Nguyên nhân cây xăng "càng bán càng lỗ" là gì?
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính về “chi phí kinh doanh xăng dầu”. Theo đơn vị này, hiện các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như Premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí vận tải tạo nguồn trong nước, chi phí định mức... chưa được kết cấu đủ trong giá cơ sở từ chu kỳ điều hành giá ngày 11/7/2022 đến nay (theo quy định của Nghị định 95).
Điều này đã tạo ra khó khăn rất lớn đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc chia sẻ thù lao, chiết khấu cho các thương nhân nhận quyền bán lẻ, thương nhân phân phối.
Hệ quả là rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rơi vào tình trạng lỗ, không có đủ nguồn lực để bù đắp chi phí thực tế phát sinh;
Chi phí kinh doanh xăng dầu đã áp dụng từ năm 2014 đã không còn phù hợp, là nguyên nhân khiến thị trường xáo trộn thời gian qua
Dẫn đến, các thương nhân nhận quyền bán lẻ, thương nhân phân phối hoạt động cầm chừng, tiềm ẩn nguy cơ cao gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung trên thị trường phân phối xăng dầu nội địa, gây bất ổn cho hoạt động sản xuất của nền kinh tế và nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do Bộ Tài chính xác định và thông báo hàng năm để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu. Các chi phí này đã được áp dụng từ năm 2014 nên các doanh nghiệp đánh giá đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Do đó, để ổn định nguồn cung xăng dầu, cũng như bù đắp đủ chi phí kinh doanh và không phát sinh lỗ cho các thương nhân đầu mối, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Petrolimex đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh theo hướng phản ánh đầy đủ các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở nêu tại chu kỳ điều hành giá sớm nhất tiếp theo.
Về vấn đề này, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, họ cũng đã có báo cáo phân tích về phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu quy định tại Thông tư số 104 của Bộ Tài chính.
Cụ thể, Khoản 4 Điều 6 có nêu: “Định kỳ ngày 10/1, ngày 10/7 hàng năm (trường hợp trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định thì lùi sang ngày làm việc tiếp theo), Bộ Tài chính thông báo khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để Bộ Công thương áp dụng, tính toán giả cơ sở”.
Còn Khoản 3 Điều 7 nêu: “Định kỳ trước ngày 1/7 hàng năm, Bộ Tài chính thông báo chi phí kinh doanh định mức để Bộ Công thương áp dụng, tính toán trong công thức giả cơ sở xăng dầu.
Tuy nhiên, phản ánh từ các thương nhân đầu mối cho thấy, đến thời điểm điều chỉnh định kỳ, nhưng các khoản chi phí trên vẫn giữ nguyên và không được thay đổi cho phù hợp với thực tiễn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong sáu tháng cuối năm 2022.
Bởi lẽ, thực tế, theo Hiệp hội xăng dầu, 6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của địa chính trị khiến giá sản phẩm tăng cao, dẫn đến khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng cũng tăng theo.
Ngoài ra, chi phí kinh doanh định mức của một số thương nhân đầu mối lớn theo kết quả kiểm toán năm 2021 tăng, do những chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ tăng.
Từ đầu năm 2022, phản hồi tới Báo Giao thông, nhiều chủ cây xăng cho biết, họ luôn trong tình trạng càng bán càng lỗ do chiếu khấu quá thấp, chỉ tính bằng “đồng con”, thậm chí bằng 0 đồng. Chiết khấu không bù được chi phí vận chuyển, nhân công, vận hành,...khiến mỗi lít xăng bán ra, chủ cửa hàng phải bù lỗ từ 250-1.000 đồng, phụ thuộc vào biến động giá thế giới.
Bộ Công thương đã nhiều lần kiến nghị
Thừa nhận đây là thực tế đang diễn ra trên thị trường xăng dầu, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, Bộ này đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên, vấn đề này đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo Vụ thị trường trong nước, ngay từ thời điểm tháng 2/2022, khi giá xăng dầu có biến động mạnh, Bộ Công thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các loại chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức (do đã áp dụng từ năm 2014), chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, Premium trong nước.
Tiếp đó, đến tháng 7, Bộ này cũng đã tiếp tục nêu quan điểm với Bộ Tài chính về vấn đề trên. Lần này, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính có báo cáo tổng hợp về các loại chi phí nêu trên.
Kinh doanh thua lỗ, nhiều cây xăng xin tạm nghỉ bán hàng, hoặc bán hàng nhỏ giọt
Đến tháng 8 vừa qua, khi thị trường xăng dầu tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngừng bán hàng, một số doanh nghiệp đề xuất việc tạm dừng kinh doanh do khó khăn về nguồn hàng và không bảo đảm lợi nhuận kinh doanh, Bộ Công thương tiếp tục có ý kiến với Bộ Tài chính về việc điều chỉnh một số khoản chi phí trong giá cơ sở xăng dầu.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ mới điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo thực tế mà chưa điều chỉnh mức premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc đầu trong nước về đến cảng theo thực tế rà soát.
“Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu, dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường”, Vụ thị trường trong nước nhận định.
Gần đây nhất, ngay tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước diễn ra ngày 31/8/2022, Tổ điều hành thị trường trong nước một lần nữa đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo cho Bộ Công thương về việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận