70 năm truyền thống ngành GTVT

Câu chuyện giản dị về cố Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ

06/07/2017, 14:05

Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ là vị tướng đầu tiên nhận nhiệm vụ làm Tư lệnh ngành GTVT.

9

Đồng chí Phan Trọng Tuệ (khi làm Bộ trưởng Bộ GTVT) kiểm tra cầu đường sắt qua sông Trà Khúc năm 1977

Tôi có may mắn được nhiều lần đến thăm gia đình cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ tại nhà riêng và khu tưởng niệm xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội. Mỗi lần đến là một kỷ niệm khó quên. Bà Phan Thị Gia Liên, con gái ông lần nào cũng nhắc lại những kỷ niệm về người cha kính yêu với những câu chuyện dường như không bao giờ cạn.

Nhớ 3 điều cha dạy

Lần trước đến thăm khu tưởng niệm tại xã Sài Sơn, Quốc Oai, bà Liên cho tôi xem những bức ảnh về cố Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ thời còn tham gia làm đường Trường Sơn, đường 20 Quyết Thắng, khi làm Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Thủ tướng. Lần này, bà Liên vẫn xúc động nhắc lại những kỷ niệm về cha tựa như ông vẫn đang sống. Rồi bà xúc động đọc mấy câu thơ:

“Tôi đọc hồi ký của cha/Người tư lệnh đầu tiên của bộ đội Trường Sơn năm ấy/ Nước mắt trào dâng/ Qua từng trang viết về sự ác liệt của chiến tranh.

Tôi như nhìn thấy con đường 20 Quyết Thắng/ Xuyên thẳng qua núi cao vực thẳm, trong tiếng gào thét của bom đạn mưa giông.

Nhìn thấy hai vạn chiến sĩ, thanh niên xung phong/ tay cầm bộc phá, nắm choòng/Cùng cha tôi phơi mình trước phong ba bão táp.

...

Đường Trường Sơn con đường vĩ đại/ Đã trở thành huyền thoại cùng cha…”.

“Có 3 điều cha luôn răn dạy và tôi luôn khắc cốt ghi tâm. Đó là phải lao động, biết lao động và phải quý trọng lao động. Cái gì làm được phải làm, cái gì không biết là phải học, không được phép ỷ lại. Thứ hai, phải khiêm tốn, không kiêu căng với bất cứ ai, từ chị quét rác, chú bảo vệ... Tôi nhớ lúc nhỏ, cha cho phép các chú phục vụ có quyền mắng, thậm chí đánh đòn nếu tôi hư. Thứ ba là làm người không làm nô lệ cho đồng tiền. Phải đấu tranh bảo vệ lẽ phải đến cùng. Không được nịnh bợ, xum xoe dù bất kể cấp nào”, bà Liên nhớ lại.

Nhiều lần được đi theo cha, bà Liên càng cảm nhận rõ về cha mình - một người đàn ông hào hoa, phong nhã, có nhiều tài lẻ. Cha biết lái xe, bắn súng giỏi, chụp ảnh và vẽ truyền thần rất đẹp, biết cưỡi ngựa, đá bóng...  và luôn hòa đồng với mọi người. “Sức chịu đựng và cường độ làm việc của cha tôi rất cao. Cha luôn bám sát cơ sở, đi thực tế, vào những nơi ác liệt nhất. Cha làm việc đúng giờ, sống giản dị lắm, không biết đến rượu bia, thuốc lá”, bà Liên nói.

10
Gia đình ông Phan Trọng Tuệ chụp năm 1966 (Từ trái sang phải: Phan Vi Linh (con),ông Phan Trọng Tuệ, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (vợ), Phan Thị Gia Liên (con))

Bản di chúc của lòng tin

Bà Liên nhớ lại năm 1977, cha lâm bệnh. Sợ không qua khỏi nên ông đã viết cho chúng tôi một bức thư như một lời di chúc. Bức thư không phải để phân chia tài sản, bởi lẽ ông không hề có một tài sản cá nhân có giá trị trước khi qua đời. Cha tôi để lại một bản di chúc về lòng tin và sự trung thành với Đảng cho con cháu mai sau.

Ông viết: “... các con phải hiểu và tin rằng, Đảng ta vô cùng đúng đắn và sáng suốt. Qua các thời kỳ cách mạng đã chứng minh được điều đó. Sáng suốt, đúng đắn còn thể hiện ở chỗ ngay khi gặp thất bại hoặc sai lầm, Đảng ta đã dũng cảm nhận ra và kiên quyết sửa chữa, như trong cải cách ruộng đất. Các con không phải vì cá nhân người này hay người nọ để làm việc, để mà phấn đấu, nên không vì bất cứ lý do gì mất lòng tin ở Đảng, không được bất mãn, chán nản. Trước sau Đảng ta sẽ phát hiện những cái chưa đúng và sẽ loại trừ những con người xấu đó, sai lầm nhất định phải được sửa chữa. Các con phải xác định rõ chức vụ, công danh, tiền bạc không phải là mục đích sống của mình. Sống phải có lý tưởng, sống để đấu tranh bảo vệ lẽ phải, làm nhiều việc tốt cho nhân dân, cho Đảng nên không được tính toán cá nhân mình được và mất gì...”.

“Đến khi về hưu tôi càng hiểu hết những điều cha nói. Những năm tháng còn làm việc và đến tận bây giờ, chúng tôi đã tuân theo lời di huấn đó của cha, luôn sống vui vẻ và cống hiến hết mình dù ở bất cứ cương vị nào. Nhưng cái lớn nhất, đó là chúng tôi tự hào được làm con của cha, chúng tôi đã và vẫn đang sống để xứng đáng với cha”, bà Liên bộc bạch.

Mọi thành công của cha có đóng góp của mẹ

Trong những lần đến thăm gia đình cố Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ trước đây, mấy lần tôi toan hỏi về người vợ của ông nhưng chưa có dịp. Lần này, tôi ngỏ ý muốn được nghe bà Liên kể về người mẹ của mình. Bà Liên kể lại, phải nói mọi thành công, công việc của cha đều có phần đóng góp của mẹ, nhất là những năm tháng cuối đời. Vì một lý do hết sức rõ ràng và minh bạch nên cha tôi không chọn nhiệm vụ phân công trong nước, mà cha chọn đến nơi đầy thử thách, chông gai. Mẹ đã đi cùng cha sang làm chuyên gia cho Chính phủ Campuchia, TP Phnôm Pênh lúc đó còn rất nhiều khó khăn.

“Tôi còn giữ những bức thư ngày mẹ còn đi học bổ túc văn hóa lớp 1, lớp 2. Hồi đó, cha đã là Thiếu tướng, Trưởng Phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tại Ủy ban Liên hiệp đình chiến Việt Nam, trong Ban Liên hiệp đình chiến 4 bên đóng tại Vĩnh Linh, Quảng Trị. Còn mẹ là nhân viên mậu dịch bách hóa Tràng Tiền, Hà Nội. Mỗi bức thư chứa bao ân tình. Cha tôi lấy bút đỏ sửa từng câu sai lỗi chính tả, góp ý về cách hành văn, rồi gửi thư lại cho mẹ đọc để sửa. Từ một cố nông, mẹ với sự dìu dắt của cha tôi đã vừa làm, vừa học, rồi tốt nghiệp cấp ba, học quản lý kinh tế...”, bà Liên nói rồi nhớ lại, mẹ đã hy sinh tất cả để giúp cha tôi làm việc, nghe theo lời khuyên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng để về hưu sớm, chăm sóc và hỗ trợ cho cha tôi.

Mẹ chăn nuôi lợn gà, trồng rau, tự cắt quần áo cho cha mặc. Năm 1991, cha qua đời. Gia đình tổ chức tang lễ cha tại nhà riêng ở TP.HCM. Sự lựa chọn ấy là tâm nguyện của cha mẹ tôi, muốn được nằm dưới mái nhà đơn sơ của mình để được gần người thân, đồng đội.

Năm 2015, gia đình đã đưa di cốt của cha mẹ từ Nam quy tụ về Khu tưởng niệm của gia đình dưới chân núi Phượng Hoàng, xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội theo đúng ý nguyện của cha để con cháu có thể thường xuyên hương khói, chăm sóc mộ phần, bà Liên cho biết.

Người hai lần làm Bộ trưởng Bộ GTVT

Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ sinh năm 1917 tại huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Ông là vị tướng đầu tiên nhận nhiệm vụ làm Tư lệnh ngành GTVT và là người duy nhất hai lần làm Bộ trưởng Bộ GTVT trong giai đoạn 1960 -1974 (có thời gian kiêm luôn Tư lệnh và Chính ủy Đoàn 559 - bộ đội Trường Sơn- PV). Giai đoạn 1976 - 1980 ông là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GTVT. Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ là vị Tư lệnh đầu tiên của đường Trường Sơn huyền thoại. Con đường đã góp phần chi viện cho chiến trường miền Nam, thực hiện Nghị quyết 15/1/1959 của Trung ương Đảng là dùng bạo lực cách mạng giải phóng miền Nam.

Chia sẻ về ông Phan Trọng Tuệ trong dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành GTVT, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Bình Tâm cho biết: “Nghệ thuật lãnh đạo của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ vừa khéo léo thuyết phục, vừa dân chủ bàn bạc, nhưng cũng quyết đoán đúng lúc, đúng trường hợp và dám chịu trách nhiệm về những chủ trương quyết sách của mình. Ông đoàn kết được đông đảo cán bộ chính trị, khoa học - kỹ thuật, người trong Đảng và ngoài Đảng, biết động viên họ làm những việc tưởng chừng như không làm nổi. Ông nghiêm khắc với những sai sót của bản thân, nhưng khi xử lý kỷ luật cấp dưới lại rất thận trọng”.

Trong tâm khảm của nhiều người làm GTVT, hình ảnh Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ là sự kết hợp hài hòa của một Tư lệnh kiêm Chính ủy tài năng, sâu sắc và hết sức gần gũi. “Ông như một đầu mối lớn quy tụ, phát huy sức mạnh toàn ngành, liên kết chặt chẽ với các địa phương, phối hợp lực lượng dân sự và quân sự, huy động mọi nguồn nhân lực (kỹ sư và công nhân giao thông, bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến, nhân dân) và phương tiện sẵn có (quang gánh, gùi thồ, thuyền bè, tàu xe), thực hiện sáng tạo phương thức chiến tranh nhân dân trên mặt trận GTVT, làm nên sức mạnh tổng hợp góp phần vào thắng lợi chung”, nguyên Thứ trưởng Bình Tâm kể.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ, Bộ GTVT đã đề ra kế hoạch và phương án tổ chức lực lượng lao động, thiết bị, phương tiện, cơ sở cơ khí sửa chữa, lập kế hoạch dự trữ vật tư, chuẩn bị các phương án vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, đường sông, đường bộ, đường biển nhằm đảm bảo giao thông, đặc biệt là những tuyến đường chiến lược vận tải quân đội, lương thực, vũ khí, khí tài chi viện cho miền Nam, trọng điểm là các tuyến đường Đông và Tây Trường Sơn.

Từ tháng 3/1974 đến giữa năm 1976, ông thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT để làm Phó Thủ tướng, kiêm Thường trực Hội đồng Chi viện giải phóng miền Nam.

Ông Phan Trong Tuệ sau đó còn đảm nhiệm chức Bộ trưởng GTVT lần thứ hai. Khoảng tháng 10/1980, Bộ GTVT đã ra chủ trương phân cấp vận tải và quản lý đường sá giữa T.Ư với địa phương. Theo chủ trương này, lực lượng vận tải T.Ư là các ngành đường biển, đường sắt, đường sông và vận tải ô tô đường dài…  Dưới thời Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ, nhiều phong trào, khẩu hiệu thi đua được phát động. Trong đó, đặc biệt là đi đôi với việc chấn chỉnh bộ máy giúp việc, lãnh đạo Bộ rất quyết tâm tổ chức lại sản xuất - kinh doanh ở các đơn vị, với khẩu hiệu hành động: “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”. Sau này và cho đến bây giờ, câu khẩu hiệu trên vẫn trở thành phong trào thi đua lớn trong toàn ngành GTVT.

Tháng 2/1981, ông thôi chức Bộ trưởng. Như vậy, với hai lần đảm nhiệm Bộ trưởng, ông đã có tất cả là 17 năm 7 tháng là Bộ trưởng GTVT.

P.V

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.