"Bắt mạch" tìm rõ nguyên nhân sạt trượt
Sau cơn bão số 3 cuối tháng 8 vừa qua, do mưa lớn kéo dài, tại vị trí từ Km108+150 đến Km108+350 (khoảng 200m), cao tốc Vân Đồn - Móng Cái xuất hiện khối sạt trượt lớn, tách hẳn ra khỏi mái dốc tự nhiên, bề rộng cung trượt (độ dịch chuyển khối sạt trượt so với vị trí ban đầu) chỗ lớn nhất khoảng 15m, vách trượt sâu khoảng 5m, bên dưới là khối đá liền khối có góc nghiêng về phía mặt đường.
Đáng chú ý, khối sạt trượt sau khi chuyển vị đã hình thành nhiều vết nứt tách khác nhau với độ rộng từ 3-5m, nguy cơ có thể rơi xuống lòng đường, lấp rãnh dọc và tràn mặt đường.
Vị trí xảy ra sạt trượt trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái
Với tình trạng khối sạt trượt như nêu trên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện di chuyển trên cao tốc hướng Móng Cái - Vân Đồn. Vì vậy, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với chủ đầu tư và các bên liên quan kiểm tra hiện trường, khảo sát thiết kế và đưa ra phương án xử lý lâu dài vị trí sạt trượt trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Từ khi đi vào sử dụng đến nay, trung bình mỗi ngày cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có khoảng hơn 6.000 lượt xe cộ lưu thông và tổng số lượng xe di chuyển qua tuyến đường trong 1 tháng qua là 156.030 lượt xe…
Lý giải về căn nguyên dẫn đến tình trạng sạt trượt nêu trên, một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là tuyến đường thi công hoàn toàn mới, qua nhiều đồi núi.
Để đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật rất cao theo tiêu chuẩn đường cao tốc, từ khâu khảo sát, thiết kế, các yếu tố như độ dốc, bán kính đường cong, bề rộng nền đường... đều được tính toán kỹ, không thể tận dụng được địa hình tự nhiên sẵn có, mà bắt buộc phải xử lý nền đường.
Trên tuyến có nhiều vị trí phải hạ đồi, mở tuyến, tạo ra những vách taluy cao, lại có những vị trí phải đắp nền rất cao, qua vực sâu… trong khi địa chất khu vực phức tạp, biến đổi, xen kẹp đất đá phong hóa mạnh, nứt nẻ, cường độ kháng nền không đều…
Thời điểm cuối tháng 8/2022, khi bão số 3 vào Quảng Ninh gây mưa nhiều, kéo dài đã khiến nước mưa tràn vào khe nứt, phá vỡ kết cấu, gây sạt trượt và hẫng chân tatuy.
Quá trình thi công, nhiều đoạn trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái phải xẻ đồi, cắt núi, nên thời gian đầu bị sạt, trượt do mưa lớn là điều khó tránh khỏi
Tình huống này ngay trong quá trình thiết kế, thi công dự án, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan liên quan đều đã nhận định ra nguy cơ để xử lý, phải thực hiện giải phóng mặt bằng để mở rộng và hạ đồi.
Tuy nhiên, với quan điểm không làm ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực tuyến cao tốc đi qua, vì thế biện pháp thi công đã được áp dụng bằng việc gia cố mái taluy.
Song, do địa chất khu vực phức tạp, việc gia cố bằng phương pháp cắt tầng, xẻ mái taluy theo tiêu chuẩn và thiết kế đã không đảm bảo được sự ổn định, dẫn đến việc xuất hiện thêm vết nứt, nguy cơ sạt trượt cao...
"Đây là yếu tố khách quan, không phải do yếu tố kỹ thuật trong thi công, các giải pháp kỹ thuật trong thi công đường cao tốc đã được nhà thầu thực hiện khá chuẩn, theo đúng quy trình, đào hạ nền xong mới đến hạng mục xử lý mái taluy", vị lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh khẳng định.
Sẽ khắc phục tình trạng sạt trượt trong thời gian sớm nhất
Ngay khi có sự cố sạt trượt trên cao tốc Vân Đồn – Móng Cái xảy ra, chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu thi công huy động máy móc, thiết bị nhanh chóng xử lý hót khối sạt trượt đã chuyển vị và thanh thải khối lượng đất đá tràn xuống nền đường.
Đồng thời, yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành khảo sát địa hình, địa chất và đưa ra giải pháp thiết kế để xử lý kiên cố hóa, đảm bảo ổn định công trình.
Đơn vị thi công bố trí lực lượng phân làn đảm bảo giao thông qua vị trí sạt trượt trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái
Đến thời điểm này, đơn vị tư vấn thiết kế đã hoàn thành thiết kế xử lý tại vị trí sạt trượt, đang xin ý kiến Hội đồng nghiệm thu nhà nước, UBND tỉnh Quảng Ninh để tiến hành xử lý, khắc phục trong thời gian sớm nhất có thể.
Để đảm bảo giao thông thông suốt trong quá trình xử lý sự cố, chủ đầu tư tạm dừng khai thác làn đường trái tuyến hướng Móng Cái - Vân Đồn và phân luồng giao thông cho dòng xe hướng Móng Cái - Vân Đồn đi sang bên phải tuyến (tổ chức giao thông 2 chiều) thông qua 2 điểm mở dải phân cách giữa.
Cụ thể, chủ đầu tư sẽ tạm dừng khai thác, vận hành làn bên trái trong phạm vi chiều dài 1,2km kể từ vị trí Km108 theo hướng đường Móng Cái - Vân Đồn. Đồng thời, triển khai phân luồng làn bên phải tuyến đường thành 2 làn giao thông hai chiều theo hướng Vân Đồn - Móng Cái. Thời gian tiến hành phân luồng giao thông sẽ kéo dài đến hết ngày 30/10/2022 theo quyết định của Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh.
Hiện nhân viên tuần đường, nhân viên đảm bảo giao thông được bố trí thường trực để báo hiệu cho phương tiện giảm tốc độ khi lưu thông qua vị trí sạt trượt. Trung tâm điều hành đặt tại trạm thu phí đầu tuyến theo dõi và kiểm soát thường xuyên diễn biến tại vị trí này qua camera giao thông, có thông báo, cảnh báo vị trí thủ công trên bảng thông báo điện tử VMS đến các phương tiện tham gia giao thông cũng như nhân viên tuần đường để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra…
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện chủ đầu tư tuyến cao tốc Tiên Yên - Móng Cái cho biết: Ngay khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư đã huy động các trang thiết bị máy móc hiện đại cùng đội ngũ hàng trăm cán bộ nhân viên nhanh chóng vét sạch toàn bộ khối lượng đất đá tràn xuống lòng đường để đảm bảo cho giao thông được an toàn, thông suốt.
"Mặc dù điểm sạt trượt khá dài với lượng đất, đá lớn, nhưng với tinh thần chủ động, tích cực, sự cố nêu trên sẽ nhanh chóng được khắc phục để tuyến đường được lưu thông thuận lợi, an toàn", đại diện chủ đầu tư tuyến cao tốc Tiên Yên - Móng Cái cho biết.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khi chính thức đi vào sử dụng đã đưa Quảng Ninh thành địa phương sở hữu tuyến đường cao tốc dài nhất cả nước
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh) được đưa vào khai thác từ ngày 1/9 vừa qua là đoạn tuyến cuối cùng của chuỗi cao tốc dọc tỉnh dài 176km, kết nối đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam (gần 600km).
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái góp phần giảm cự ly và rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương. Hiện hành trình từ Hà Nội đến Móng Cái chỉ còn 276km, với khoảng 3 giờ chạy xe; thay vì quãng đường gần 400km, mất khoảng 7 giờ chạy xe như trước...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận