Lợi dụng quan hệ, dẫn đến tình trạng thông thầu rất dễ, cực kỳ dễ
Tại phiên thảo luận tại tổ chiều 7/11, cho ý kiến về Luật Giá và Luật Đấu thầu sửa đổi, nêu thực tiễn công tác tư pháp, xử lý các tội vi phạm quy định về đấu thầu cũng như nghiên cứu các vụ án, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) thấy rằng, Luật Đấu thầu hiện hành là cơ sở pháp lý rất quan trọng để xử lý trong trường hợp có vi phạm.
"Luật Đấu thầu rất rõ, nên tất cả vụ án lớn về đấu thầu không có vụ nào có tính chất oan sai", ông Long nói.
Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai)
Theo ông Long, trong vi phạm về đấu thầu, phổ biến nhất là lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp bất hợp pháp vào quá trình đấu thầu. Rồi hành vi thông thầu, các bên tham gia đấu thầu dùng "quân xanh", "quân đỏ", thỏa thuận, chuẩn bị hồ sơ để một bên thắng thầu.
Theo ông, dường như có sự liên quan quan trọng, sự móc nối giữa hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của những người có trách nhiệm, cơ quan quản lý với các chủ đầu tư, mà rõ nhất như vụ Nhật Cường (Hà Nội).
Làm tốt chuyên môn nhưng chỉ vì đấu thầu mà rơi vòng lao lý
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND TP Hà Nội
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND TP Hà Nội thì cho biết, qua thực tiễn xét xử thấy một số quy định đã phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện, trong đó chưa quy định hồ sơ mời thầu, trong khi đây lại là nội dung rất quan trọng, nếu không quy định chặt chẽ, dẫn tới tình trạng cài cắm, tạo cạnh tranh không bình đẳng, tiêu cực xảy ra.
Theo ông Chính, nhiều vụ án, nhiều vụ việc rất đau xót cho chủ đầu tư.
"Ví dụ, Bệnh viện Bạch Mai, người ta làm tốt công tác chuyên môn, nhưng khi giao cho làm chủ đầu tư, lại không biết chức năng thầu như thế nào, dẫn tới tình trạng vì không hiểu thủ tục đấu thầu mà vi phạm pháp luật, rất đáng tiếc. Hay Bệnh viện K, rất chuyên sâu trong nghiệp vụ, nhưng chỉ vì đấu thầu mà người ta phải rơi vào vòng lao lý", ông Chính nói.
Đại biểu Chính cho rằng, đây là vấn đề mà chúng ta cần phải xem xét. Do vậy, trong công tác quản lý, phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ trên xuống dưới, từ Trung ương xuống địa phương và từ chủ đầu tư, người tham gia đấu thầu.
Cũng vì không có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với người tham gia đấu thầu nên theo ông Chính, một số đơn vị dù không có năng lực nghiệp vụ, một số lợi dụng quan hệ, dẫn đến tình trạng thông thầu rất dễ, cực kỳ dễ.
"Vụ AIC chuẩn bị xét xử, "quân xanh" hầu như là quân do AIC chỉ định thầu, nếu đứng ra đấu thầu thì AIC sẽ cho mua sắm trang thiết bị, từ đó tất cả "quân xanh" đều làm theo”, từ ví dụ trên, ông Chính đề nghị cần căn cứ vào thực tiễn để đưa ra giải pháp hiệu quả, quy định cho chặt chẽ, nếu không tiêu cực vẫn sẵn sàng xảy ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận