Ông Thành cho rằng đóng một con thuyền bất cứ công đoạn nào cũng quan trọng. - Ảnh: V.N |
Tiếng cưa máy vang rền, xen tiếng búa đinh, cắt xẻ… Gần trưa, không khí lao động xưởng ông Thành vẫn khẩn trương, tấp nập. Vạm vỡ và nhanh nhẹn, ông Thành thoăn thoắt “thuần phục” những thớ gỗ gân chắc, bo khung sườn, hình hài con tàu công suất lớn. Ông Thành bảo: Mỗi loại tàu có một cách thiết kế riêng như tàu câu mực hoặc tàu đánh lưới những chi tiết thân vỏ và hệ thống đánh bắt khác nhau nên khi đóng phải đúng quy chuẩn, thích hợp mới đạt hiệu quả tốt nhất. Công đoạn đóng tàu rất phức tạp, đòi hỏi sức thủ công phần lớn, phần việc nào người làm cần sự tỉ mỉ, tận tâm. “Trên bờ hư còn sửa chữa kịp thời. Chứ giữa biển khơi mênh mông, có sự cố gì thì nguy hiểm lắm. Không ai dám đánh đổi chất lượng đâu”, ông Thành nói.
Sinh ra tại xã Duy Vinh, vùng đất có truyền thống đi biển, đánh bắt xa bờ nhưng ông Thành sớm chọn cho mình ngã rẽ gắn bó với nghề biển trên bờ. Năm 16 tuổi, ông Thành khăn gói ra Đà Nẵng học việc rồi làm thợ cho những đà đóng tàu trên địa bàn trước khi về lập nghiệp ở quê hương. Trực tiếp tư vấn cho các chủ tàu thuyền, ông Thành động viên ngư dân cố gắng đầu tư những con tàu công suất lớn vừa đánh bắt hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn. “Làng đi biển bao đời nhưng phần lớn là tàu nhỏ. Mùa thiên tai nhiều gia đình lo đến bạc đầu. Thay vì từng người đóng tàu nhỏ, vài ba hộ hùn hạp lại có thêm con tàu lớn”, ông Thành nói.
Ngày ngư dân Huỳnh Văn Tạo (Núi Thành, Quảng Nam) mở chuyến biển đầu tiên con tàu công suất 500CV được đóng mới từ xưởng ông Thành ai cũng hồi hộp. Đúng như kỳ vọng, các chuyến biển liên tục trúng đậm. Ông Tạo mạnh dạn đầu tư, đóng mới hai chiếc tàu khác với tổng công suất 1.050CV, thành đội tàu đầu tiên của xã, ngang dọc khắp các vùng biển chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. “Tàu lớn đi lại dễ dàng, rút ngắn thời gian, trữ đá, dầu và hải sản rất tốt. Đặc biệt, ngư dân không còn lo lắng khi gặp thiên tai, bão tố”, ông Tạo nói.
Tiếng lành đồn xa, ngư dân kéo đến đặt hàng ông Thành càng nhiều. Con tàu QNa 90170, được xem là con tàu khủng nhất đất Quảng do hai cậu cháu ngư dân Võ Công Thảo và Nguyễn Đức Vỹ (Núi Thành, Quảng Nam) làm chủ với thiết kế ba máy chính, công suất gần 1.100CV được hạ thủy những ngày đầu năm mới.
Ông Trần Quang Kiếng, Phó cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam đánh giá: Các mô hình tổ đội liên kết ngày càng được nhân rộng. Ngư dân có xu hướng đóng tàu mới, công suất cao để nâng cao năng suất, hiệu quả và đặc biệt an toàn hơn khi đánh bắt trên biển. Những xưởng đóng tàu như của ông Thành rất thiết thực, không chỉ uy tín, mà còn đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật nên thu hút rất nhiều ngư dân. Thêm những con tàu mới hạ thủy, càng góp phần khẳng định, giữ gìn vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa chủ quyền của Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận