Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Tấn Việt |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Báo cáo kết quả thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành miền Trung trong đảm bảo TTATGT đường sắt diễn ra sáng nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh: Số vụ TNGT đường sắt giảm thời gian qua cho thấy các địa phương thực hiện đồng loạt các giải pháp sát sườn theo quy chế phối hợp đã ký kết. Tuy vậy, con số giảm TNGT đường sắt qua từng năm chưa bền vững, chủ yếu do sự phức tạp ở hàng nghìn lối đi tự mở (trước đây gọi là đường ngang dân sinh – PV).
Theo thống kê của Cục ĐSVN, 9 tháng đầu năm 2017, trên phạm vi cả nước xảy ra 251 vụ TNGT đường sắt, làm chết 113 người, bị thương 117 người. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 56 vụ, giảm 3 người chết, giảm 57 người bị thương.
Cũng theo thống kê này, khoảng 70% số vụ TNGT xảy ra trên các giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ, chủ yếu tại các lối đi tự mở trái phép qua đường sắt và dọc 2 bên hành lang ATGT đường sắt. Nguyên nhân chính được xác định do ý thức chấp hành của người dân chưa cao.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Sở GTVT các tỉnh, thành từ Nghệ An đến Bình Định. Ảnh: Tấn Việt |
Trong số các báo cáo của lãnh đạo Sở GTVT 9 tỉnh, thành, nổi bật lên các đề nghị nhanh chóng bố trí vốn trong năm 2017 để nâng cấp, cải tạo đường ngang, xóa bỏ các lối đi tự mở. Đơn cử tại Quảng Nam, UBND tỉnh đã chủ động bố trí vốn, giao Sở GTVT đầu tư đường vượt nối từ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vượt qua đường sắt song song đường tránh Nguyễn Hoàng vào TP. Tam Kỳ, tổng vốn đầu tư 160 tỷ đồng.
Sau dự án này, Quảng Nam đề nghị Bộ GTVT bố trí vốn làm mới đường dân sinh trên đường ĐH10 qua huyện Thăng Bình, chủ trương làm thành đường cảnh báo tự động với số vốn 4 tỷ đồng.
Để giải quyết cấp bách về kinh phí, ông Khuất Việt Hùng – Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị các địa phương chủ động ưu tiên nguồn 35% từ Quỹ bảo trì đường bộ rót lại cho các tỉnh để xây dựng đường ngang.
Theo ông Khuất Việt Hùng, riêng nguồn 35% từ Quỹ bảo trì đường bộ, các địa phương phải xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình giao thông. Trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư đường gom, đường ngang… qua đường sắt để kéo giảm TNGT theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và tinh thần Luật Đường sắt (sửa đổi) có hiệu lực từ tháng 7/2018.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đề nghị các địa phương chủ động ưu tiên nguồn vốn từ 35% Quỹ bảo trì đường bộ đầu tư cho công tác đảm bảo TTATGT đường sắt. Ảnh: Tấn Việt |
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá: Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành đã có từ năm 2013 nhưng 2 năm gần đây mới đi vào thực chất. Bằng chứng là số vụ TNGT đường sắt chỉ giảm từ năm 2015 đến nay.
“TNGT đường sắt nói riêng và các vấn đề của ngành Đường sắt nói chung ít được quan tâm hơn so với đường bộ, nhưng không thiếu sự phức tạp, bởi vị trí, địa hình các đường ngang, lối đi tự mở đa dạng. Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia cùng Cục ĐSVN sẽ thường xuyên đồng hành cùng các địa phương với nhiều giải pháp cụ thể, mục tiêu cao nhất hạ nhiệt TNGT đường sắt”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng thống nhất với ý kiến của Ủy ban ATGT Quốc gia trong việc các địa phương chủ động ưu tiên vốn cho hạ tầng đường sắt trong bối cảnh vốn cho ngành GTVT đang gặp khó khăn.
Theo ông Khương Thế Duy – Phó cục trưởng Cục ĐSVN, cả nước hiện có 5.564 điểm giao cắt. Trong đó, số đường ngang hợp pháp là 1.516, còn lại là 4.048 lối đi tự mở (chiếm 72,8% tổng giao cắt). So với thời điểm 31/12/2016, cả nước đã xóa bỏ 231 lối đi tự mở. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận