Hạ tầng

Cầu Nguyễn Hữu Cảnh đứt cáp dự ứng lực ngầm, khắc phục thế nào?

30/09/2022, 08:27

Sở GTVT đã cấm các phương tiện qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh để thực hiện các biện pháp khắc phục đứt cáp dự ứng lực ngầm.

Vì sao có cáp dự ứng lực ngầm?

Trao đổi với Báo giao thông, ông Trương Tùng Bách, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía Nam - đơn vị thiết kế cầu Nguyễn Hữu Cảnh từ đầu cho biết cáp ngầm là một bộ phần kết cấu của cầu và đã được phê duyệt từ thiết kế ban đầu.

Cầu Nguyễn Hữu Cảnh được thiết kế và xây dựng từ những năm cuối của thế kỷ 20 và đưa vào khai thác năm 2002. Chủ đầu tư thời điểm đó là Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM.

img

Trụ cầu Nguyễn Hữu Cảnh có thế "chân Nai", tức hai chân dạng ra nên cần cáp dự ứng lực ngầm để níu lại.

Đặt câu hỏi vì sao sử dụng cáp dự ứng lực ngầm tại cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh? Ông Bách cho biết, phần lớn trụ của các cầu đều được thiết kế theo phương thẳng đứng và chịu lực đứng trên hệ thống cọc khoan nhồi.

Tuy nhiên, ở cầu Nguyễn Hữu Cảnh, thời đó để tạo cảnh quan đô thị khác lạ, thành phố đã chọn một thiết kế trụ cầu khác.

Thực ra, thiết kế của trụ cầu này với các nước trên thế giới không xa lạ gì. Kiểu thiết kế với hai trụ có chân với xu hướng cách xa nhau, mà dân xây dựng hay nói là kiểu “chân con Nai”.

Ở các nước, trụ này được thiết kế cho những cầu đi qua thung lũng, khi đó hai chân trụ đạp vào vách núi, lực tì sẽ tốt hơn.

Với cầu Nguyễn Hữu Cảnh, do xây dựng trong đô thị, không có vị trí vách tì, mà chỉ đứng trên dàn móng là hệ thống cọc khoan nhồi. Dàn móng cọc khoan nhồi bản chất chịu lực đứng là tốt nhất, còn lực ngang là sở đoản. Trong khi đó hai trụ “chân con Nai” có hướng lực ngang lớn.

Muốn khắc phục sở đoản này của móng cọc, phải đóng rất nhiều cọc khoan nhồi, nhưng điều này rất tốn kém, lãng phí.

Vì vậy đơn vị tư vấn đưa ra phương án dùng các bó cáp để kết nối hai chân trụ với nhau, chôn sâu dưới đất khoảng 2m. Vì vậy được gọi là cáp dự ứng lực ngầm.

Đứt cáp dự ứng lực ngầm có khắc phục được không?

Đối với sự cố cầu Nguyễn Hữu Cảnh, khi Sở GTVT bàn giao cho nhà thầu thi công đường ống, do không nắm rõ về kết cấu nên đào trúng cọng cáp dấn đến đứt.

Khi đứt cáp, hai trụ cầu có xu hướng xê dịch cách xa nhau, dàn móng sẽ chuyển vị khiến kết cấu khung sẽ bị oằn. Hệ thống dầm cũng sẽ bị xê dịch. Với tác động của các phương tiện nặng đi qua cầu, dầm sẽ có xu hướng bị oằn xuống.

Hệ thống ống nước đường thi công từ năm 2020 và hoàn thành từ tháng 3/2021 cũng với dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tức là thời gian gây sự cố đứt cáp có thể hơn một năm qua.

Ông Bách đánh giá sự cố này mặc dù chưa đến mức độ nguy hiểm là đổ sập tức thời nhưng chắc chắn là phải có dịch chuyển kết cấu. Nếu tiếp tục khai thác bình thường, phương tiện lưu thông liên tục bên trên sẽ làm kết cấu hư hỏng nặng thêm và dẫn tới tình huống xấu.

Hiện giờ, nếu quá trình chuyển vị các trụ móng chưa xảy ra vượt quá mức cho phép, vẫn có thể khắc phục bằng cách thay các bó cáp bị đứt lại.

"Tất nhiên, muốn làm được điều này phải có sự kiểm định kỹ càng. Kiểm định sẽ đánh giá chính xác chuyển vị, hiện nay kết cấu còn ổn hay không mới tính đến phương án khôi phục lại. Đối với các tình huống phát hiện sớm, khả năng khắc phục lại vẫn còn được.

Tuy nhiên, nếu những ngày vừa qua có xe quá tải chạy lên cầu thì sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề, nếu xuất hiện thêm các vết nứt ở dầm, quá trình khắc phục sẽ khó khăn hơn", ông Bách nói.

img

Tối 29/9 Sở GTVT TP.HCM đã cho đóng cầu Nguyễn Hữu Cảnh để khắc phục sự cố đứt cáp dự ứng lực ngầm

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, trong quá trình kiểm tra, khảo sát chuẩn bị cho công tác duy tu sửa chữa định kỳ, Ban đã phát hiện 4 bó cáp dự ứng lực được chôn sâu 1,8m - 2m thuộc công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị đứt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kết cấu, khả năng chịu lực của cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh và phải khẩn trương khắc phục.

Giải pháp khắc phục sơ bộ là tại 4 bó cáp dự ứng lực bị đứt, Ban sẽ dùng cáp giằng tạm, sau đó đưa ra phương án khắc phục triệt để sự cố.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.