Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại lễ khởi công dự án |
Ông Vũ Hồng Phương, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thăng Long (đại diện liên danh nhà đầu tư) cho biết, điểm đầu của dự án tại Km69+722 - QL38, thuộc P.Hiến Nam, TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên; điểm cuối tuyến tại Km82+300-QL38 (nút giao Vực Vòng) thuộc xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Tổng chiều dài tuyến là 12,4km, trong đó đoạn trùng tuyến cũ khoảng 4,2km.
Theo ông Phương, tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng gồm hai làn xe với vận tốc thiết kế 80km/h. Mặt đường gồm hai lớp bê tông nhựa đặt trên nền cấp phối đá dăm. Bề rộng mặt nền đường Bm/Bn=11/12m đối với đoạn thông thường, riêng đoạn từ Km70+365 – Km72+564 (phạm vi cầu Yên Lệnh và đường đầu cầu) giữ nguyên theo quy mô hiện tại Bm/Bn=14/15m.
Trong khi đó, đoạn cuối của dự án trùng với QL38 cũ (từ Km81+450 – Km82+300), tuyến đường sẽ được mở rộng với quy mô 4 làn xe với bề rộng mặt nền đường là Bm/Bn=19,5/20,5m để đảm bảo lưu lượng vận tải trong tương lai. Đại diện nhà đầu tư cho biết thêm, tổng mức đầu tư của dự án là 833,2 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn 16 năm.
Ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, dự án xây dựng QL38 đoạn từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng là rất cấp thiết, bởi đây là tuyến đường có vai trò quan trọng trong việc kết nối QL1, QL5, Cầu Giẽ - Ninh Bình, là cửa ngõ của Hưng Yên và Nam để đi Hà Nội và các tỉnh phía Nam.
“Trong thời gian qua, tuyến QL38 cũ qua địa bàn tỉnh Hà Nam đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng. Do đó, việc xây dựng và nâng cấp tuyến QL38 là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu về vận tải, giảm ùn tắc và TNGT, thúc đẩy phát triển KT-XH hai tỉnh Hà Nam, Hưng Yên nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung”, ông Đông nói.
Lãnh đạo hai tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và đại diện nhà đầu tư ký cam kết về giải phóng mặt bằng |
Để đảm bảo tiến độ dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cam kết sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền các địa phương nơi có dự án đi qua phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, các nhà thầu giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai dự án.
Phát biểu tại lễ khởi công, Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh và đánh giá cao liên danh nhà đầu tư TCT Thăng Long – CIENCO4 đã chủ động nghiên cứu để thực hiện dự án bằng hình thức BOT. “Đây là hai tổng công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án theo hình thức BOT, đồng thời cũng là hai đơn vị thi công hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông”, Bộ trưởng nhận xét.
Đối với chính quyền địa phương, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị, lãnh đạo hai tỉnh Hà Nam và Hưng Yên tập trung chỉ đạo các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư và các nhà thầu thi công.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng các đại biểu nhấn nút khởi công dự án |
Đối với nhà đầu tư, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu phải chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực tài chính, khẩn trương hoàn thành góp đủ vốn chủ sở hữu, ký hợp đồng tín dụng, huy động máy móc, thiết bị và con người để triển khai xây dựng công trình.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Theo kế hoạch nhà đầu tư hoàn thành dự án trong vòng 24 tháng. Tuy nhiên, với quy mô dự án và năng lực của hai nhà đầu tư, thời gian như thế là quá dài. Tôi yêu cầu rà soát, điều chỉnh lại tiến độ để chậm nhất trong vòng 18 tháng công trình sẽ hoàn thành toàn bộ”.
Người đứng đầu ngành GTVT cũng lưu ý nhà đầu tư, tư vấn giám sát, đơn vị thi công phải đảm bảo công tác an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trong quá trình triển khai xây dựng dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận