Ông Vũ Mão |
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã khép lại với việc hầu hết thành viên Chính phủ đều lên “ghế nóng”. Việc tranh luận giữa các ĐBQH cũng diễn ra sôi nổi chưa từng thấy. Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - với tư cách là một người quan sát nghị trường trao đổi với Báo Giao thông về những ưu điểm và hạn chế của cách thức chất vấn lần này.
Chưa đi đến cùng những vấn đề bức xúc
Đây là lần đầu tiên phiên chất vấn được tiến hành theo hình thức “ĐBQH hỏi vấn đề ngành nào, tư lệnh ngành đó trả lời”, thay vì chốt cứng danh sách 4 bộ trưởng như thông lệ. Theo dõi 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, ông đánh giá thế nào?
Chất vấn lần này có đổi mới về nội dung và phương thức. Nhìn tổng quan có thể thấy không khí chất vấn hiếm có lần nào sôi động, hào hứng như vậy. Đây là việc rất cần thiết trong sinh hoạt nghị trường. Số người chất vấn và trả lời chất vấn rất đông, chưa từng có. Mọi người rất nghiêm túc, ý thức, cầu thị và trách nhiệm, từ ĐBQH đến những người trả lời chất vấn. Phương châm hỏi nhanh đáp gọn cơ bản đạt được, nhưng vẫn còn chuyện phải bàn.
Có ý kiến nên coi việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành hay việc giải quyết kiến nghị cử tri là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Điều đó cũng cần thiết nhưng phải trên cơ sở có giám sát, có báo cáo trả lời xem người ta thực hiện thế nào, khi đó mới kết luận việc đó họ có hoàn thành hay không. Việc xây dựng chế tài xử lý những người không thực hiện lời hứa không vướng mắc gì, nhưng cần có văn bản quy định rõ ràng. |
Nếu những lần trước chọn những vấn đề gay cấn mà xã hội, nhiều người quan tâm, là nút thắt cần giải quyết, thì lần này mở rộng, bất cứ ĐBQH hỏi vấn đề gì cũng được và các bộ trưởng, trưởng ngành phải trả lời. Rõ ràng là tính chất đã khác. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của chất vấn là đưa ra những vấn đề quan trọng, bức xúc, đụng chạm quyền lợi của đa số người dân, vì thế, tôi cảm nhận lần này hơi dàn trải. Phương châm đặt ra lúc đầu là đúng hướng, nhưng thực tế diễn ra trong 3 ngày chất vấn lại không hẳn như vậy.
Đáng lẽ phải đưa ra những vấn đề các tư lệnh ngành đã hứa, cái gì chưa làm được thì chất vấn xem vì sao chưa thực hiện, vướng mắc gì, giải pháp ra sao, như vậy mới đi đến cùng được những vấn đề đó. Nhưng lần này lại không phải giám sát những lời hứa đó mà tôi thấy ĐBQH hỏi rất rộng, cả những vấn đề mới.
Theo ông, trong lần chất vấn tới, có nên áp dụng hình thư như vừa rồi không?
Vấn đề này cần nghiên cứu để hoàn thiện thêm, bởi rõ ràng nó có cả những mặt được và chưa được như tôi đã đề cập.
Thực tế, nhiều ĐBQH ủng hộ phương pháp chất vấn theo từng nhóm vấn đề hơn là chất vấn rộng như lần này, ông nghĩ sao?
Xuất phát từ mục đích và yêu cầu của chất vấn, trả lời chất vấn, phải đi đến cùng thì tốt hơn. Ví dụ, lần này có 4 bộ trưởng trả lời, thậm chí chỉ cần ít thôi, tinh mà tốt còn hơn tràn lan. Nhiều bộ trưởng trả lời mà không vấn đề nào đi đến cùng thì nên cho 1-2 bộ trưởng trả lời đi đến cùng hiệu quả cao hơn.
Nhưng trước đây, vẫn có những chất vấn chưa đi được đến cùng, dù đã thực hiện theo cách thức như ông nói?
Trước đây cũng chưa đi đến cùng, ví dụ ở khóa XIII, khi tranh luận về vai trò 4 nhà, nhà nào chịu trách nhiệm chính, khi đó anh Nguyễn Quân là Bộ trưởng KH-CN nói doanh nghiệp phải có trách nhiệm, nhưng anh Cao Đức Phát, Bộ trưởng NN&PTNT lại nói Nhà nước quan trọng nhất. Cuối cùng thì cũng bỏ qua không kết luận, trong khi đáng ra cho tranh luận đến cùng để phân tích.
Đến lần này cũng không có vấn đề nào đi sâu được. Hỏi nhanh cũng được, nhưng đáp gọn 3 phút nhiều khi không thể nói cặn kẽ. Cái chính là sản phẩm của chất vấn và chất lượng, hiệu quả của chất vấn chứ không phải thời gian, không nên lấy thời gian để khống chế mọi thứ. Theo tôi có lẽ cần tính lại chỗ này.
Nhưng nếu không đủ thời gian trên hội trường, bộ trưởng vẫn có thể trả lời ĐBQH bằng văn bản?
Việc trả lời bằng văn bản ta chưa có quy định cụ thể. Bộ trưởng trả lời ĐB đó nhưng vấn đề rất lớn, hệ trọng, liên quan nhiều người thì khi trả lời bằng văn bản cũng cần có quy định công khai như thế nào. Trả lời văn bản rất khó đi đến cùng, lại không nhiều người biết bằng khi trả lời trực tiếp.
ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tại phiên chất vấn ngày 1/11 |
Đại biểu không nên “nói thay” người có nghĩa vụ trả lời chất vấn
Việc các ĐBQH có thể đặt bất cứ câu hỏi nào dành cho các tư lệnh ngành, trong đó có cả những vấn đề rất cụ thể của địa phương, theo ông có là một áp lực cho các bộ trưởng, trưởng ngành?
Đúng là áp lực rất lớn. Trước chúng ta chọn ra nhóm vấn đề bức xúc, quan trọng với người dân, các ĐBQH chất vấn xoay quanh vấn đề đó và người trả lời cũng xoay quanh đó. Lần này ta đặt ra giám sát việc thực hiện lời hứa thì chỉ khoanh vùng trong những nội dung chưa thực hiện được để đi đến cùng. Trong khi đó, ở phiên chất vấn vừa qua, ĐBQH hỏi gì bộ trưởng cũng phải trả lời. Vấn đề rộng quá thì khó, cụ thể quá cũng khó. Nhưng qua đây cũng thấy các bộ trưởng nắm khá vững và trả lời được.
Phiên chất vấn vừa qua chứng kiến nhiều tranh luận nảy lửa giữa các ĐBQH. Theo ông, các ĐB có nên tranh luận như thế, hay nên tập trung vào chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành?
Chất vấn và trả lời chất vấn chủ yếu là ĐBQH hỏi và các vị có trách nhiệm trả lời, làm rõ vấn đề và đi đến cùng vấn đề đó. Nếu cấp Bộ trưởng không nói rõ được thì cấp cao hơn là Phó Thủ tướng, Thủ tướng góp phần làm rõ.
Bản chất của chất vấn là ĐBQH chất vấn người có trách nhiệm nhưng cuối cùng thì ĐBQH lại tranh luận, như vậy không phải tính chất của chất vấn. Vừa qua, ĐB Lưu Bình Nhưỡng phát biểu về vấn đề liên quan ngành Công an, nhưng ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An lại tranh luận lại. Điều này là không chuẩn, vì đó là việc của Bộ trưởng Tô Lâm. Hay khi ĐB Phạm Thị Minh Hiền chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, có ĐB là lãnh đạo một Sở GD&ĐT cũng đứng lên tranh luận, trong khi đó là việc của Bộ trưởng Nhạ. Đại khái là Bộ trưởng chưa lên tiếng thì các vị ấy đã lên tiếng rồi, việc đó là không nên.
Trong thảo luận về kinh tế - xã hội thì giữa các ĐBQH có thể tranh luận với nhau để làm sáng tỏ một vấn đề, nhưng khi chất vấn, ĐBQH tranh luận như thế chưa phù hợp.
Tranh luận giữa các vị ĐBQH mà ông vừa nói tới “nóng” đến mức ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đã phải đứng lên “dàn xếp” và nhắc tới văn hóa nghị trường…
Anh Trương Trọng Nghĩa nói rất đúng, cần phải có văn hóa nghị trường, đại biểu không nên “nói thay”, nói hộ cho người có nghĩa vụ trả lời chất vấn.
Văn hóa nghị trường rất rộng, trước hết ĐBQH phải làm đúng chức năng nhiệm vụ. Văn hóa nghị trường nên được xây dựng để làm sao dân thấy được nghị trường Quốc hội là nơi để gửi gắm niềm tin, thấy được Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất.
Mọi cam kết và lời hứa của bộ trưởng, trưởng ngành đều được đưa vào Nghị quyết giám sát nhưng lại thiếu chế tài. Đó có phải khoảng trống cần nghiên cứu không, thưa ông?
Đó đúng là một khoảng trống. Giờ ta tiến bộ hơn trước là một số vấn đề chất vấn được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội. Nhưng cái quan trọng là tiếp theo đó họ thực hiện thế nào, các cơ quan của Quốc hội cần phân rõ ủy ban nào giám sát, đến kỳ họp sau các thành viên Chính phủ trả lời vấn đề đó trước Quốc hội thế nào, và bản thân cơ quan giám sát cũng phải có báo cáo trước Quốc hội. Lâu nay ta nói giám sát yếu là vì ta thiếu cơ chế, chế tài, nếu thiếu thì giám sát mãi yếu thôi.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận