Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 12 về tăng cường bảo đảm ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021. Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về TNGT và vi phạm trật tự ATGT. Đây là giải pháp nhằm đánh giá đúng thực trạng, tình hình TNGT, từ đó hoạch định, điều chỉnh chính sách hợp lý, góp phần giảm TNGT.
Mỗi ngành một dữ liệu
Việc xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu ATGT quốc gia một cách khách quan, khoa học giúp Nhà nước, các cơ quan chức năng đánh giá đúng thực trạng, tình hình TNGT, từ đó có những định hướng, chính sách điều chỉnh hợp lý, góp phần đảm bảo ATGT, hạn chế đến mức thấp nhất TNGT, nâng cao năng lực vận tải, góp phần phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia
Việc thống kê, phân tích cơ sở dữ liệu ATGT như dữ liệu TNGT và số liệu vi phạm, quản lý phương tiện người lái là một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng, có vai trò cung cấp thông tin, cung cấp các đề xuất cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trong việc đánh giá và làm căn cứ cho việc nghiên cứu, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT. Tuy nhiên, công tác thống kê, báo cáo TNGT hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập và khó hình thành một cơ sở dữ liệu quốc gia ATGT dùng chung.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, thời gian qua, công tác đảm bảo ATGT đã cập nhật và triển khai ứng dụng nhiều thiết bị khoa học công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, trong việc xây dựng, bảo trì kết cấu giao thông, quản lý lái xe, đăng kiểm, phương tiện, xử phạt qua hệ thống camera giám sát giao thông tại các đô thị lớn; lắp đặt thiết bị giám hành trình trên ô tô, đẩy mạnh thu phí không dừng.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, do chưa có trung tâm kết nối thống nhất cơ sở dữ liệu (CSDL) ATGT giữa các ngành như: Công an, GTVT, Y tế và Cơ quan Bảo hiểm nên ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý ATGT.
“Hiện, cơ sở dữ liệu về TNGT, xử lý vi phạm và cơ sở dữ liệu phương tiện, người lái bị tách rời. Riêng trong ngành Công an, dữ liệu về TNGT được xẻ ra, lưu trữ ở hai nơi. Trong khi dữ liệu tổng hợp chung TNGT, xử phạt vi phạm giao thông do lực lượng CSGT quản lý thì dữ liệu các vụ TNGT nghiêm trọng lại thuộc cơ quan cảnh sát điều tra”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực GTVT chưa thực sự trở thành động lực trong đảm bảo ATGT, nhất là hiệu quả của việc khai thác cơ sở dữ liệu giao thông chưa được nghiên cứu để sử dụng chung cho các cơ quan quản lý. “Hệ thống cơ sở dữ liệu tách rời, thiếu liên kết, khó chia sẻ giữa đăng kiểm, giữa quản lý bằng lái xe, vi phạm ATGT, TNGT, bảo hiểm, y tế… Cùng đó, số liệu thống kê giữa các ngành chưa được kiểm tra chéo, chưa được chia sẻ hiệu quả. Chúng ta thiếu công cụ hỗ trợ phân tích, mô phỏng, đánh giá về ATGT, qua đó tái hiện tình huống TNGT, xác định nguyên nhân về kỹ thuật cũng như về tâm lý hành vi”, ông Hùng chia sẻ.
“Hiện, việc khai thác các nguồn dữ liệu này phục vụ công tác tuyên truyền rất hạn chế. Đặc biệt, là những dữ liệu sâu hơn liên quan đến hành vi điều khiển phương tiện như: Trạng thái sức khỏe lái xe, điều kiện về hạ tầng ít được phân tích phục vụ công tác nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cũng như đề xuất các giải pháp kỹ thuật, KHCN phục vụ công tác đảm bảo trật tự ATGT”, ông Hùng nói.
Công nghệ xây dựng cơ sở dữ liệu chung không khó
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, về mặt công nghệ, thực hiện dữ liệu chung không khó. Với trình độ công nghệ hiện nay hoàn toàn có thể làm được, chi phí đầu tư cũng không nhiều.
Tuy nhiên, ông Quyền cho rằng, khó nhất là trong quá trình quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý có thẩm quyền trong quá trình tích hợp vào cơ sở dữ liệu đó là chưa cao. “Nếu chúng ta có phần mềm nhưng toàn bộ việc xử lý những vi phạm trên đường, hoặc lái xe bị tai nạn mà cơ quan quản lý trên lĩnh vực đó không tích hợp dữ liệu kịp thời, đầy đủ, thì dữ liệu sẽ không đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, tôi cho rằng, khó nhất là khâu phối hợp của các cơ quan chức năng trong quá trình quản lý chưa đáp ứng yêu cầu”, ông Quyền nói.
Ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Trung tâm Phân tích cơ sở dữ liệu ATGT (Viện Chiến lược và phát triển GTVT) cho rằng, việc xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu TNGT đường bộ một cách khách quan, khoa học sẽ giúp cơ quan chức năng đánh giá đúng thực trạng TNGT đường bộ của quốc gia. Khi đó, tình hình phát triển phương tiện, người tham gia giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông sẽ được đánh giá đúng để có định hướng chính sách hợp lý, hạn chế thấp nhất TNGT.
Tuy nhiên, ông Đạt thẳng thắn chia sẻ, đáng tiếc là việc phân tích cơ sở dữ liệu TNGT ở nước ta hiện chưa đầy đủ, phần lớn chỉ đáp ứng công tác thống kê báo cáo. Ngoài ngành Công an còn có các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT, Bộ Y tế cũng đang tiến hành xây dựng, thu thập, quản lý và khai thác dữ liệu TNGT này. Đáng nói hơn, hệ thống cơ sở dữ liệu của các đơn vị này lại tách rời nhau, chủ yếu phục vụ công tác nghiên cứu, quản lý của đơn vị mình, thiếu liên kết, khó chia sẻ.
“Những quy định khác nhau giữa các bộ, ngành dẫn đến những khái niệm, chỉ tiêu, tiêu chí thống kê TNGT cũng khác nhau. Do đó, số liệu thống kê còn khác nhau. Việc chia sẻ thông tin dữ liệu TNGT chưa có quy định cụ thể, thống nhất giữa các bộ, ngành. Điều này dẫn đến số liệu thống kê thiệt hại do TNGT hiện chỉ mang tính chất tương đối, chưa phản ánh đầy đủ thực tế”, ông Đạt cho biết thêm.
Tận dụng dữ liệu sẵn có
Để nâng cao hiệu quả trong việc thu thập, quản lý và chia sẻ dữ liệu TNGT các chuyên gia cho rằng, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về ATGT, cơ chế phối hợp và chia sẻ giữa các cơ quan liên quan mô hình quản lý, vận hành dữ liệu quốc gia về ATGT.
Về phương hướng hoạt động, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, Trung tâm cơ sở dữ liệu ATGT nên tập trung vào 3 lĩnh vực là: Thống kê, điều tra, khảo sát và phân tích cơ sở dữ liệu ATGT phục vụ nhiệm vụ quản lý Nhà nước của các bộ, ngành liên quan và công tác chỉ đạo, phối hợp các hoạt động ATGT của Ủy ban ATGT Quốc gia; Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ; Đồng thời, thực hiện các hoạt động dịch vụ khoa học - công nghệ và các dịch vụ có thu khác.
Để đảm bảo tính khả thi, đầu tư có hiệu quả, tránh trùng lặp, ông Thắng đề xuất cần có khảo sát và đánh giá thực trạng dữ liệu cần thu thập. Về giải pháp kỹ thuật cần đánh giá rõ hiện trạng, kiến trúc, công nghệ dữ liệu của các đơn vị hiện nay và phần mềm đang quản lý các dữ liệu này, từ đó đưa ra phương án cần thu thập, xây dựng và phân tích dữ liệu.
“Cần xác định rõ chức năng, mô hình, kinh phí hoạt động cũng như cơ quan chủ quan của Trung tâm cơ sở dữ liệu ATGT. Trước mắt, hoạt động của trung tâm nên do ngân sách Nhà nước cấp. Về lâu dài, nên nghiên cứu, đưa ra lộ trình chuyển đổi trung tâm sang hoạt động theo hình thức tự trang trải kinh phí thường xuyên theo Nghị định số 115/2005 của Chính phủ”, ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Khối giao thông, Công ty Giải pháp phần mềm FPT cho biết, để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ATGT cần tận dụng các cơ sở dữ liệu sẵn có như: Thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát vi phạm giao thông, kiểm soát tải trọng, TNGT, đăng ký, đăng kiểm, giấy phép lái xe, phân tích lưu lượng giao thông… để khai thác và xây dựng thành cơ sở dữ liệu ATGT quốc gia. Trên cơ sở đó, cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ là nền tảng phục vụ nghiên cứu, phân tích tai nạn và lựa chọn các giải pháp đảm bảo ATGT.
“Chúng ta có thể khai thác các cơ sở dữ liệu được cập nhật từ các chủ thể giao thông như: Đèn tín hiệu, phương tiện, camera, người tham gia giao thông, từ đó dự đoán trước các tình huống giao thông để có giải pháp. Hệ thống thông minh sẽ dự báo tương lai, có xảy ra tai nạn hay không, đâm hay không đâm. Cho nên, hệ thống sẽ ngăn chặn trước khi tai nạn xảy ra. Đây là ứng dụng công nghệ thông tin thế giới đang làm”, ông Thắng nói.
Đánh giá tác động của hệ thống cơ sở dữ liệu ATGT quốc gia, ông Lê Văn Đạt cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu ATGT quốc gia đem lại rất nhiều lợi ích. Chẳng hạn với một cá nhân có nhiều vi phạm ATGT, có thể áp dụng tăng nặng chế tài xử phạt. Hoặc khi cá nhân đó có nhu cầu nâng hạng GPLX cũng có thể căn cứ trên cơ sở dữ liệu này để quyết định cho phép họ nâng hạng hay không.
“Việc khai thác dữ liệu dùng chung cũng có thể xem xét đến tiền sử của một cá nhân khi họ đề nghị nâng hạng, cấp mới GPLX. Nếu tiền sử của người tham gia giao thông đó có nhiều vi phạm hoặc gây ra nhiều vụ TNGT thì việc họ có nhu cầu cấp, đổi GPLX cần phải xem xét”, ông Đạt nói và cho rằng, cần phải có những quy định pháp lý cụ thể, cơ chế phối hợp để thống nhất các dữ liệu cần thiết, phù hợp với tất cả các ngành có liên quan trên phạm vi toàn quốc. Cùng đó, phải xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu về TNGT theo hướng thống nhất về các tiêu chí TNGT và mẫu thu thập thông tin, dữ liệu TNGT.
Theo ông Khuất Việt Hùng, thời gian tới cần có hệ thống kết nối dữ liệu của các bộ, ngành để có nền tảng dữ liệu ATGT sử dụng chung. Đây sẽ là cơ sở để khai thác, phân tích dữ liệu ATGT, góp phần làm rõ nguyên nhân, điều kiện của tình trạng mất ATGT. Ví dụ, khi kết nối dữ liệu giữa các ngành sẽ biết được lái xe vi phạm bao nhiêu lần, khi đó có thể đưa vào quy định của pháp luật xử lý hành vi tái phạm như: Tước bằng lái xe vĩnh viễn hoặc rút ngắn thời gian cấp bằng. Khi có cơ sở dữ liệu chung cũng sẽ đảm bảo tính khả thi quy định pháp luật, tránh như hiện nay hành vi tái phạm chưa biết xử lý thế nào.
“Việc xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung sẽ theo hướng, những thông tin theo quy định của pháp luật không được phép công bố, cần ngăn không cho tiếp cận. Cơ sở dữ liệu chung sẽ được phân quyền truy cập nhưng vẫn phải đảm bảo tính mở trong cung cấp thông tin đa dạng đối tượng từ người dân, các cơ quan truyền thông đến những người làm nghiên cứu khoa học, quản lý nhà nước theo từng chuyên ngành. Khi đó, lực lượng công an ngay lập tức sẽ biết thông tin về phương tiện, người lái. Đối với người làm công tác quản lý phương tiện sẽ biết trường hợp đó vi phạm bao nhiêu lần, điều khiển xe có phù hợp với bằng lái hay không…”, ông Hùng nói.
Bắc Giang: Thống kê chính xác để hoạch định chính sách ATGT
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Bắc Giang, năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 484 vụ TNGT làm chết 246 người, bị thương người. So với cùng kỳ năm ngoái tăng cả 3 tiêu chí. Cụ thể: Tăng 297 vụ, tăng 163 người chết và tăng 223 người bị thương. Trong đó, có 7/10 địa phương tăng trên 200% gồm: Việt Yên, Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên, Hiệp Hòa và Yên Dũng.
Ông Đinh Văn Tiến, Phó chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Bắc Giang cho biết, đó là số liệu chính xác nhất về số vụ, số người chết, bị thương trên địa bàn vì các vụ va chạm, kể cả không chết người hay chết người do tự gây hoặc vụ tai nạn xảy ra được mấy ngày nạn nhân mới tử vong cũng đều được cập nhật và đưa vào báo cáo.
Xác nhận điều này, Đại úy Giáp Khương, Đội trưởng Đội CSGT TP Bắc Giang cho biết, những vụ tự gây TNGT tử vong như tự ngã, tự đâm vào cột điện hoặc đâm vào phương tiện phía trước… đều được cập nhật, thống kê. Những năm trước, vụ việc này sẽ không được báo cáo vì nhận thức chủ quan của cấp cơ sở thì năm nay đã được cập nhật liên tục để có số liệu thực tế và chính xác.
Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh Bắc Giang khẳng định, đây là con số thống kê chính xác và thực tế nhất từ trước đến nay của tỉnh. Đó là nhờ sự quán triệt về việc thống kê con số, báo cáo TNGT chính xác và đầy đủ nhất, như vậy mới có thể nhìn rõ thực trạng để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.
Trung tá Ngô Văn Phục, Phó trưởng phòng CSGT Bắc Giang phân tích thêm, những năm trước, việc thống kê số liệu TNGT có sự vênh lớn giữa các ngành Y tế, Công an và Viện Kiểm sát. Số liệu của ngành Y tế thường cao nhất, do vậy có ý kiến cho rằng, việc thống kê số liệu TNGT còn chưa đầy đủ, thiếu chính xác. Từ thực tế trên, Ban ATGT tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các ngành Công an, Y tế, Viện Kiểm sát phối hợp chặt chẽ để việc thống kê số liệu đầy đủ, chính xác.
“Chỉ khi nào đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân TNGT mới có được các giải pháp hữu hiệu. Việc thống kê số liệu TNGT đầy đủ, chính xác có thể ví như việc bắt đúng “bệnh” để có “thuốc” chữa tốt hơn nhằm kiềm chế TNGT trong thời gian tới”, Trung tá Phục nói.
Ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở GTVT cũng nhận định: “Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước có quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an - Viện Kiểm sát và Sở Y tế trong công tác theo dõi thống kê, báo cáo tình hình TNGT. Do đó, tất cả các vụ TNGT trên địa bàn đều được thống kê, báo cáo đầy đủ và thực chất.
Phát biểu tại hội nghị tổng triển khai nhiệm vụ đảm bảo ATGT năm 2019 của tỉnh Bắc Giang mới đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, đến thời điểm hiện nay, Bắc Giang là địa phương đi đầu trong việc thống kê TNGT một cách trung thực, chi tiết và có sự phối hợp chặt chẽ, cụ thể, có sự chỉ đạo từ Tỉnh ủy và có chỉ thị riêng của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, dù thống kê TNGT thực tăng đến 200% chưa có tiền lệ từ trước đến nay. “Cách làm này thể hiện một bức tranh toàn cảnh về TNGT, đây đích thực là tấm lòng của những người làm quản lý nhà nước, của các cấp ủy chính quyền đối với người dân vì không để sót một trường hợp nào dù là bị thương, hay xây xát. Từ đó mới ra được trách nhiệm của ai, vấn đề ở đâu để tìm ra giải pháp khắc phục”, ông Hùng nói.
Hữu Tuấn
Tuyên Quang: Số liệu TNGT chỉ dựa vào Công an
Ông Đỗ Văn Lai, Chánh Văn phòng Ban ATGT Tuyên Quang cho biết, tại Tuyên Quang, số liệu TNGT toàn tỉnh được lấy theo thống kê từ ngành Công an. Các vụ TNGT tự gây tai nạn vẫn được thống kê nhưng sẽ ghi rõ là tự gây ra. “Đây là cách thống kê hợp lý bởi trong quá trình điều tra vụ TNGT, ngành Công an sẽ tham gia trực tiếp, nắm được diễn biến tại hiện trường, thu thập số liệu đầy đủ nhất và tương đối chính xác về số vụ, số người chết. Chẳng hạn, một vụ TNGT nếu có người bị thương nặng ở hiện trường nhưng khi vào bệnh viện mới tử vong thì khi điều tra, công an cũng sẽ ghi nhận trường hợp này là tử vong và thống kê vào hồ sơ tai nạn”, ông Lai nhận định.
Liên quan đến vấn đề có nên lấy số liệu tổng hợp từ 3 ngành: Công an, Y tế, Viện kiểm sát hay không, ông Lai cho biết, viện kiểm sát chỉ thống kê các vụ TNGT nghiêm trọng, có người chết để đưa ra xét xử và các thông tin, số liệu này cũng từ cơ quan điều tra của ngành Công an ra quyết định khởi tố vụ án chuyển qua.
Còn bên ngành Y tế chỉ nắm được số liệu người bị thương và tử vong khi vào bệnh viện nhưng ở hiện trường vụ TNGT không nắm được. Thậm chí, nhiều người vào bệnh viện vì đánh nhau nhưng lại nói do tai nạn khiến số liệu thống kê bị sai sót. “Quá trình điều tra vụ TNGT, ngành Công an thu thập đầy đủ thông tin và số liệu nhất, khắc phục được hạn chế của 2 ngành trên do đó thống kê TNGT theo ngành Công an là hợp lý và tương đối chính xác”, ông Lai cho biết thêm.
Yến Chi
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận