Cầu treo chợ Bộng qua sông Ngàn Sâu nằm trên tuyến ĐT552 nối một bên là xã Đức Lạng (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) với một bên là huyện Vũ Quang. Do tuyến đường chạy thẳng vào chợ Bộng nên dù cầu đã yếu, ngành chức năng đã cấm ô tô lưu thông qua cầu nhưng lưu lượng người, xe máy, xe đạp đi lại vẫn rất đông.
Tuy nhiên, theo quan sát, cả một khu vực đất rộng lớn và cây cối nằm sát ngay chân cầu phía xã Đức Lạng bị sạt lở nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, dòng nước chảy bào mòn lớp đất cát phía dưới sông khiến cho khu vực vừa bị sạt lở đang tạo thành hàm ếch có thể tiếp tục sạt lở thêm bất cứ lúc nào.
Bà Đinh Thị Bảy (80 tuổi, trú ở thôn Vĩnh Yên, xã Đức Lạng) cho biết: Chỗ sạt lở này nằm trong phần đất vườn nhà tôi. Tình trạng sạt lở hàm ếch bắt đầu diễn ra từ hồi cuối năm 2019. “Ra Tết được ít hôm, tôi đang ở trong nhà thì giật mình bởi một tiếng động lớn phía trước vườn. Khi chạy ra tới nơi thì một phần đất rộng và cả một khóm tre đã bị đổ sập xuống dòng sông, nước chảy đục ngầu. Sợ quá, tôi chỉ biết chạy vào nhà vào nhà đứng nhìn từ xa”, bà Bảy nhớ lại.
Cũng theo bà Bảy, nếu tình trạng sạt lở không được xử lý sớm thì không chỉ nhà bà mà cả cầu treo chợ Bộng cũng “theo sông về với biển”. “Cầu treo chợ Bộng được xây dựng và hoàn thành vào năm 1996. Đến nay cầu rất yếu, phía dưới chân cầu lại là đất cát rất dễ bị sạt lở”, bà Bảy lo lắng.
Theo người dân địa phương, nhiều năm trước, một đơn vị khai thác cát cách khu vực sạt lở không xa. Dù việc khai thác đã kết thúc nhưng có thể, do tác động của quá trình khai thác làm thay đổi dòng chảy, dẫn đến việc sạt lở lòng sông. Điều người dân địa phương mong mỏi nhất lúc này là chính quyền sớm có biện pháp khắc phục tình trạng sạt lở ở khu vực gần châu cầu, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.
Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Đức Lạng cho biết thêm, sau hơn 20 năm đưa vào sử dụng, đến nay cầu treo chợ Bộng đã cũ và yếu. Hiện, chỉ cho xe thô sơ đi qua và xây dựng cầu bê tông mới cách đó không xa. Tuy nhiên, 300 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu của xã Đức Lạng vẫn thường xuyên qua cầu này để vào chợ buôn bán. Đặc biệt, khu vực này thấp trũng nên về mùa mưa lũ rất dễ bị cô lập, lúc đó cầu treo là lối ra duy nhất.
“Sạt lở không chỉ mỗi đoạn gần chân cầu mà ở nhiều điểm khác. Do ngân sách không có nên xã đã báo cáo thực trạng lên UBND huyện. Vừa qua, ngành chức năng cũng đã xây dựng kè ở một số điểm. Rất mong đoạn gần chân cầu cũng sớm được xây dựng để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại, nhất là khi mùa mưa lũ về”, ông Hiệp cho biết.
Ông Đặng Giang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: “UBND huyện đã giao cho Ban QLDA xây dựng cơ bản của huyện lập dự án, tổ chức đấu thầu để làm kè bảo vệ đất của người dân và chân cầu treo”. Trong khi đó, một lãnh đạo Sở GTVT Hà Tĩnh cũng cho biết, hiện Sở đang cho anh em rà soát lại để xem tình hình sạt lở có ảnh hưởng đến mố cầu hay không, từ đó có phương án bảo vệ cầu.
“Trước đây, Sở cũng đã đề nghị cho tháo dỡ cầu treo chợ Bộng do cầu đã xây dựng từ lâu nên giờ đã yếu và đã có cầu mới thay thế gần đó. Tuy nhiên, UBND huyện Đức Thọ có nguyện vọng để lại làm cầu dân sinh cho bà con đi lại. Sở đang cho đánh giá lại tình hình của cầu như thế nào để có phương án phù hợp”, vị lãnh đạo nói trên cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận