Doanh nghiệp

Chai nước có ruồi: Đạo đức và bài học pháp luật

18/12/2015, 09:33

Vụ việc "chai nước ngọt có ruồi" gây nhiều tranh cãi về pháp lý và cả đạo đức trong kinh doanh.

Tan_Hiep_Phat_RMBQ
Anh Võ Văn Minh cùng hiện vật

Dưới góc độ pháp lý thì phải tuân theo nguyên tắc: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý, không phân biệt người vi phạm là người giàu hay người nghèo; Ai vi phạm thì người đó sẽ bị xử lý; Hành vi vi phạm tới đâu thì xử lý đến đó... Vì vậy, nếu Công ty Tân Hiệp Phát sản xuất hàng hóa không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thì Công ty này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, hình thức xử lý sẽ phụ thuộc vào mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi vi phạm gây ra.

Đối với vụ việc cưỡng đoạt tài sản mà anh Minh là bị đơn, còn công ty Tân Hiệp Phát là bên bị hại lại là một câu chuyện độc lập.

Hiện nay, anh Minh bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự, với số tiền cưỡng đoạt là 500 triệu đồng thì hình phạt sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Theo đó, Điều 135 Bộ luật hình sự quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù.

Vì vậy, để kết tội anh Minh  tòa án cần có chứng cứ chứng minh anh Minh đã "đe dọa", uy hiếp tinh thần của người có chức vụ trong công ty này để chiếm đoạt tài sản. Theo thông tin mà báo chí đã đưa ra, anh Minh yêu cầu Công ty phải trả 1 tỷ đồng, sau đó rút xuống là 500 triệu đồng với lời tuyên bố là sẽ “thưa ra Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, đưa lên báo chí, in 5.000 tờ rơi để phát nhằm làm mất uy tín công ty”... Cơ quan công an đã căn cứ vào nội dung đe dọa đó để khởi tố và viện kiểm sát đã truy tố anh Minh về tội cưỡng đoạt tài sản.

Nếu “con ruồi” đó là có thật trong chai nước, việc Công ty có sản phẩm lỗi như vậy gây thiệt hại tới sức khỏe, tài sản của khách hàng thì khách hàng có quyền yêu cầu công ty phải bồi thường thiệt hại. Thủ tục yêu cầu là thương lượng, trung gian hòa giải hoặc khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong quá trình thực hiện thủ tục trên thì phải trên cơ sở “tự nguyện”, tự do thương lượng… Thiệt hại mà công ty phải bồi thường là mức thiệt hại thực tế phát sinh trên cơ sở chứng cứ mà người bị hại cung cấp. Nếu anh Minh lựa chọn cách ứng xử đó thì phù hợp với pháp luật và pháp luật khuyến khích, pháp luật bảo vệ.

Ngược lại, trong hệ thống pháp luật Việt Nam có nhiều ngành luật cùng bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản như luật dân sự, luật hình sự. Nhưng luật pháp hiện hành cũng ngăn cấm việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản một cách trái pháp luật. Hành vi gian dối, lén lút, công nhiên hoặc uy hiếp tinh thần… của người khác nhằm chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ chủ thể này, sang chủ thể khác (không tự do ý chí, không tự nguyện trong giao dịch..) là những hành vi trái pháp luật.

Theo thông tin ở trên thì anh Minh không lựa chọn hành vi ứng xử theo quy định pháp luật mà lại có hành vi “tự xử”, mang tính uy hiếp tới doanh nghiệp nhằm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, nếu Tân Hiệp Phát không đồng ý thì ông Minh đã đe dọa sẽ “thưa ra Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, đưa lên báo chí, in 5.000 tờ rơi để phát nhằm làm mất uy tín công ty”. Anh Minh đã đe dọa là thực hiện nhiều hành vi, trong đó có cả những hành vi mà pháp luật không cho phép nhằm gây thiệt hại cho công ty để buộc công ty này phải đưa tiền cho anh Minh, những hành vi này là sai phạm, là căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố anh này về tội cưỡng đoạt tài sản.

Dư luận quan tâm nhiều tới câu chuyện này có lẽ cũng muốn biết về chất lượng sản phẩm của công ty này và tâm lý muốn bênh vực "kẻ yếu". Trong mối quan hệ này thì anh Minh là "kẻ yếu" nên sẽ được sự ủng hộ, thương cảm của nhiều người. Tuy nhiên  mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu anh Minh có hành vi đe dọa, uy hiếp công ty nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của công ty này thì dù anh Minh có nghèo tới mấy, Công ty có giàu có đến đâu thì anh Minh vẫn bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự.

Căn cứ vào phần xét hỏi, tranh luận công khai và căn cứ vào các tình tiết chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, tòa án xác định hành vi của anh Minh có là hành vi "đe dọa, uy hiếp" hay không và hành vi này có nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hay không để xác định anh Minh có tội hay bị truy tố oan sai.

Qua câu chuyện này có thể rút ra bài học sâu sắc cho nhiều người là trong quan hệ dân sự, kinh doanh thương mại thì pháp luật khuyến khích việc thỏa thuận, thương lượng giữa các bên để giải quyết tranh chấp. Việc thương lượng, thỏa thuận phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, tránh việc sử dụng những hành vi có tính chất uy hiếp, đe dọa người khác để đạt được mục đích của việc thương lượng. Hành vi đe dọa, uy hiếp người khác để người khác phải bàn giao tài sản của họ cho mình là hành vi vi phạm pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.