Hoàn thành trong tháng 11
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Dự án được chia thành 2 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp có chiều dài 16km, tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng và thời gian thi công là 840 ngày.
Công trình do liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C - Công ty TNHH MTV cơ khí và xây dựng Thiên An và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO thực hiện.
Anh Phan Văn Hạnh, Chỉ huy trưởng công trình, Công ty TNHH MTV cơ khí và xây dựng Thiên An (nhà thầu thi công) cho biết, đoạn do công ty thực hiện có chiều dài 3,5km.
Ngoài thi công các cây cầu và xây dựng đường có trong dự án, nhà thầu còn thực hiện 680m dầm sàn liên tục. Đến thời điểm này, đoạn dầm sàn do nhà thầu thi công đã hoàn thành 571m, đạt tỷ lệ 84%.
"Hiện tại, trên công trường, công ty đang bố trí cho công nhân thi công bản sàn liên 4, trụ và bản sàn liên. Trong tháng 10, công ty tiếp tục hoàn thành thêm 33m dầm sàn và dự kiến hết tháng 11 tới, nhà thầu sẽ hoàn thành đoạn dầm sàn theo quy định", anh Hạnh cho biết thêm.
Giải pháp thi công trong giai đoạn chờ cát
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 1, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp khởi công cuối tháng 6/2023 nhưng từ giữa tháng 5/2024, cát mới về công trường phục vụ việc thi công. Do vậy, trong khoảng một năm chờ cát về công trường để làm phần đường, nhà thầu ngoài thi công các cây cầu có trong dự án, còn thực hiện đoạn dầm sàn liên tục có trong thiết kế.
Nhờ vậy, tiến độ thực hiện dự án vẫn được duy trì ổn định và hiện tại, nhà thầu đang tăng tốc thi công sau khi 4 mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù đã được khai thác.
Anh Mai Ngọc Diễn, đơn vị tư vấn, giám sát dự án thành phần 1, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp cho biết, so với làm đường thông thường thì dầm sàn trên cao tốc có chi phí cao hơn chút ít.
Tuy nhiên, bù lại, việc thi công dầm sàn, công tác giải phóng mặt bằng nhẹ hơn do dầm sàn được thi công trên cao, diện tích đất sử dụng cho việc thi công nhỏ hơn so với làm đường thông thường.
Ngoài ra, dầm sàn được xây dựng bằng bê tông cốt thép. Do vậy, trước điều kiện nguồn cát đắp nền thời gian trước gặp khó, dầm sàn vẫn có thể thi công liên tục, đỡ tốn thời gian chờ đợi nguyên vật liệu cần thiết cho việc làm đường.
"Khi làm đường thông thường, tuy tốn ít chi phí nhưng công tác duy tu, sửa chữa lại nhiều hơn so với làm dầm sàn. Trong khi đó, việc làm dầm sàn trên cao tốc lại tùy thuộc vào điều kiện thi công và thiết kế của dự án", anh Diễn cho biết thêm.
Trong đó, dự án thành phần 1 có chiều dài 16km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 dài 11,4km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng.
Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc bốn làn xe. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô bốn làn xe, với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận