Nhiều ý kiến ủng hộ việc đào tạo, cấp GPLX số tự động. |
Cần thiết đào tạo, cấp GPLX số tự động
Tại hội nghị tập huấn lái xe an toàn tại Trung tâm đào tạo lái xe Đông Đô (Bắc Ninh), nhiều ý kiến đã kiến nghị tổ chức thực hiện việc đào tạo, cấp GPLX riêng cho loại xe số tự động. Ngay sau đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu nghiên cứu để thực hiện việc đào tạo, cấp GPLX riêng với ô tô số tự động. Nhiều ý kiến trên mạng xã hội và dư luận đã bày tỏ sự đồng thuận cao và cho rằng, đây là điều cần thiết nhằm bảo đảm ATGT, đáp ứng nhu cầu của người dân khi xu hướng phát triển của loại xe này ngày càng gia tăng.
Anh Trần Quốc Dũng, làm việc tại Công ty Xây dựng Hoà Phát cho biết: “Xe ô tô sử dụng hộp số tự động ngày càng nhiều. Sử dụng loại xe này sẽ giảm bớt một số thao tác của người lái xe trong quá trình điều khiển, giúp người lái thuận lợi hơn. Vì thế nếu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX ô tô riêng cho người điều khiển ô tô sử dụng hộp số tự động sẽ giúp họ lái xe an toàn hơn, tránh xảy ra tình trạng “xe điên” liên tục xảy ra trong thời gian qua. Rất nhiều người có xe ô tô riêng hiện nay cũng chỉ có nhu cầu lái xe ô tô số tự động nên việc học lái xe số sàn là không cần thiết…”.
Theo ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm lái xe Đông Đô (Bắc Ninh): “Trong quá trình đào tạo tại trung tâm, nhiều học viên cũng bày tỏ mong muốn được học và cấp GPLX số tự động thay vì học số sàn vì họ không sử dụng xe số sàn trong thực tế”.
Trả lời PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, có thể cấp riêng GPLX cho người học lái xe số tự động được. Cũng giống như ở Hàn Quốc, khi cấp loại GPLX này chỉ cần có thêm ký hiệu để phân biệt hai loại GPLX là xe số sàn và số tự động để có thể quản lý, kiểm tra.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc cho phép sử dụng ô tô hộp số tự động để học và sát hạch lái xe sẽ đơn giản và dễ hơn ô tô sử dụng hộp số sàn. Tổng cục cũng thừa nhận một thực tế, rất nhiều người buộc phải học số sàn nhưng thực tế chỉ lái xe số tự động.
Cần thí điểm, có lộ trình phù hợp
Theo nhiều ý kiến, việc đào tạo, cấp GPLX số tự động hiện nay cũng tương tự với việc thí điểm cho xe mô tô phân khối lớn đi vào đường cao tốc bởi nó liên quan mật thiết đến vấn đề an toàn giao thông và cách thức tham gia giao thông của các phương tiện trên đường. Chính vì vậy, trước khi đưa vào thực hiện rộng rãi cần có một quá trình thực hiện thí điểm để đánh giá về hiệu quả cũng như các yếu tố bảo đảm an toàn giao thông.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX ô tô riêng cho người không hành nghề lái xe điều khiển ô tô sử dụng hộp số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc học và sát hạch lái xe, phù hợp xu hướng phát triển ở một số nước. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng sẽ phát sinh một số vấn đề cần giải quyết.
Cụ thể, theo ông Quyền, do số lượng các nước áp dụng quy định này chưa nhiều, để thực hiện việc phân kỳ đầu tư tại các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch và để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thuận lợi cho người dân trong quá trình sử dụng GPLX ở trong nước và khi ra nước ngoài, đề nghị Bộ GTVT không quy định hạng GPLX riêng, nhưng trên GPLX có ghi điều kiện hạn chế phạm vi hoạt động như của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Pháp.
Ông Hà Quang Ngọc, Giám đốc công ty Hoàng Hà lại cho rằng, nếu đào tạo, cấp GPLX số tự động cần phải tính đến cơ chế kiểm soát, con người để kiểm soát xem phương tiện là số sàn hay tự động, người đang cầm lái có giấy phép lái số sàn hay không, xử phạt thế nào đối với người dùng sai GPLX…?
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Thạch: “Có thể quy định việc đào tạo và thi cấp GPLX đối với xe số tự động, như vậy, người thi có quyền lựa chọn thi loại GPLX nào phù hợp. Tuy nhiên, người thi lấy GPLX lái xe số tự động sẽ phải chấp nhận việc một số nước không cấp GPLX số tự động không chấp nhận loại giấy phép này".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận