Xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) được thành lập vào năm 1994 với diện tích tự nhiên khoảng 316km2. Xã được xem như một "ốc đảo", ngăn cách với các địa phương khác bởi sông Đồng Nai.
Trước khi có cầu, người dân xã phải đi phà ngang sang sông nên việc di chuyển, lưu thông hàng hóa gặp không ít khó khăn. Cuối năm 2021, cầu Thanh Sơn được thông xe đã chấm dứt cảnh “lụy phà” của người dân trong vùng.
Cầu Thanh Sơn khánh thành đã phá thế "ốc đảo" cho người dân các xã miền núi huyện Định Quán (Đồng Nai).
Xã miền núi “khoác áo mới”
Vào một buổi sáng trung tuần tháng 12, chúng tôi quay trở lại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, Đồng Nai). Sau gần 1 năm thông xe, cây cầu bê tông kiên cố đã thay thế cho bến phà nối đôi bờ sông Đồng Nai. Không những chấm dứt cảnh "luỵ phà", cây cầu đã tạo diện mạo mới về giao thông cho người dân trong xã.
Đứng tại cầu Thanh Sơn (xã Thanh Sơn) chúng tôi bắt gặp ô tô, xe máy hối hả chở hàng hóa nông sản tấp nập ra vào xã tỏa đi khắp xã. Chạy dọc các tuyến đường trong xã đường bê tông được thảm nhựa rộng ô tô, xe tải dập dìu qua lại.
Thật ngỡ ngàng với hạ tầng giao thông của vùng sâu vùng xa huyện miền núi khó khăn nhất huyện với nhiều thế hệ đồng bào dân tộc sinh sống. Ghi nhận cho thấy nay cuộc sống của người dân đã có bước thay đổi rõ nét. Những căn nhà lầu mới xây khang trang theo kiến trúc hiện đại không kém gì đường phố đô thị.
Đường được thảm nhựa khang trang tại các trục đường liên ấp ở xã Thanh Sơn.
Theo người dân trong xã, sau khi thông xe cầu mới người dân trong vùng rất phấn khởi. Sau gần 30 năm phải lụy phà để sang sông, người dân xã đảo Thanh đã được đi trên cây cầu bê tông khang trang, vững chắc thỏa niềm mơ ước hàng chục năm của bà con nơi đây.
Chị Trần Thị Hoa (đồng bào dân tộc Dao), ấp 3, xã Thanh Sơn cho biết, trước đây việc đi lại rất khó khăn, mùa mưa lũ đi phà nguy hiểm lắm. Cuối năm 2021 cầu bê tông lớn bắc qua sông được xây dựng xe cộ chạy thẳng qua cầu không phải tốn tiền phà.
“Khi không có cầu việc đi khám chữa bệnh chờ phà rất lâu và nguy hiểm trong mùa mưa lũ. Nay có cầu bà con trong vùng đi lại rất thuận lợi, an toàn”, chị Hoa nói.
Xây hàng rào điện ngăn voi rừng xâm nhập khu dân cư
Ngoài việc xây cầu, mở đường cho người dân trong vùng, tin vui tiếp tục đến với người dân xã Thanh Sơn khi tỉnh đang đầu tư xây dựng tuyến hàng rào điện ngăn xung đột giữa voi rừng với người khi voi thường xuyên về rẫy quậy phá nhiều năm qua.
Bà Nguyễn Thị Kim Hài (ấp 3, xã Thanh Sơn) cho biết, từ ngày có đường nhựa, xây cầu, cống bà con rất phấn khởi, việc vận chuyển nông sản thuận lợi đời sống bà con được nâng cao hẳn.
“Nhiều năm qua các ổng (đàn voi rừng - PV) thường xuyên xâm nhập nương rẫy phá hoại mùa màng gây thiệt hại nhiều tài sản. Nay ngành kiểm lâm đang triển khai xây dựng hàng rào điện ngăn ông Bồ về nên chúng tôi rất phấn khởi”, bà Hài cho hay.
Một đoạn hàng rào điện ngăn voi rừng xâm nhập khu dân cư qua xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).
Ông Lê Việt Dũng, phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện ngành Kiểm lâm đang triển khai giai đoạn 2 dự án hàng rào lưới điện ngăn voi rừng, động vật hoang dã xâm nhập khu dân cư các xã giáp ranh Khu bảo tồn, thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.
Hàng rào điện qua xã Thanh Sơn dài hơn 12km, đơn vị đã có mặt bằng thi công khoảng 6km. Hiện Chi cục đang phối hợp chặt với hai huyện Định Quán, Tân Phú đẩy nhanh công tác bàn giao mặt bằng.
“Nếu sớm được giao mặt bằng công tác thi công hàng rào điện sẽ hoàn thành trong vòng 3 tháng. Sau khi hoàn thành hàng rào sẽ phát huy hiệu quả cao ngăn xung đột giữa con người và voi đảm bảo cuộc sống bình yên của người dân giáp ranh Khu bảo tồn”, ông Dũng cho hay.
Bà Trần Thị Mỹ Phúc, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) cho biết, trước đây tại một số xóm ấp giao thông bị chia cắt vào mùa mưa, nước lũ chảy xiết, bà con đi lại trong rẫy rất nguy hiểm, đặc biệt là các em học sinh đi học.
Sau chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) nhiều tuyến đường bê tông nhựa đã được xây dựng.
Trên địa bàn xã có 14 đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Tày, Nùng, Hoa, Dao… chung sống nhiều năm qua. Khi có chủ trương làm đường, xây cầu người dân đều nhiệt tình ủng hộ góp ngày công, hiến đất làm đường.
“Sau khi cầu Thanh Sơn thông xe đã chấm dứt cảnh lụy phà đáp ứng nhu cầu đi lại vận chuyển hàng hóa của người dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế của địa phương.
Hiện xã đang tích cực phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện bàn giao mặt bằng làm hàng rào điện ngăn chặn voi rừng về khu dân cư gây thiệt hại tài sản của người dân", bà Phúc cho hay.
Theo thiết kế, cầu Thanh Sơn có chiều dài gần 200m gồm 6 nhịp dầm bêtông cốt thép; khổ cầu rộng 9m, mặt cầu rộng 7m, vận tốc lưu thông thiết kế đạt 60km/h. Dự án được khởi công từ tháng 8/2020, tổng vốn đầu tư hơn 138 tỉ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận