Chính trị

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu lý do tòa án không thu thập chứng cứ

18/09/2023, 18:48

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực tế từ trước đến nay các vụ án hôn nhân cũng đưa ra xét xử ở phòng hình sự vì không có phòng.

Tòa án chỉ hướng dẫn và hỗ trợ

Chiều nay (18/9), tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án luật được tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Về ý kiến đồng tình việc không quy định tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa, ông Bình cho rằng, các nước không giao nhiệm vụ cho tòa án thu thập chứng cứ, kể cả trong những vụ án hình sự, dân sự, hành chính.

Chánh an TAND tố cao: Xử ly hôn không thể để vợ chồng như bị cáo nhìn lên hội đồng thẩm phán - Ảnh 1.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Tòa án cần phải là cơ quan trung gian xét xử các chứng cứ do các bên đưa ra. Nếu giao tòa án đi thu thập chứng cứ cho một bên nào đó thì sẽ không công bằng, nghiêng về một bên.

"Tại sao anh thu thập chứng cứ cho bên nguyên đơn mà không thu thập chứng cứ cho bên bị đơn. Như vậy vị trí, khách quan và trung tâm của tòa án đã không còn nữa. Nếu tòa án thu thập chứng cứ thì tòa sẽ coi trọng chứng cứ mình thu thập mà xem nhẹ chứng cứ của các bên, như vậy không công bằng", ông Bình nói.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết, toàn ngành có 15.000 người với hơn 6.000 thẩm phán. Nếu giải quyết 600.000 vụ án thì tòa án không đủ người để thu thập chứng cứ của các vụ án. Do vậy, tòa án chỉ hướng dẫn và hỗ trợ thu thập chứng cứ.

Chánh an TAND tố cao: Xử ly hôn không thể để vợ chồng như bị cáo nhìn lên hội đồng thẩm phán - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp chiều nay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trên thế giới nhiều nước có tòa án chuyên biệt

Về phòng xét xử, ông Bình cho biết, thực tế từ trước đến nay, các vụ án hôn nhân cũng đưa ra xét xử ở phòng hình sự vì không có phòng.

"Tòa có xử lý hôn thì cũng phải ly hôn trong thân thiện, chứ không phải để vợ chồng như bị cáo nhìn lên hội đồng thẩm phán. Cho nên trong này có quy định phòng xét xử của hình sự riêng, phòng xét xử của dân sự và các vụ án khác riêng. Điều này rất là nhân văn", ông Bình nói.

Ông Bình cũng cho biết, trong dự thảo cũng quy định phải có nội quy của phiên tòa, nội dung này do chánh án hướng dẫn.

"Bây giờ mỗi tỉnh, mỗi địa phương có một nội quy phiên tòa, trong khi pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với những vi phạm về cản trở tố tụng, gây rối là vi phạm nội quy của phiên tòa. Nếu vi phạm nội quy phiên tòa phải xử phạt", ông Bình nói và cho biết luật cũ không có câu chuyện livestream.

Bởi vào phòng xét xử mà livestream là vi phạm quyền con người. Bây giờ trong tổ chức xét xử nếu cho phép thì phải có quy định rõ ràng. Nhấn mạnh việc này rất cần thiết, ông Bình cho rằng đây là những căn cứ để xử phạt những vi phạm về cản trở tố tụng.

Về tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, ông Bình cho biết đa số các ý kiến cho rằng cần làm. Theo đó, trên thế giới nhiều nước có tòa án chuyên biệt. TAND tối cao dự kiến ban đầu có tòa chuyên biệt gồm: Tòa án sở hữu trí tuệ, Tòa án phá sản.

Về tên gọi của tòa án, ông Bình cho biết đã tổ chức cuộc họp, đặt ra nhiều phương án về tên gọi để diễn đạt nhưng chưa "nghĩ ra". Do đó, từ nay đến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, đơn vị chức năng sẽ suy nghĩ thêm để có tên gọi hợp lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.