Chuyện dọc đường

Chấp hành pháp luật, thoát được tai ương

14/11/2016, 05:36

Sống chết là lý đương nhiên của kiếp người hữu hạn trên cõi đời này, nhưng đối với sự sống thì ai cũng muốn...

3

Hàng nghìn tăng ni, Phật tử thành tâm cầu nguyện cho các nạn nhân tử vong do TNGT - Ảnh: Tạ Tôn

Tuy nhiên, con người lại rất hay bất cẩn khi tham gia giao thông, không tôn trọng pháp luật TTATGT, đã khiến biết bao người phải chết và biết bao người bị thương tật suốt đời vì TNGT; Đã xảy ra biết bao cảnh con xa cha, vợ xa chồng, anh xa em, gia đình ly tán, đau thương trên khắp thế giới cũng như tại Việt Nam.

Thiệt hại về nhân mạng là không gì bù đắp được, di chứng thương đau của TNGT là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa. Vì vậy, mỗi người Việt Nam cần nhận thức sâu sắc về tác hại khôn lường của tai họa này đến sự phát triển của giống nòi và tiến trình vươn lên của dân tộc.

Tuy rằng, năm nay số lượng người chết cũng như số vụ TNGT có suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại xảy ra rất nhiều vụ TNGT thảm khốc, đặc biệt nghiêm trọng và thương tâm. Đây là lời cảnh báo nguy cấp mà mọi người chúng ta trong xã hội có trách nhiệm phải quan tâm, nỗ lực tuyên truyền, phát động mạnh mẽ hơn nữa thành cao trào bảo vệ luật pháp, nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, an toàn xã hội, giữ gìn tính mạng, như tục ngữ Việt Nam có câu: “Người sống như đống vàng, còn người là còn tất cả. Mất người là mất tất cả”.

Đối với đạo Phật, vấn đề Nhân - Quả là chính. Tránh được Nhân thì Quả không có. Từ đó, nếu áp dụng luật Nhân - Quả, chúng ta sẽ nhận ra rằng: “Thà chậm một giây còn hơn gây tai nạn. Lùi đi một bước, thoát được tai ương”. Nói chung, người điều khiển phương tiện giao thông phải có sự tỉnh thức, chính niệm. Nói khác đi, nếu tôn trọng luật pháp, pháp luật TTATGT thì không phải chịu quả báo xấu, đưa đến tán thân, mất mạng, đau thương, tang tóc, chia ly mà sẽ bảo vệ được tính mạng cho chính mình, cho người khác và cộng đồng xã hội, tạo được nét đẹp văn hóa, văn minh, ATGT trên mọi nẻo đường đất nước Việt Nam.

Trong ý nghĩa thế giới chan hòa, duyên khởi của đạo Phật đối với người đã mất và những người còn sống, âm có siêu thì dương mới thái, người thác có siêu sinh thoát hóa, người sống mới an lòng, an dạ, gia đình yên vui, hạnh phúc vừa thoát tai ương. Tại Đại lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong do TNGT, bằng Phật lực gia trì, năng lực chú nguyện của chư Tôn đức tăng ni, tiếng kinh siêu độ, một nén hương tưởng niệm xin cầu nguyện chư linh những người đã mất vì TNGT sẽ được thanh thản về mặt tinh thần, an nhàn nơi cõi tịnh; Cầu nguyện cho những người còn sống luôn được hạnh phúc và an lạc, cát tường như ý. Thành thật chia sẻ những mất mát đau thương với các thân nhân gia đình bị tai ương trong tình nhân loại, trong một xã hội chan chứa tình người, máu chảy ruột mềm, trong mối tương quan tương duyên cùng tồn tại trong cộng đồng xã hội Việt Nam.

Đại lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong do TNGT cũng là thông điệp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi đến tăng ni Phật giáo đồ cả nước lời nhắn nhủ mọi người hãy vì cuộc sống bình yên cho chính mình, cho thân nhân và cộng đồng xã hội, nỗ lực thực hành đúng pháp luật TTATGT để bảo vệ tính mạng của chính mình và cùng cộng đồng xã hội giảm thiểu tối đa TNGT trong thời gian tới. Đó chính là ý nghĩa thiết thực, hành động cụ thể của chúng ta đối với những người đã khuất cũng như những người còn sống trong một xã hội văn minh, an toàn tuyệt đối do con người tạo nên.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết 
Phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.