Hạ tầng

Cao tốc Cam Lộ-La Sơn: Đến khi nào có mặt bằng 2,5km qua rừng đặc dụng?

17/12/2019, 17:59

Sau 3 tháng khởi công, cao tốc Cam Lộ-La Sơn vẫn còn “điểm nghẽn” 2,5km mặt bằng qua rừng đặc dụng của Trung tâm Khoa học lâm nghiệp...

img
lMột đoạn thuộc dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua TP Đông Hà (Quảng Trị) đang triển khai thi công

Chưa chốt được thời gian bàn giao mặt bằng 2,5km qua rừng đặc dụng

Cao tốc Cam Lộ- La Sơn có tổng chiều dài 98,35km, đi qua 2 tỉnh Thừa Thiên-Huế (62,5km), Quảng Trị (37,3km). Sau 3 tháng khởi công xây dựng (từ ngày 16/9), dự án cao tốc Cam Lộ- La Sơn đoạn qua tỉnh Quảng Trị còn vướng mặt bằng. Trong đó, đoạn qua huyện Cam Lộ còn 2,5/5km thuộc diện tích rừng của Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung bộ (KHLNBTB), thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam (KHLNVN) - Bộ NN&PTNT quản lý, đến nay vẫn chưa bàn giao mặt bằng.

Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị, dự án cao tốc đoạn Cam Lộ- La Sơn ảnh hưởng 18 thửa đất của Trung tâm KHLNBTB với tổng diện tích thu hồi gần 140.000 m2 trên chiều dài 2,5 km, trong đó có 15 thửa đất rừng đặc dụng (diện tích hơn 125.5000m2) và 3 thửa đất sông suối (diện tích trên 13.600m2).

img
Hối hả "xẻ núi, mở đường"

Ngày 16/12, UBND tỉnh Quảng Trị phát đi văn bản "hỏa tốc" Thông báo ý kiến kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng tại buổi làm việc với Viện KHLNVN (ngày 12/12) về bàn giao mặt bằng diện tích rừng đặc dụng do Trung tâm KHLNBTB quản lý phục vụ GPMB xây dựng cao tốc Cam Lộ- La Sơn.

Theo đó, ông Hà Sỹ Đồng ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp của Viện KHLNVN và Trung tâm KHLNBTB với địa phương trong việc bố trí thời gian làm việc để giải quyết vướng mắc, thống nhất phương án bồi thương, hỗ trợ bàn giao mặt bằng rừng đặc dụng phục vụ công tác GPMB xây dựng cao tốc Cam Lộ- La Sơn, là công trình trọng điểm quốc gia.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm KHLNBTB, việc GPMB sẽ làm ảnh hưởng đến 11 mô hình nghiên cứu, đề tài khoa học mà Trung tâm đã và đang triển khai dỡ dang. Vì vậy, ngoài việc bàn giao mặt bằng đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, đúng quy định pháp luật, cần phải hạn chế tối đa thiệt hại kinh phí mà Trung tâm đã đầu tư cho các mô hình nghiên cứu, đề tài khoa học.

Bao giờ bàn giao mặt bằng?

img
Các mũi "xẻ núi" đào nền "giáp công"

Để thực hiện mục tiêu trên, cũng tại Thông báo kết luận "hỏa tốc" số 174 trên, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp với Trung tâm KHLNBTB tham mưu văn bản của UBND tỉnh Quảng Trị xin ý kiến Bộ NN&PTNT về quy trình, thủ tục chuyển đổi rừng đặc dụng theo đúng quy định pháp luật, hoàn thành trước ngày 20/12/2019.

Sau khi có ý kiến của Bộ, đề nghị Viện KHLNVN chỉ đạo Trung tâm KHLNBTB cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến kinh phí đầu tư các mô hình, đề tài nghiên cứu khoa học đang triển khai dở dang cho UBND huyện Cam Lộ và các Sở, ngành liên quan để làm cơ sở tính toán bồi thường, hỗ trợ theo đơn giá thực tế.

Đối với các thửa đất giao thông, sông suối; thửa đất thực hiện mô hình, đề tài đã được nghiệm thu, Trung tâm khẩn trương bàn giao cho chủ đầu tư và đơn vị thi công để triển khai các hạng mục cầu, cống trên tuyến; Tổ chức rà soát các thửa đất thực hiện các mô hình, đề tài nghiên cứu dở dang; đề xuất tiến độ bàn giao mặt bằng từng đợt phù hợp với tiến độ thực hiện dự án cao tốc Cam Lộ- La Sơn.

Theo nhà thầu, việc đoạn 2,5km này chưa bàn giao cho dự án để nhà thầu có mặt bằng triển khai các mũi thi công đồng loạt sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của dự án.

img
Một trong những đoạn đã "hình hài" đoạn tuyến cao tốc, nhưng đoạn 2,5km qua rừng đặc dụng vẫn chưa "chốt" được thời điểm bàn giao mặt bằng cụ thể

Trước đó, vào ngày 26/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có văn bản số 4424 gửi Bộ NN&PTNT về việc bàn giao mặt bằng đoạn trên để thi công đường cao tốc đoạn Cam Lộ- La Sơn qua tỉnh Quảng Trị. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sau khi nhận được số liệu của UBND tỉnh Quảng Trị tại văn bản số 4424 ngày 26/9/2019 và báo cáo của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tại văn bản số 2324 ngày 22/10/2019 về việc 2,5km đoạn qua khu rừng đặc dụng do Trung tâm KHLNBTB, thuộc Viện KHLNVN quản lý sử dụng chưa bàn giao cho dự án để nhà thầu có mặt bằng triển khai thi công, Bộ GTVT đã tiếp tục có văn bản gửi Bộ NN&PTNT.

Tại văn bản này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh, hiện Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai Dự án để đảm bảo tiến độ yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Việc chậm bàn giao mặt bằng nêu trên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của Dự án. Để đảm bảo tiến độ yêu cầu, Bộ GTVT đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Viện KHLNVN và Trung tâm KHLNBTB phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Trị có giải pháp giải quyết các tồn tại nêu trên, sớm bàn giao mặt bằng cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và nhà thầu để triển khai thi công.

Được biết, ngày 4/12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính có văn bản "hỏa tốc" số 5624 gửi Viện KHLNVN và Trung tâm KHLNBTB, UBND huyện Cam Lộ về việc khẩn trương bàn giao mặt bằng diện tích rừng đặc dụng để phục vụ công tác GPMB thi công cao tốc Cam Lộ- La Sơn.

Theo đó, để kịp thời thực hiện bàn giao mặt bằng diện tích rừng đặc dụng do Trung tâm KHLNBTB quản lý phục vụ công tác GPMB xây dựng cao tốc Cam Lộ- La Sơn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT tại văn bản số 8689, đề nghị Viện KHLNVN chỉ đạo Trung tâm KHLNBTB phối hợp với UBND huyện Cam Lộ và các Sở, ngành liên quan thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án.

Về việc chuyển giao phần diện tích đất cho Trung tâm KHLNBTB để xây dựng mô hình thực nghiệm, UBND tỉnh Quảng Trị đã thống nhất chủ trương và chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tại văn bản số 156 ngày 18/10/2019.

Vì vậy, việc bàn giao mặt bằng thi công cao tốc Cam Lộ- La Sơn là dự án trọng điểm Quốc gia không phụ thuộc vào vấn đề này. UBND tỉnh cũng giao UBND huyện Cam Lộ khẩn trương phối hợp với Trung tâm KHLNBTB và các Sở, ngành liên quan thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án theo đúng quy định pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.