tra kiểm soát 24/24h phối hợp các lực lượng khác triển khai cấm luồng qua cầu Ghềnh.
Sau khi cho phép các phương tiện được lưu thông trở lại, lực lượng điều tiết giao thông vừa tuần tra kiểm soát các phương tiện qua cầu Ghềnh vừa phối hợp với các đơn vị khác tuần lưu hỗ trợ bảo vệ triển khai công tác trục vớt cầu Ghềnh với nhiều ca trực cả ngày lẫn đêm. “Hiện tại, để đảm bảo ATGT đường thủy chúng tôi đã huy động khoảng 40 người luân phiên thường xuyên tuần tra trên sông. Ban đêm trực theo ca, ai đói thì làm tạm bát mì gói và căng mắt để canh các phương tiện nhằm đảm bảo ATGT đường thủy”, ông Phúc nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận