Ứng dụng kết nối 3 bên
Aplus Home là nền tảng công nghệ bất động sản thuộc hệ sinh thái Beta Group, tập đoàn đa ngành gồm tổ hợp các dịch vụ giải trí, nhà ở, giáo dục và đầu tư có trụ sở tại Hoàng Mai, Hà Nội.
Nếu như Beta Group nổi lên với chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh Doco Donuts & Coffee hay chuỗi rạp phim nhượng quyền gắn với tên tuổi doanh nhân Bùi Quang Minh (Shark Minh) thì Aplus Home được biết đến bởi thương vụ gọi vốn lịch sử SharkTank Việt Nam với 2 triệu USD từ Shark Hưng.
Aplus Home là nền tảng công nghệ gắn liền với hoạt động cho thuê căn hộ dịch vụ, nhà trọ cao cấp, kết nối 3 bên giữa nhà đầu tư riêng lẻ, chủ nhà và người thuê phòng. Aplus Home có 3 mô hình kinh doanh chính: Aplus Life, Aplus Home, Aplus Choice.
Aplus Life là sàn giao dịch đầu tư ngang hàng vào căn hộ cho thuê dành cho những người có tài chính nhàn rỗi. Nhà đầu tư bỏ tiền thuê nhà và đầu tư tiền cho Aplus setup nội thất căn hộ, tổ chức vận hành, khai thác cho thuê trên nền tảng công nghệ.
Với mô hình Aplus Life, nhà đầu tư được cam kết hoàn dần khoản tiền vốn đã đầu tư vào từng dự án bằng cách trả tiền hàng tháng theo thời gian hai bên đã cam kết, cho tới khi số vốn hoàn hết cho nhà đầu tư. Từ đó trở đi, phần lợi nhuận phát sinh sẽ được chia theo thỏa thuận giữa 2 bên theo tỷ lệ quy định cho mỗi dự án.
Còn Aplus Home là dịch vụ quản lý vận hành trọn gói, Aplus Choice là dịch vụ thuê nguyên toà nhà và cho thuê lại từng phòng khá truyền thống.
Trong tất cả mô hình thì Aplus Home giữ vai trò kết nối, setup nội thất theo concept, vận hành và đảm bảo hiệu quả kinh doanh nhờ vào thương hiệu, công nghệ và sự chuyên nghiệp trong vận hành theo chuỗi.
Cả ba mô hình kinh doanh này phù hợp với ba đối tượng phổ biến nhất trên thị trường là nhà đầu tư có tiền, chủ nhà có nhà cho thuê nguyên căn hoặc chủ nhà cần dịch vụ quản lý vận hành, kinh doanh toà nhà trọn gói.
Đối tượng khách thuê mà Aplus Home hướng tới là học sinh, sinh viên, người trẻ mới đi làm có độ tuổi từ 18-35 với giá thuê từ 4 - 8 triệu đồng/ phòng có thể ở từ 1 - 3 người.
Vừa qua, Aplus Home vượt qua 2.146 công ty khởi nghiệp từ 34 quốc gia, lọt top 50 cuộc thi khởi nghiệp lớn nhất Đông Nam Á StartupWheel 202. Đồng thời cũng xuất sắc lọt top 10 cuộc thi khởi nghiệp quốc tế do Tập đoàn SK Group tổ chức.
Bà Vũ Thị Kẹo (chủ căn nhà 5 tầng cho thuê ở số 10A Hoàng Cầu, Hà Nội) cho biết, khách hàng thuê nhà do Aplus Home đưa tới khá nghiêm túc, không có hiện tượng ra vào lộm nhộm gây mất trật tự như trước đây bà tự vận hành. Khách thuê trọ hầu hết là người đi làm và sinh viên ở ổn định nên bà Kẹo được Aplus Home trả tiền thuê đầy đủ.
"Cứ hết tháng là được nhận tiền cho thuê nhà mà không phải lo kiếm khách trọ, lau dọn như trước", bà Kẹo nói.
Còn Khánh Linh, sinh viên trường Cao đẳng FPT cho biết, rất hài lòng khi được sử dụng máy giặt, lò vi sóng, điều hoà như ở nhà mà không phải trả thêm chi phí. Khi có sự cố, chỉ cần thông báo trên ứng dụng, nhân viên bảo trì của Aplus Home nhanh chóng có mặt hỗ trợ.
Nhờ sự gần gũi, tối đa hóa lợi ích ba bên, Aplus Home trở thành đối tác của nhiều sinh viên, người đi làm và chủ các toà nhà, căn hộ, nhà trọ. Sự tin tưởng đó giúp Aplus Home tăng doanh thu từ vài trăm triệu đồng năm ra đời 2021 lên 7 tỷ đồng vào năm 2022.
Tính hết 6 tháng đầu năm 2023, Aplus Home đạt doanh thu 12 tỷ đồng. Dự kiến, năm nay, công ty sẽ đạt doanh thu 35 tỷ đồng. Trong đó, 70% doanh thu đến từ dịch vụ cho thuê phòng, 25% đến từ việc quản lý vận hành, 5% còn lại chính là dịch vụ giá trị gia tăng.
Bạn đồng hành của sinh viên, người lao động
Chia sẻ với Báo Giao thông, Giám đốc điều hành Đào Quý Phi khoe, Aplus Home đang có hơn 800 phòng có khách thuê với tỷ lệ lấp đầy trung bình luôn trên 95%, 88 dự án đang chờ đầu tư, chuyển nhượng. Điều này giúp doanh thu Aplus Home bình quân mỗi tháng khoảng hơn 4 tỷ đồng.
"Khác biệt lớn nhất của Aplus Home với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường là mô hình phát triển theo chuỗi khá tương tự "kỳ lân OYO" nhưng tập trung vào dịch vụ vận hành chuyên nghiệp với ứng dụng công nghệ cho đến concept nội thất trẻ trung hiện đại.
Mô hình kết nối đầu tư 1-1 giữa chủ nhà và nhà đầu tư riêng lẻ với cam kết hoàn vốn rõ ràng, pháp lý do nhà đầu tư đứng tên địa điểm kinh doanh. Những điều đó giúp khách hàng, đối tác của Aplus Home tin tưởng", anh Phi cho hay.
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng nên Aplus Home, Giám đốc điều hành Aplus Home kể, anh và những cộng sự đều từng trải qua nhiều năm đi thuê trọ. 5 năm sinh viên cho tới những năm đầu đi làm, anh thấm thía những gì mà người thuê trọ phải trải qua, phải sống trong những căn nhà trọ chật chội, tù túng với đủ các thứ mùi ẩm thấp, hôi hám.
Năm 2003, anh hồ hởi khi tìm được phòng trọ giá rẻ nhưng phải dọn đồ chuyển đi gấp bởi ông chủ nhà trọ có hiện tượng quấy rối người thuê trọ. Từ đó, anh nung nấu về một giải pháp công nghệ kết hợp mô hình quản lý đầu tư phòng trọ phục vụ cho người thuê nhà có được môi trường sống lành mạnh, tiện nghi, giá phù hợp.
Khởi nghiệp đầy nhiệt huyết và hy vọng nhưng "cơn bão" Covid-19 ập đến khiến con tàu Aplus chao đảo. Đầu tư vào các nền tảng công nghệ đòi hỏi vốn lớn nhưng các kênh huy động lúc đó hầu như đóng băng. Các quỹ đầu tư thu mình lại, nhà đầu tư không giải ngân tiếp khiến Aplus Homes không có tiền để phát triển.
Các địa điểm kinh doanh lúc đó vẫn hiệu quả bởi nhu cầu đi thuê là rất lớn nhưng nguồn lực tài chính trong dân đang kìm nén để chờ kênh đầu tư hợp lý. Bối cảnh đó đã buộc Aplus Homes phải cắt giảm tới 70% nhân sự và chi phí sale và marketing. Đồng thời, giảm đầu tư cho công nghệ, tối ưu lại hiệu quả sử dụng vốn, tập trung phát triển các địa điểm cho thuê.
Với quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo, Aplus Homes đã từng bước vượt qua bão táp để hướng đến mục tiêu năm 2030 đạt số lượng 10 triệu khách hàng.
Công ty không chỉ phục vụ đối tượng sinh viên mà mong muốn trở thành bạn đồng hành của công nhân và những người yếu thế trong xã hội. Ngoài ra, Aplus Home kỳ vọng đưa mô hình này xuất ngoại bởi nó đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Ấn Độ, Thái Lan.
Ấn tượng với những con số mà startup đã chia sẻ, Shark Bình đề nghị đầu tư 2 triệu USD đổi lấy 25% cổ phần, tương đương pre-money (định giá doanh nghiệp trước khi rót vốn) là 6 triệu USD.
Sau khi cân nhắc, Shark Hưng cho biết ông sẽ đầu tư 2 triệu USD cho Aplus, trong đó 500 nghìn USD đổi lấy 4% cổ phần (tương đương giới hạn định giá là 12 triệu USD); 1,5 triệu USD là tiền đầu tư với điều kiện hoàn vốn trong vòng 24 tháng. Nếu startup đạt được điều kiện đó, 1,5 triệu USD này sẽ được chuyển thành cổ phần với định giá doanh nghiệp cao nhất là 20 triệu USD.
Cuối cùng, Đào Quý Phi chấp nhận đề nghị của Shark Hưng, khép lại thương vụ lớn nhất từ đầu Shark Tank mùa 6 với khoản đầu tư 2 triệu USD.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận