Thế giới giao thông

Chậm mở cửa và lời cảnh báo cho hàng không châu Á

13/10/2021, 07:01

Giám đốc Thương mại (CCO) Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus Christian Scherer đã lên tiếng cảnh báo.

Nếu tiếp tục trì hoãn mở cửa vận tải hành khách hàng không quốc tế, khu vực châu Á sẽ bị kéo dài thời hạn giao máy bay trong khi châu Âu và Mỹ tiến lên và khôi phục hoạt động, phát triển kinh tế.

Đây là nhận định của Giám đốc Thương mại (CCO) Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus Christian Scherer trong cuộc phỏng vấn với tờ The Washington Post bên lề Hội nghị hàng không toàn cầu thường niên tại Boston (Mỹ) vừa qua.

img

Ông Christian Scherer, Giám đốc Thương mại Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus

Nhiều hãng bay phải tái cơ cấu, thay đổi đơn hàng mua máy bay

Ông Christian Scherer cho biết, tình trạng chậm khôi phục vận tải hành khách hàng không quốc tế của châu Á là nguồn cơn gây ra nhiều vấn đề quan ngại và bức xúc. “Có rất nhiều hãng hàng không đã thay đổi đơn đặt hàng máy bay do không biết đến bao giờ mới được hoạt động trở lại”, ông Scherer dẫn chứng.

CCO Christian Scherer không nêu rõ tên các doanh nghiệp nhưng đã có một số hãng hàng không tại Đông Nam Á đang điều chỉnh để tái cơ cấu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như hãng hàng không giá rẻ AirAsia (Malaysia) và Philippines Airlines.

Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn lời ông Scherer cho biết, khu vực châu Á là nơi có tỷ lệ hãng bay thay đổi đơn hàng với Airbus cao nhất trên thế giới.

Cuối tháng trước, AirAsia - khách hàng lớn nhất của Airbus trong khu vực - đã đàm phán lại về cơ cấu đơn hàng khổng lồ với khoảng 400 chiếc máy bay một lối đi và Airbus phải chấp nhận giảm giá, thay đổi thời gian giao máy bay để có thể giữ được đơn hàng.

Cách đây vài ngày, AirAsia tiếp tục chuyển đơn hàng mua 13 chiếc máy bay một lối đi A320neo mà Airbus chưa giao, sang dòng máy bay A321 lớn hơn, đồng nghĩa tổng cộng 362 chiếc máy bay thân hẹp cỡ lớn sẽ được giao trong thời hạn tới năm 2035.

CCO Christian Scherer cho biết, chừng nào các hãng hàng không còn chưa được bay, vận tải hàng không quốc tế còn đóng cửa, chừng đó, các hãng hàng không châu Á vốn đã kiệt quệ, càng không dám quyết định mua những đơn hàng máy bay trị giá hàng tỷ USD.

Khi đó, họ sẽ đối mặt với rất nhiều vấn đề như bị đẩy lùi thời hạn giao hàng sau khi hãng bay tại các khu vực đã mở cửa đường bay quốc tế.

Kêu gọi châu Á nới lỏng quy định với hàng không quốc tế

img

Bên trong một nhà máy sản xuất máy bay của Airbus. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trước tình trạng trên, theo ông Christian Scherer, khả năng hồi phục của các hãng hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chậm so với cộng đồng hàng không thương mại thế giới.

Trong hội nghị thường niên được tổ chức trực tiếp tại Boston, IATA đánh giá, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang áp quy định kiểm soát dịch bệnh, hạn chế đi lại nghiêm khắc nhất trên thế giới. Tổ chức này dự báo phải đến năm 2022, các quy định này mới có thể cải thiện rõ rệt.

Ông Scherer chỉ ra, thế giới đang đi theo hướng đẩy mạnh tiêm chủng, nới lỏng quy định đi lại xuyên biên giới và hồi phục hoạt động vận tải - kinh tế một cách có kiểm soát và nhận thấy không bị ảnh hưởng về dịch tễ quá nhiều. Cách thức này có vẻ khả thi hơn chính sách “không còn Covid-19” (Zero Covid-19).

Hiện nay, một số nước trong khu vực châu Á có tỷ lệ tiêm chủng cao đang rục rịch mở cửa trở lại. Mới nhất là Singapore, khi tỷ lệ tiêm phòng đủ liều vượt 80% tổng số dân, quốc đảo sư tử đã lên kịch bản mở cửa rất thận trọng.

Dù số ca nhiễm mới tại Singapore liên tục tăng cao lên mức chưa từng có nhưng tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp nên nước này vẫn kiên trì đường lối sống chung với Covid-19. Singapore dự định mở lại chương trình làn di chuyển nhanh cho người đã tiêm phòng với một số đối tác tại châu Âu và Mỹ.

Trước động thái mới của Singapore, ông Scherer bày tỏ lạc quan rằng, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy, châu Á có thể sớm mở cửa biên giới với hàng không và hồi phục trở lại.

Ngoài Singapore, Australia cũng vừa nới lỏng quy định phòng dịch tại bang New South Wales sau nhiều tháng giãn cách xã hội nhưng dự tính phải đến năm 2022 mới mở cửa cho khách du lịch quốc tế.

New Zealand - một trong những quốc gia rất kiên trì với chiến lược không còn Covid-19 cũng thay đổi quyết định, dự tính mở lại hàng không quốc tế với khách đã tiêm phòng đầy đủ.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính, vì đại dịch, các hãng hàng không toàn cầu có thể phải chịu thua lỗ 201 tỷ USD trong giai đoạn 2020 - 2022. Trong đó, cùng kỳ, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ lỗ tổng cộng 58,6 tỷ USD.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.