Cơ quan chức năng kiểm đếm số gỗ bị phát hiện, bắt giữ của Phượng “râu” |
Kể về Phượng “râu” (tức Phan Hữu Phượng, 50 tuổi, ngụ thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, Đắk Lắk), người vừa bị bắt trong đường dây buôn gỗ lậu “khủng”, hàng xóm cho biết, Phượng là đại gia nổi tiếng về buôn gỗ nhưng rất kín tiếng, hầu như không bao giờ giao du với ai ở địa phương.
Sở hữu tài sản hàng chục tỷ đồng
Ông T. (một người trong giới buôn gỗ tại huyện Ea T’ling) tiết lộ: “Phượng “râu” là một trong hai nhân vật buôn gỗ có tiếng ở huyện Cư Jút. Phượng “râu” làm gỗ lậu từ xưa đến nay, chuyên phá rừng kéo gỗ. Ngày xưa cuộc sống của Phượng “râu” chẳng có gì, chuyên đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. 5 năm trở lại đây, gia đình Phượng “râu” giàu lên trông thấy, xây nhà, mua xe tiền tỷ. “Phượng “râu” chắc chắn có “bảo kê” nên làm ăn mới nhanh khá giả như thế. Còn bàn tay nào “đỡ” thì không rõ, vì Phượng “râu” rất bí mật. Ở đây, nếu làm ăn lớn như Phượng “râu”, không có “bàn tay nâng đỡ” làm sao làm được?”, ông T. khẳng định.
Đại tá Phạm Quang Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước thông tin về việc xuất hiện gỗ lậu tại gần Đồn Biên phòng 747, hiện Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đang phối hợp kiểm tra, xác minh. Trong một diễn biến khác, 4 cán bộ tại Đồn Biên phòng 747 và 749 đã bị đình chỉ công tác gồm: Thượng tá Cao Hữu Tùng (Đồn trưởng Đồn 747), Trung tá Bùi Khắc Hiệp (Chính trị viên, Đồn phó 747), Trung tá Phạm Công Khanh (Chính trị viên, Đồn 749) và Đại úy Trần Tiến Vinh (Đồn phó quân sự, trực chỉ huy Đồn 749). |
Một người hàng xóm giấu tên cũng cho hay: “Hàng đêm, xe chở gỗ về xưởng của ông Phượng ầm ầm, chúng tôi cứ tưởng có giấy tờ hợp pháp. Ai ngờ, khi bị bắt, mọi người mới biết ông Phượng buôn gỗ lậu. Vài năm trở lại đây, nhờ buôn lậu gỗ ông Phượng trở thành đại gia ai cũng biết. Ở địa phương ông Phượng không chơi với ai, chỉ giao lưu quan hệ với những người “cấp cao” thôi”.
Ông N.V.M. (cán bộ tổ dân phố 2, thị trấn Ea T’ling, Cư Jút) cho biết, Phượng “râu” quê ở Hà Tĩnh, vào đây làm ăn sinh sống khoảng những năm 1990. Lúc bấy giờ, Phượng lập nghiệp với hai bàn tay trắng, chuyên đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Sau khi có chút vốn, Phượng mua một con trâu đi làm gỗ.
Vài năm sau đó, Phượng mua được chiếc xe độ chế cà tàng, chuyên đi chở gỗ. Thời điểm đó, ở thị trấn Ea T’ling, xe độ chế đầy đường. Khi làm ăn đang ổn định thì loại xe này bị cấm, Phượng lại tay trắng.
Đến năm 2013, gia đình Phượng bắt đầu giàu lên trông thấy, Phượng mở xưởng ở phía sau nhà chuyên chế biến đồ gỗ thủ công mỹ nghệ với đầy đủ các loại gỗ quý, còn một xưởng trước nhà là nơi tập kết gỗ về. Trong xưởng lúc nào cũng có rất nhiều thợ, chuyên khai thác gỗ với tiền lương hơn 10 triệu đồng/tháng/ người.
“Việc khám xét nhà diễn ra từ tối 27 đến trưa 28/4. Cơ quan công an cũng thu giữ rất nhiều giấy tờ, sổ sách làm ăn của ông Phượng. Trong nhà ông Phượng, những món đồ gỗ “khủng” như sập, tượng gỗ, bàn ghế... rất nhiều. Tài sản bề nổi của ông Phượng lên đến hàng chục tỷ đồng”, ông M. nói.
Phượng “râu” tức Phan Hữu Phượng |
Lộ việc chung chi tiền tỷ
Chiều 3/5, tại buổi họp báo định kì, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Liên quan đến nhiều vụ phá rừng tại tỉnh Đắk Lắk, đừng để chúng ta làm không nổi, Bộ Công an phải vào cuộc. Tỉnh đã có rất nhiều cuộc họp chỉ đạo về việc này nhưng không thể nào ngăn được phá rừng. Trong thời gian tới, các lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn cần quyết tâm, có trách nhiệm hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đối với vụ bắt giữ Phượng “râu”, hiện công an vẫn đang điều tra làm rõ, chúng tôi vẫn chưa thể thông tin”.
Hai ô tô tải chở khoảng 40m3 gỗ của Phượng "râu" bị bắt giữ, đưa về Hạt kiểm lâm huyện Cư Jút (Đắk Nông) để phục vụ công tác điều tra... |
Trước đó, khoảng 3h sáng 27/4, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) và Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44) đã bắt quả tang 2 xe tải chở khoảng gần 40m3 gỗ tại khu vực thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút). Tại thời điểm bị bắt, tài xế khai nhận số gỗ này do Phượng “râu” thuê chở, đưa từ khu vực lán trại ở tiểu khu 464 Vườn quốc gia Yok Đôn, sát Đồn Biên phòng 747 (thuộc BĐBP tỉnh Đắk Lắk). Tiếp tục khám xét lán trại này và khu vực xung quanh, lực lượng chức năng phát hiện nhiều máy kéo, xe reo, cưa máy và một số bãi tập kết, phân loại gỗ.
Vào thời điểm vây ráp, Phượng “râu” cũng có mặt tại lán trại. Bị động, Phượng “râu” lên xe bỏ trốn nhưng đã bị một mũi trinh sát đón lõng ngay cửa rừng bắt giữ. Khám xét 3 xưởng gỗ của Phượng “râu” tại thị trấn Ea T’ling, cảnh sát phát hiện một lượng lớn gỗ quý hiếm.
Quá trình khám xét nơi ở của Phượng “râu”, cơ quan điều tra đã thu thập được 4 quyển sổ sách, có nội dung ghi chép chi tiết về việc đường dây của Phượng “râu” đã chung chi cho các cơ quan chức năng với số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, nội dung ghi chép những gì chưa được cơ quan điều tra tiết lộ.
Xe chở gỗ lậu lọt hàng loạt trạm kiểm soát
Theo tìm hiểu của PV, từ khu vực lán trại của Phượng “râu”, cách Đồn Biên phòng Bo Heng (Đồn 747, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk) khoảng 500m. Từ đây, các xe gỗ của Phượng “râu” lưu thông ra QL14C, qua ngay cổng Đồn 747 rồi đi thêm 10km nữa, các xe gỗ lậu của Phượng “râu” phải ngang qua Đồn Biên phòng Yok Đôn (Đồn 749, BĐBP tỉnh Đắk Lắk). Từ chốt canh gác này, lực lượng gác dễ dàng quan sát, kiểm soát các phương tiện đi qua, tuy nhiên không hiểu sao các xe gỗ lậu của Phượng “râu” vẫn lọt qua dễ dàng. Từ đây, đi khoảng 3km theo hành trình 2 xe chở gỗ là đến địa phận tỉnh Đắk Nông.
Để phá chuyên án này, lực lượng cảnh sát Bộ Công an đã mật phục theo dõi, đeo bám quyết liệt một thời gian dài và quyết định tổ chức phá án vào rạng sáng ngày 27/4. |
Tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông vấp ngay sự kiểm soát của Đồn Biên phòng Nậm Na (BĐBP tỉnh Đắk Nông). Tiếp tục di chuyển khoảng 4km là đoạn giao nhau giữa QL14C với con đường đất (hay gọi đường 6B). Tại đây, tiếp tục rẽ trái theo đường men theo con đường đất khoảng 5km gặp Trạm Kiểm lâm số 10 (thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn) đóng ngay bên đường. Đi tiếp khoảng 25km, lần lượt phải vượt qua 3 trạm quản lý bảo vệ rừng Bãi Cát, Đắk Lâu và Trạm số 1 (của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil (tỉnh Đắk Nông).
Từ đây, để tiếp tục đưa gỗ về xưởng, xe gỗ lậu phải chạy qua Đồn Công an Ea Pô (Công an huyện Cư Jút; cách trạm số 1 khoảng 7km). Sau đó, các xe chở gỗ này phải di chuyển khoảng 20km qua địa phận các xã Đắk Wil, Ea Pô, Nam Dong, Tâm Thắng để đến được thị trấn Ea T’ling (nơi 2 xe gỗ bị Bộ Công an bắt giữ sáng 27/4). Thông tin từ trinh sát Bộ Công an, trong một thời gian dài, xe chở gỗ lậu của Phượng “râu” đi nghênh ngang mà không bị cơ quan nào kiểm tra, phát hiện, bắt giữ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận