Ông Nghĩa (trái) chỉ đạo lực lượng liên ngành kiểm tra, đấu tranh, bóc mẽ hành vi vận tải sai phạm của xe 75A-115.23. Ảnh XH |
Khoảng 13 giờ 30 cùng ngày (31/1), nhận tin báo của người dân, Phó giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Bùi Thành Thuận chỉ đạo TTGT cùng lực lượng liên ngành, gồm TTGT, CSGT, CSTT- Công an Đà Nẵng tổ chức TTKS, đón lõng xe 7 chỗ BKS 75A-115.23 (thuộc HTX Dịch vụ vận tải Cố Đô) do tài xế Bùi Văn Anh Khoa (trú Hà Mặc Tử, TP.Huế, T.T-Huế) khi vừa lưu thông qua phía Nam hầm Hải Vân về phía Đà Nẵng lúc 15 giờ 40 chiều 31/1.
Theo ông Bùi Thành Thuận, ngay trong ngày 31/1, lãnh đạo các đơn vị Sở GTVT, Phòng CSGT, Phòng CSTT (Công an Đà Nẵng) đã họp bàn các giải pháp để kiểm tra, xử lý vấn nạn xe trá hình đối phó. Theo đó, chỉ cần có hành khách trên xe làm chứng, ký xác nhận đặt xe, gọi điện tổng đài và được nhà xe đến đón… sẽ xác định lỗi vi phạm quy định hoạt động vận tải hành khách, xử lý nghiêm. |
Đây lần thứ 2 xe 7 chỗ 75A bị lực lượng liên ngành dừng kiểm tra trong ngày 31/1 vì biểu hiện quay vòng liên tục đón trả khách, nhưng tài xế dùng đủ chiêu đối phó, lách luật tinh vi.
Chánh TTGT Đà Nẵng Nguyễn Trung Nghĩa trực tiếp có mặt hiện trường TTKS, chỉ đạo lực lượng liên ngành đấu tranh, làm rõ các hành vi sai phạm của nhà xe 75A-115.23.
Bị kiểm tra, tài xế Khoa thản nhiên trình phù hiệu xe hợp đồng, xe du lịch do Sở GTVT T.T-Huế cấp duyệt, cùng bộ hợp đồng vận chuyển hành khách, danh sách khách hợp đồng. Mới nhìn, dễ thấy đây là chiêu “đối phó hoàn hảo” nhằm qua mắt lực lượng chức năng.
Liên ngành Đà Nẵng đề nghị phía Thừa Thiên-Huế phối hợp để rà soát, thu hồi phù hiệu những xe ô tô trá hình như thế này |
Hàng loạt phù hiệu được cấp cho các xe 7-16 chỗ nhưng thực chất chạy trá hình. Công tác hậu kiểm, giám sát các xe này của phía địa phương cấp phép còn "bỏ ngỏ". Ảnh: XH |
Tuy nhiên, bằng biện pháp nghiệp vụ, TTGT mời 6 hành khách xuống xe, “cách ly” ra khỏi tài xế. Lực lượng liên ngành phổ biến rõ nội dung, mục đích TTKS, vận động người dân hợp tác để đấu tranh, ngăn ngừa các hành vi lách luật, không đảm bảo các điều kiện kinh doanh.
Ngay sau đó, chị Lê Thị Thanh L. (đường Phạm Ngũ Lão, TP.Huế), người được tài xế Khoa cho làm “đại diện” đứng tên danh sách ký hợp đồng với HTX Dịch vụ vận tải Cố Đô, xác nhận: trưa cùng ngày (31/1), chị cùng 3 người thân gọi điện đến đặt chỗ và được nhà xe ghi tên vào hợp đồng, với giá 100.000 đồng/khách cho hành trình vào Đà Nẵng. Sau đó, xe 75A-115.23 tiếp tục đón thêm 2 khách lẻ khác tại địa chỉ 21 Phạm Ngũ Lão.
Trình bày với tổ liên ngành chị Ngô Thị Hà M. hành khách trên xe cũng xác nhận: gọi điện đặt chỗ đến nhà xe 75A-115.23 và được đón lúc hơn 13 giờ, giá vé 100.000 đồng/người để vào Đà Nẵng.
“Trên xe tài xế dặn khi bị lực lượng TTKS kiểm tra thì nói là đi cùng đoàn, tôi đâu biết mọi việc lại phức tạp, vi phạm như thế”, chị M. nói.
Trước các bằng chứng không thể chối cãi, tài xế Khoa mới tâm phục khẩu phục nhận lỗi vi phạm xe hợp đồng nhưng xác nhận đặt chỗ, đón khách lẻ theo quy định tại điểm q, khoản 3, điều 28 Nghị định 46 của Chính phủ về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông. Với lỗi này, tổ liên ngành lập cả biên bản vi phạm tài xế và phía chủ xe.
Nhiều hành khách xác nhận đặt chỗ qua điện thoại, bóc mẽ "hợp đồng trá hình" của nhà xe 75A-115.23. Ảnh XH |
Ông Nguyễn Văn Sơn- Giám đốc HTX DV Vận tải Cố Đô ký hàng loạt lệnh vận chuyển, hợp đồng để trống các thông tin cho xe 75A-115.23 điền vào, đối phó cơ quan chức năng. Ảnh XH |
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trung Nghĩa cho hay: Rõ ràng về bản chất không thể có xe hợp đồng mà chạy liên tục quay vòng ngày 2-3 lượt, trùng tuyến Huế-Đà Nẵng như xe 75A-115.23. Tuy nhiên, các xe này dùng đủ chiêu đối phó, lách luật nên đòi hỏi sự đấu tranh, làm rõ hành vi sai phạm để tài xế tâm phục khẩu phục. Như xe 75A-115.23, sau 2 lần dừng xe TTKS, đơn vị thu thập đủ chứng lý để xử phạt “đúng người đúng tội”.
Hầu hết xe vi phạm đều được cấp phù hiệu ở Huế Thống kê, chỉ trong tháng 1/2018, liên ngành Đà Nẵng đã kiểm tra, xử lý hơn 70 trường hợp xe chở khách vi phạm quy định về trật tự vận tải hành khách, chạy chui, trá hình núp bóng xe hợp đồng, du lịch. Trong đó, có đến khoảng 50 xe ô tô chở khách sai quy định trên tuyến Đà Nẵng-Huế và ngược lại. Đáng nói, trong số xe này có nhiều xe không được cấp phép vận tải, phù hiệu nhưng vẫn chở khách, kinh doanh. Số còn lại là các xe có phù hiệu và hầu hết do Sở GTVT T.T-Huế cấp phép, đặt ra vấn đề về giám sát, quản lý hoạt động của các xe này sau cấp phép. Phía Sở GTVT Đà Nẵng cho biết đang tổng hợp danh sách gửi cơ quan chức năng Huế, trường hợp vi phạm sẽ tiến hành rút phù hiệu theo quy định. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận