Bác sĩ khám cho trẻ mắc bệnh hô hấp, biến chứng viêm phổi |
Cha mẹ bất cẩn, con viêm phổi nặng
Đưa cậu con trai mới 12 tháng tuổi đến khoa Nhi, BV Bạch Mai khám, chị Nguyễn Thị T. (Hoàng Mai, Hà Nội) được bác sĩ yêu cầu phải cho nhập viện điều trị ngay vì bé đã có dấu hiệu viêm phổi. Khá bất ngờ với kết luận này, chị T. phân bua: “Thấy con húng hắng ho, em đã mua thuốc cho uống ngay, uống được hai ngày thì cháu sốt. Sao chuyển viêm phổi nhanh thế”.
Ngồi chờ đến lượt khám bên cạnh là trường hợp bé trai mới 9 tháng tuổi, nằm thiêm thiếp trên tay mẹ. Chị Hoàng Thanh P. (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, ban đầu thấy cháu sổ mũi, rồi ho, được 3 ngày ho nặng tiếng nên đã cho uống thuốc theo đơn kê của bác sĩ từ lần trước. Cho con uống được 3 ngày không thấy đỡ, thấy con mệt hơn, lại sốt cao nên gia đình quyết định đưa con đi viện khám.
BS. Trương Văn Quý, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Mỗi ngày, các bác sĩ tại khoa Nhi tiếp nhận khám khoảng 400-500 trẻ, trong đó 1/4 là các bệnh liên quan đến hô hấp, viêm phổi. Vì đây là thời điểm giao mùa nên lượng bệnh nhi đến khám tăng gấp 1,3-1,5 lần và chủ yếu là các bệnh liên quan đến hô hấp”.
Cũng theo cảnh báo của BS. Quý, đáng tiếc là nhiều trường hợp đưa tới khám chữa bệnh rất muộn. Thậm chí, có trẻ khi vào nhập viện phải chỉ định ngay thở máy điều trị viêm phổi nặng, viêm tiểu phế quản.
Theo BS. Quý, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong điều trị lại bắt nguồn từ chính sự “vô ý” của cha mẹ trẻ. Với các trường đến khám được ghi nhận, trước khi đưa trẻ đi khám, gia đình thấy con bị ho, sốt đã tự ý đi mua thuốc về cho con dùng. Các gia đình có thể đã mua theo đơn lần điều trị trước hoặc tự ý ra hiệu thuốc hỏi mua thuốc cho con điều trị, chỉ đến khi bệnh trở nặng, suy hô hấp nặng mới hốt hoảng đưa con nhập viện. Chính lý do này khiến việc chữa trị cho trẻ khó khăn và kéo dài hơn, thậm chí trẻ có thể tử vong nếu đến quá muộn.
Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống kháng sinh
Theo chia sẻ của BS. Quý, viêm phổi là bệnh có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân nhập viện điều trị hàng đầu trong các bệnh lý hô hấp. Bệnh dễ diễn biến nhanh, nặng nếu không phát hiện điều trị kịp thời, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Hiện nay, 60-70% trường hợp trẻ mắc viêm phổi là do virus. Các loại virus hay gặp là hợp bào hô hấp, virus cúm, Adenovirus, Rhinovirus... Các trường hợp còn lại có thể do vi khuẩn hoặc các nguyên nhân khác...
“Trẻ bị viêm đường hô hấp không phải lúc nào cũng điều trị bằng kháng sinh. Do vậy, cha mẹ tuyệt đối không được tự ý mua kháng sinh mà cần đưa trẻ đến bác sĩ khám và đưa ra quyết định điều trị”, BS. Quý cho biết.
"Các yếu tố thuận lợi khiến trẻ dễ mắc bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao gồm: Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh; Trẻ đẻ non, trẻ thiếu cân (suy dinh dưỡng bào thai); Trẻ không được bú sữa mẹ; Trẻ bị mắc các bệnh bẩm sinh như: Tim bẩm sinh, dị dạng bộ máy hô hấp, suy giảm miễn dịch bẩm sinh; Cơ địa dị ứng; Và yếu tố thay đổi khí hậu, môi trường sống ô nhiễm. Trong đó, suy dinh dưỡng là yếu tố thuận lợi khiến trẻ dễ mắc bệnh hô hấp”. BS. Trương Văn Quý |
Liên quan đến việc cha mẹ tự ý cho trẻ dùng kháng sinh, PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng, chuyên khoa Nhi khuyến cáo: “Việc sử dụng kháng sinh cho người bệnh, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, ngay cả các bác sĩ chuyên khoa cũng phải cân nhắc rất nhiều trước khi chỉ định thuốc. Nếu sử dụng không đúng liều lượng, không trúng bệnh thì không những không khỏi bệnh còn mang họa cho bệnh nhân sau này, gây nên tình trạng kháng kháng sinh”.
Theo lưu ý của các bác sĩ chuyên khoa nhi, biểu hiện viêm phổi ở trẻ em rất đa dạng, tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh. Các triệu chứng thường gặp như ho, mệt, bú kém, chảy mũi, khò khè, thở nhanh, khó thở và có thể thấy trẻ tím tái khi tiến triển nặng. Khi trẻ có những biểu hiện trên thì các bậc cha mẹ nên cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.
Trong quá trình theo dõi trẻ, cha mẹ cần lưu ý các biểu hiện của bệnh nặng hơn như: Trẻ sốt cao hơn và tần số sốt dày hơn, mệt và li bì hơn, ăn uống kém, thở nhanh. “Cha mẹ cần lưu ý cách đếm nhịp thở cho trẻ để kịp thời đưa trẻ đến viện. Nếu trẻ bị viêm phổi có nhịp thở nhanh, đây là dấu hiệu nhận biết sớm các gia đình có thể theo dõi tại nhà - đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên (>60 lần/phút ở trẻ 50 lần/phút ở trẻ từ 2 đến 12 tháng tuổi; >40 lần/phút ở trẻ 1 - 5 tuổi). Ngoài ra, còn có các dấu hiệu rút co rút lồng ngực khi thở và trẻ có dấu hiệu tím tái (khi có biến chứng suy hô hấp)”, BS. Quý cho hay.
Để phòng bệnh cho trẻ, BS. Dũng lưu ý cha mẹ cần nuôi dưỡng trẻ trong môi trường vệ sinh, tránh khói thuốc lá, khói than, bụi bẩn. Thực hiện tiêm chủng đầy đủ đúng theo lịch quy định... Khi phát hiện thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ (sốt cao, bú kém, nôn, thở nhanh, li bì...), nên cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận