Gói thầu J3 xây dựng cầu Phước Khánh thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành đang dần lộ hình hài - Ảnh: Vĩnh Phú |
Đầu tháng 11/2017, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khởi công các gói thầu cuối cùng A5, A6, A7 dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tuy nhiên, đã gần 6 tháng trôi qua, tình hình triển khai thi công các gói thầu này vẫn rất chậm vì vướng mặt bằng.
Chiều 7/5, có mặt trên công trường gói thầu J3 xây dựng cầu Phước Khánh do Liên danh nhà thầu Sumitomo Mitsui và CIENCO4 thi công, PV Báo Giao thông ghi nhận dưới cái nắng gay gắt có hàng trăm công nhân được bố trí nhiều mũi thi công trên cạn và dưới sông.
Đại diện Liên danh nhà thầu Sumitomo Mitsui - CIENCO4 cho biết, trên công trường Liên danh nhà thầu Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) - CIENCO4 thi công 2 gói thầu J2, J3 bố trí 20 mũi thi công tập trung cao độ nhân, vật lực không nghỉ lễ (công nhân được ngày Quốc tế Lao động 1/5) để sớm hoàn thành gói thầu. “Với tiến độ hiện tại, dự kiến đến tháng 3/2019 sẽ hợp long cầu và đến giữa năm 2019 hoàn thành cầu Bình Khánh”, đại diện liên danh nhà thầu cho hay.
Khác với các gói thầu nguồn vốn JICA đã được bàn giao mặt bằng đầy đủ, các gói thầu còn lại thuộc nhánh phía Tây vẫn còn nhiều vị trí vướng mặt bằng. Ghi nhận trên công trường các gói thầu: A1, A2.1, A2.2, A3, A4 tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi các nhà thầu đều tập trung dồn sức thi công. Tuy nhiên, tình trạng bàn giao mặt bằng da beo các gói thầu qua địa bàn TP HCM vẫn cản trở tiến độ một số gói thầu. Cụ thể như: Gói thầu A1 hiện còn vướng một hộ diện tích 3.770m2 đang tranh chấp dù tòa án các cấp đã xét xử nhiều lần mà vẫn chưa xong để bàn giao mặt bằng cho dự án. Đến nay, nhà thầu không thể thi công nhánh kết nối lên cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Gói thầu A2-1 còn vướng 3 hộ, A2-2 vướng 30 hộ…
Theo Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (SEPMU), các gói thầu nhánh phía Đông bao gồm A5, A6, A7 trên địa bàn Đồng Nai qua 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch. Đến cuối tháng 4, việc GPMB nhà thầu còn không có đường công vụ vận chuyển thiết bị vào công trường để thi công. Cụ thể, huyện Nhơn Trạch còn vướng 106 hộ dân chưa được bàn giao. Tại huyện Long Thành còn lại 203 hộ.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện có hơn 100 hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Các hộ này cho rằng, họ chưa bàn giao mặt bằng là do chưa nhận được nền tái định cư mà trước đó UBND huyện Long Thành đã ban hành. Đến ngày 12/4, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai - Chi nhánh Long Thành mới tổ chức họp dân, công khai phương án bố trí tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng. Sau đó, huyện thông báo đang đầu tư xây dựng Khu tái định cư Tân Hiệp cho các hộ còn lại nên các hộ dân trên phải tiếp tục chờ nhận được nền tái định cư mới bàn giao mặt bằng…
Ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết: “Sau khi có quyết định phê duyệt được 160 trường hợp tái định cư, huyện đã tổ chức cho người dân bốc thăm chọn nền tái định cư. Đến nay, huyện đang thi công đồng loạt để đẩy nhanh bố trí tái định cư theo tinh thần thi công hoàn thành đến đâu bố trí người dân vào xây nhà ở đến đó để sớm giao mặt bằng cho nhà đầu tư cao tốc. Dự kiến, trong tháng 5 sẽ hoàn thành cơ bản khu tái định cư để bàn giao mặt bằng cho dân theo yêu cầu của lãnh đạo huyện”.
Trao đổi với PV ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc SEPMU cho biết, hiện các gói thầu nhánh phía Tây nguồn vốn ADB và JICA các nhà thầu đang thi công rốt ráo và bám sát tiến độ. Riêng gói thầu A5, A6 và A7 sau ngày khởi công, các nhà thầu đã huy động nhân lực, thiết bị vào triển khai thi công trên cơ sở mặt bằng nhận bàn giao từ các Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù tỷ lệ mặt bằng đã bàn giao đạt tỷ lệ cao nhưng vị trí mặt bằng được bàn giao không xuyên suốt, xôi đỗ hoặc bị chia cắt không có đường công vụ tiếp cận để thi công làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác triển khai thi công của các nhà thầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận