Tiêu độc, khử trùng chuồng trại phòng cúm gia cầm |
Chăn nuôi ồ ạt tái đàn
Anh Nguyễn Văn Dững - Chủ trang trại gà ở xã Mỹ Lộc, huyện Mỹ Tân, tỉnh Nam Định cho biết, từ đầu năm 2013 giá gà đã giảm và “đáy lỗ” kéo dài suốt từ tháng 10 năm ngoái đến tận tháng 4 năm nay.
Suốt 6-7 tháng, gà giống chỉ bán với giá 2.500-3.000 đồng/con, gà ta xuất chuồng chỉ còn 60.000-65.000 đồng/kg, có tháng gia đình anh lỗ tới hơn chục triệu đồng và anh phải giảm một nửa số lượng gia cầm chăn nuôi. Từ khoảng tháng 5, giá gia cầm bắt đầu tăng trở lại, anh Dững mới thoát lỗ và quyết định tăng số lượng gia cầm trong đàn.
"Hiện giá gia cầm xuất chuồng đã cao hơn khoảng 20-30% so với thời điểm đầu năm, như gà ta xuất chuồng có giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg; Gà công nghiệp 60.000 - 70.000 đồng/kg; Trứng gà 2.100 - 2.300 đồng/quả...”, anh Dững nói.
Nhu cầu tiêu thụ thịt gà của Việt Nam năm 2014 vào khoảng 825.000 tấn, tăng 4,2% so với năm 2013. Sản lượng thịt gà của Việt Nam sẽ vào khoảng 793.000 tấn, do đó để có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nước ta cần phải nhập khẩu ít nhất 50.000 tấn.
(Dự báo của Trung tâm Thông tin, |
Chị Hiền, một chủ buôn gà ở chợ Cổ Nhuế (Hà Nội) cũng khẳng định, khoảng ba tháng nay, giá bán gia cầm tăng dần và sức mua cũng tăng mạnh hơn. Khoảng hai tuần nay, giá bán gia cầm tăng 20-40% so với giai đoạn sau Tết.
Hiện giá gà ta nguyên lông 140.000 - 160.000 đồng/kg; Trứng gà ta 3.700-3.800 đồng/quả; Trứng vịt 3.300 - 3.600 đồng/quả... “Giá nhập hàng cao, song vẫn đắt hàng nên tiểu thương cũng dễ thở hơn”, chị Hiền nói.
Xác nhận giá gia cầm hiện nay đã tăng mạnh, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) lý giải, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường có tâm lý thấy gia cầm xuống giá thì bỏ đàn. Sau khoảng 3 - 4 tháng sẽ dẫn đến hụt cung, giá tăng nhẹ. Lúc đó, người chăn nuôi lại ồ ạt tái đàn khiến nguồn cung giống khan hàng, tăng giá. Ngoài ra, hai đợt tăng giá xăng cũng tác động phần nào lên giá bán gia cầm.
Gia cầm giống Trung Quốc tràn vào
Hiện giá bán một con gà giống đã lên tới 10.000 - 15.000 đồng/con (tùy giống) trong khi giai đoạn ế ẩm, gà giống bán với giá 3.000 – 5.000 đồng/con vẫn chẳng ai mua. “Gà giống đắt lại còn khó mua, bởi thấy gà giá cao thì các hộ lại đua nhau tái đàn”, anh Dững lý giải.
Sự khan hiếm, tăng giá của gia cầm giống trong nước đang tạo cơ hội cho gia cầm nhập lậu tràn vào Việt Nam. Theo báo cáo của Hải quan Quảng Ninh, nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm có xu hướng sôi động trở lại trong tháng 7.
Điển hình như sáng 4/7, Đội kiểm soát Hải quan số 1 phát hiện vụ vận chuyển 10.440 quả trứng vịt ấp có nguồn gốc từ Trung Quốc từ đò sắt lên bờ ở vùng biên Móng Cái, thì đến chiều lại tiếp tục phát hiện xe ô tô chở 10.000 con vịt giống có nguồn gốc Trung Quốc ở khu vực phường Hải Hòa, Móng Cái.
Ngày 21/7, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh vừa phát hiện vụ vận chuyển hơn 10.000 con gà giống nhập từ Trung Quốc, ngày 27/7, tại địa bàn xã Hải Tiến, Móng Cái, Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 Bến tàu Dân Tiến lại bắt giữ vụ vận chuyển 5.200 quả trứng vịt nguồn gốc từ Trung Quốc...
Ông Nguyễn Văn Trọng cũng cho biết thêm, Cục Chăn nuôi vừa có đợt kiểm tra “thủ phủ” gà giống ở Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) và phát hiện có gà Trung Quốc nhập lậu.
“Thời điểm này chưa phát hiện gà thịt thải loại Trung Quốc nhập lậu, vì gà thải loại theo chu kỳ, bên họ nuôi cạn sức đẻ từ 1 - 2 năm mới thải loại. Nhưng đã xuất hiện giống gà, vịt nhập lậu từ Trung Quốc. Do đó, các hộ nông dân cần lưu ý mua gia cầm giống ở các địa chỉ uy tín, có kiểm dịch vì giống gia cầm không rõ nguồn gốc có thể tiềm ẩn nhiều dịch bệnh, gây lây lan cho cả đàn gia cầm đang nuôi. Hơn nữa, đây có thể là con giống thương phẩm, sẽ không cho hiệu quả cao trong quá trình nuôi”, ông Trọng khuyến cáo.
Hải Quỳnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận