Tài chính

CEO VPBank gửi thông điệp tới nhà đầu tư về ảnh hưởng của Covid-19

09/04/2020, 18:40

Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ông Nguyễn Đức Vinh vừa có thông điệp gửi tới nhà đầu tư về ảnh hưởng của Covid-19.

img
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP VPBank.

Ông Nguyễn Đức Vinh cho hay, thời gian qua, Ban lãnh đạo VPBank đã nhanh chóng triển khai một loạt các biện pháp nhằm kịp thời ứng phó với tình hình diễn biến ngày một phức tạp của dịch bệnh.

Cụ thể, ngân hàng đã thành lập Ban chỉ đạo ứng phó dịch bệnh và kích hoạt Kế hoạch kinh doanh liên tục (BCP) ngay từ tháng đầu tháng 2/2020 vừa ưu tiên bảo vệ an toàn sức khỏe nhân viên, vừa đáp ứng nguồn lực phục vụ hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tiến hành kiểm tra sức chịu đựng trong các tình tình huống căng thẳng (stressed scenarios); rà soát các giải pháp tối ưu hóa chi phí, giảm và hoãn các dự án, công việc chưa thiết yếu… nhằm tập trung giảm chi phí vận hành; Tăng cường các hoạt động thu hồi nợ và cấu trúc nợ...

Ngoài ra, ngân hàng cũng thực hiện các hoạt động chia sẻ trách nhiệm xã hội (điển hình là cùng FE Credit ủng hộ 15 tỷ đồng cho công tác phòng dịch) và nhanh chóng đưa ra nhiều gói hỗ trợ giảm lãi suất và tập trung cấu trúc nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng.

Cụ thể, ngân hàng giảm lãi suất tới 1,5%/năm cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19; giãn nợ, tái cấu trúc nợ cho doanh nghiệp. Cuối tháng 3 vừa qua, VPBank công bố tiếp gói hỗ trợ thứ 2 với mức giảm lãi suất tới 2%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp có lịch sử trả nợ và xếp hạng tín dụng tốt. Đối với khách hàng cá nhân, VPBank áp dụng mức giảm tối đa 3% với thời gian hỗ trợ ban đầu từ 3-6 tháng tùy theo các gói vay.

Ở mảng tài chính tiêu dùng, FE Credit cũng triển khai gói hỗ trợ khách hàng, miễn trừ tới 10% tổng lãi trả góp hàng tháng hay miễn giảm một phần lãi cho khách hàng thuộc nhóm nợ từ 2 đến 5.

Theo lãnh đạo VPBank, tính đến đầu tháng 4/2020, VPBank có nhiều khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp đã nộp hồ sơ xin cấu trúc lại khoản vay do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, số lượng khách hàng và dư nợ xin được cơ cấu chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng danh mục của Ngân hàng. Do vậy, tác động thực tế của Covid-19 vẫn còn khá nhỏ.

“Hiện tại, rất khó để đánh giá ảnh hưởng tổng thể lên danh mục tài sản, tuy nhiên, VPBank đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ khách hàng, tái cấu trúc khoản nợ một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất”, CEO Nguyễn Đức Vinh cho biết.

Cũng theo lãnh đạo VPBank, ngân hàng đã đẩy mạnh khuyến khích khách hàng giao dịch không dùng tiền mặt với nhiều ưu đãi khi giao dịch. Theo đó, kết thúc quý I/2020, giá trị giao dịch qua các kênh số hóa đã tăng 25% và số lượng giao dịch tăng 50% so với cùng kỳ.

“Mặc dù có bị ảnh hưởng ban đầu bởi Covid-19 nhưng VPBank vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2020 về tăng trưởng tín dụng, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất”, ông Vinh cập nhật cơ bản tình hình kinh doanh.

Dù vậy, người đứng đầu Ban điều hành VPBank cũng nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh còn ẩn chứa nhiều diễn biến phức tạp, các mục tiêu kinh doanh cả năm 2020 thực sự là thách thức không nhỏ với ngân hàng.

“Hiện nay các kịch bản ứng phó cho các tình huống khống chế dịch bệnh được xây dựng để có phương án ứng xử kinh doanh, vận hành hiệu quả nhất. VPBank hy vọng kịch bản lạc quan với sự ổn định của tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và các nước vào cuối quý II/2020 và các hoạt động phục hồi cuộc sống và kinh tế sẽ diễn ra sau đó. Đây sẽ là cơ hội để sản xuất kinh doanh phục hồi và từ đó ngân hàng lấy lại đà tăng trưởng”, Tổng giám đốc VPBank nhận định.

Trong tình huống bệnh dịch kéo dài sang quý III hoặc muộn hơn, và kinh tế tiếp tục đình trệ, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh, mục tiêu của VPBank là đảm bảo an toàn vốn, tài sản và ổn định nguồn thu cùng với việc triệt để tiết kiệm chi phí đảm bảo ngân hàng có đủ thanh khoản và sẵn sàng ứng phó với các rủi ro phát sinh. Song song với đó, ngân hàng chủ động đánh giá và lên các kế hoạch thúc đẩy kinh doanh chuẩn bị cho hậu Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.