Chất lượng sống

Cay đắng hơn 80% dược liệu nhập từ Trung Quốc

11/06/2016, 14:13

Tại sao trong khi nguồn dược liệu nhập khẩu lên đến 80%, các sản phẩm dược liệu không tìm được nguồn tiêu thụ?

2_1534164

 

Tại sao trong khi nguồn dược liệu nhập khẩu lên đến 80%, mà các sản phẩm dược liệu nuôi trồng trong nước lại không tìm được nguồn tiêu thụ? Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đặt câu hỏi trên tại buổi Tọa đàm về Phát triển nguồn dược liệu bền vững, tổ chức sáng 8/6.

Dược liệu nhập khẩu lấn át

Theo PGS. TS. Trần Văn Ơn, Giám đốc Công ty Pharma (Bộ Y tế), kể từ khi mở cửa, phát triển nền kinh tế thị trường, nguồn dược liệu nước ngoài tràn vào nước ta dẫn đến việc phát triển dược liệu ở VN đi vào thoái trào, không thể cạnh tranh được với dược liệu nhập khẩu. Nhiều vùng trồng dược liệu trước đây dần suy giảm và biến mất.

Theo thống kê của Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), hàng năm ngành Dược sử dụng khoảng 60 nghìn tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80-85% dược liệu được nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Trong khi Việt Nam sở hữu hơn 12 nghìn loài thực vật, trong đó có tới 4 nghìn loại cho công dụng làm thuốc; thậm chí còn có giá trị kinh tế cao.

Lý giải về nghịch lý này, ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền cho biết, giá thành dược liệu trong nước không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Chỉ đơn cử như loại lục bình tía, mặc dù trong nước hoàn toàn có thể nuôi trồng được, nhưng không ai nuôi trồng cả vì tính chi phí giá thành cao hơn hàng nhập từ Trung Quốc.

Theo ông Khánh, nguồn dược liệu Trung Quốc nhập về chia thành 2 loại: Nông sản “dược” có giá rất rẻ gồm những dược liệu đã tách, chiết xuất tinh chất… Còn loại thứ 2 là dược liệu (đúng nghĩa) thì giá thành rất cao. Điều đáng nói, nguồn nông sản “dược” thường được nhập qua các con đường tiểu ngạch biên giới không thể kiểm soát đã khiến thị trường dược liệu trong nước lao đao.

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Hà Nội, nguyên nhân khiến nguồn dược liệu trong nước “lép vế” còn vì tình trạng khai thác dược liệu tự nhiên quá mức không đi đôi với bảo tồn, tái tạo. Cùng đó là cách làm manh mún, tự phát, thiếu liên kết và thị trường dược liệu không ổn định khiến việc phát triển các vùng nguyên liệu gặp nhiều khó khăn. “Điều quan trọng là dược liệu không được sản xuất theo quy trình, chưa được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, nuôi trồng đến thu hái, chế biến, bảo quản… cũng ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu”, bà Bình cho biết.

HIANH060

Nhiều DN đã triển khai xây dựng chuỗi dược liệu nội địa trong sản xuất dược

Được biết, hiện cả nước có 322 đơn vị, cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu nhưng mới chỉ có 12 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP - WHO. Trong khi thị phần thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 10% nhu cầu sử dụng trong nước. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng nguồn dược liệu từ thiên nhiên là rất lớn, vẫn đang bỏ ngỏ.

Cần xây dựng chuỗi liên kết

Theo bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco, trong số hơn 3 nghìn tấn dược liệu công ty tiêu thụ mỗi năm, đến nay, 100% dược liệu được xác định rõ nguồn gốc, hơn 90% là dược liệu trong nước. Riêng Traphaco đã chủ động xây dựng tạo lập được vùng trồng nguyên liệu dược phục vụ sản xuất theo liên kết “4 nhà” (nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp và nhà nông). Với 100ha đinh lăng trồng trên nhiều tỉnh, thành, 50ha Atiso trồng tại Sapa và hàng nghìn ha dược liệu được quy hoạch vùng thu hái gồm: Rau đắng Phú Yên, chè dây Lào Cai, đương quy, bìm bịp, hà thủ ô… đã giúp Traphaco chủ động được nguồn dược liệu. Cùng với Traphaco, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã xây dựng chuỗi dược liệu nội địa trong sản xuất như KD Pharma, Dược T.Ư Mediplantex…

Nhằm phát triển nguồn dược liệu bền vững, ông Trần Văn Ơn đề xuất thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp trồng trọt và cung ứng dược liệu Việt Nam. Qua đó, xây dựng các mối liên kết trong và ngoài chuỗi, phân công vùng trồng nguyên liệu nhằm tránh tình trạng thừa - thiếu…

Còn theo ông Lê Văn Sản, Công ty CP Nam Dược, để phát triển bền vững nguồn nguyên liệu dược trong nước, Bộ Y tế cần có hành lang chính sách khuyến khích các đơn vị làm dược liêu theo tiêu chuẩn GACP - WHO.

Đồng thời, cần quản lý nguồn dược liệu nhập khẩu, bởi chính nguồn dược liệu kém chất lượng, giả mạo lưu thông trên thị trường với nhiều mức giá khác nhau đã khiến nguồn dược liệu trong nước khó cạnh tranh sòng phẳng. “Việc kiểm soát hàng tiểu ngạch, nhập lậu, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng dược liệu chính là việc cần làm để đảm bảo công bằng trong phát triển nguồn dược liệu nội địa”, ông Sản cho biết.

Mục tiêu phát triển nguồn dược liệu trong nước đến năm 2020 đáp ứng 60%, đến 2030 là 80% tổng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước, tăng cường xuất khẩu dược liệu và sản phẩm từ dược liệu trong nước.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loại dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên, với mục tiêu cung ứng khoảng 100 nghìn tấn dược liệu từ nguồn trồng trọt vào năm 2030.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.