Người ta thường thấy Trương Anh Ngọc ký sách cho độc giả cuối tuần trên phố Nguyễn Xí. FB của anh cập nhật liên tục hastag quanrachbansach. |
Cuốn Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu của anh đã tái bản chỉ sau 2 tuần, anh có bất ngờ về điều này?
Khi quyết định in cuốn “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu”, tôi cũng hơi băn khoăn một chút. Tôi đã tự hỏi là một cuốn sách thứ hai về nước Ý, sau cuốn “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi” đã rất thành công trước đó, liệu có được đón nhận hay không, khi vẫn viết về một chủ đề như thế? Liệu độc giả có sự so sánh nào giữa hai cuốn sách, hai khoảng thời gian tôi đã sống ở Ý, họ có cảm thấy tôi liên tục viết về nước Ý thì có nhàm không?
Nhưng cuốn sách mới ra đã được đón nhận rất nồng nhiệt. Tôi thực sự vui và ngạc nhiên.
Là một phóng viên, bình luận viên thể thao, điều gì khiến anh nghĩ những trải nghiệm ngoài bóng đá của mình sẽ có độc giả?
Những gì liên quan đến bóng đá thực ra chỉ đóng một vai trò rất phụ trong những việc tôi đã làm 10 năm gần đây. Kể từ khi rời cabin bình luận của Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội vào năm 2002, tôi không còn là một BLV chuyên nghiệp nữa. Tôi chỉ làm bình luận và khách mời về bóng đá trên truyền hình theo kiểu part-time. Công việc chính của tôi là làm phóng viên thường trú ở nước ngoài, cụ thể là ở Ý.
Khi tôi viết sách và đưa chúng đến với độc giả, tôi không viết với tư cách của một du khách đến nơi nào đó rồi đi ngay sau vài ngày, tới những địa điểm quen thuộc, chớp nhoáng cưỡi ngựa xem hoa và có khi trong lòng vẫn đầy định kiến hoặc suy nghĩ lệch lạc. Tôi cũng không viết với tư cách của một người quan sát bóng đá mà là của một người khao khát bước ra thế giới và cởi mở lòng mình với nó.
Độc giả đọc những gì tôi viết không phải vì tôi đã từng được biết đến với tư cách là một BLV bóng đá có tiếng, mà vì những gì tôi đã cảm nhận và mô tả, như tôi là một người trong số họ.
Anh có rất nhiều bài báo động chạm tới các đề tài nóng hoặc ghi lại nhiều cảm nhận ở châu Âu nhưng tại sao ra sách lại chỉ chăm chăm viết về nước Ý? Nếu không phải là Ý, mảnh đất nhiều mê đắm cả bởi bóng đá và tình yêu, anh có nghĩ mình viết được nhiều như thế - 3 cuốn sách trong 6 năm?
Tôi viết hai cuốn sách về nước Ý, bởi tôi cảm thấy mình mắc nợ đất nước hình chiếc ủng. Đó là mảnh đất tôi đã gắn bó rất nhiều năm, là nơi con tôi đã lớn lên, nơi chúng tôi cùng trưởng thành bên nhau theo tháng năm. Đó cũng là nơi tôi đã đặt chân tới để không chỉ công tác mà còn sống, trải nghiệm hết mình, là nơi tôi đã cháy lên nhiệt huyết và đam mê của tuổi trẻ, để từ đó tôi đi ra nhiều nơi khác nữa trên thế giới.
Hai cuốn sách viết về nước Ý là hai cuốn ra đời sau các nhiệm kì công tác của tôi ở đó. Cuốn khác, “Phút 90++” viết về những mảnh đất khác, cũng chính là những chuyến đi xuất phát từ nước Ý. Những ghi chép và ảnh của tôi về những mảnh đất khác trong hành trình mấy nghìn ngày ở Ý rất nhiều. Tôi sẽ “xả” dần dần. Sẽ không phải chỉ là những cuốn sách về Ý nữa, mà là những cuốn du kí khác về nhiều nơi tôi đã đặt chân tới trong bao năm qua. "Tôi không chỉ có Ý đâu" (cười).
Có điều gì thú vị về cuốn sách mà anh chưa từng tiết lộ?
Toàn bộ ảnh bìa và các ảnh khác trong cuốn “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu” đều do chính tay tôi chụp. Ảnh của hai cuốn trước, “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi” và “Phút 90++” cũng thế. Nhiều người hỏi tôi về thông điệp ẩn bên trong bìa cuốn “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu”. Đấy là bức ảnh tôi chụp ở thung lũng Orcia, xứ Toscana, miền Trung Italia, vào tháng 7/2010.
Bức ảnh có rất nhiều gam màu, nhưng nổi bật nhất là một cây thông đứng giữa cánh đồng lúa mì vàng óng đã gặt xong. Tuy nhiên nó không đứng một mình vì có bóng ở bên cạnh. Người Ý rất sợ cô đơn nên họ luôn yêu một ai đó, một cái gì đó để cảm thấy mình có giá trị để tồn tại. Cái cây này cũng thế. Nó không cô đơn, vì nó có bóng ở bên.
Cuốn Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu của Trương Anh Ngọc đã tái bản sau 2 tuần ra mắt |
Anh có nhiều người hâm mộ nhưng cũng có không ít người dị ứng với những chia sẻ của anh. Có người nói "Với Anh Ngọc, cái gì ở Tây cũng là nhất, "bài nội" là thái độ không đáng có", anh nói gì về điều này?
Tôi nói thật là góp ý với người Việt luôn khó, vì nhiều người luôn xù lông nhím ra. Họ dị ứng với những chia sẻ hay phát ngôn của tôi vì không hiểu những thông điệp ngầm mà tôi đang hướng tới: Có quá nhiều điều tiêu cực, những hành xử chưa đẹp trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta vì ta đã chấp nhận chúng như là một phần của cuộc sống. Nhiều người đã thoả hiệp với chúng, đã sống một cách tuỳ tiện, thiếu văn minh, thiếu ý thức. Từ đi ngược chiều cho đến vượt đèn đỏ, vứt rác ra hè, cư xử thiếu lịch sự và văn hoá…
Tôi không chê Việt Nam và cũng không nói Tây cái gì cũng nhất. Bằng chứng là tôi viết rất nhiều bài báo về các vấn đề liên quan đến kinh tế, chính trị và xã hội Phương Tây mà chưa từng né tránh điều đó. Tôi chỉ nói đến những vấn đề tiêu cực tưởng như rất nhỏ trong cuộc sống của chúng ta mà nếu chúng ta chấp nhận nó sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta thêm xấu xí.
Là một hot facebooker hiếm hoi công khai phản đối những thói hư tật xấu của đàn ông Việt. Anh có tự tin mình là một mẫu đàn ông tốt?
(Cười) Tôi chưa bao giờ vỗ ngực bảo rằng mình là chồng tốt hay cha tốt. Tôi chỉ cố gắng sống tốt nhất, lành mạnh nhất và đàng hoàng, văn minh nhất có thể cho gia đình và xã hội. Chuyện tôi công khai phản đối thói hư tật xấu của đàn ông Việt không xuất phát từ việc tôi cho rằng, mình văn minh hơn họ, hoặc mình tốt hơn họ. Tôi chưa từng có suy nghĩ đó. Nguyên nhân từ việc tôi nhận thấy một bộ phận đàn ông Việt sống bê tha, buông thả, gia trưởng, độc đoán và quá ích kỉ.
Mỗi ngày đi làm về, qua những quán bia gần nhà, thấy quán nào cũng đông các ông trong tuổi đi làm, tôi luôn tự hỏi, giờ này vợ con họ ở nhà ra sao? Mỗi lần đọc những bài báo viết về tình trạng uống rượu bia hoặc côn đồ với nhau, bạo hành với phụ nữ và những quan điểm vô cùng lạc hậu về người phụ nữ, tôi chỉ thấy buồn và nghĩ rằng, mình sẽ phải tiếp tục lên tiếng. Đây là thế kỉ 21 rồi, không còn là thời Trung cổ nữa.
Anh có sợ bị công kích và ném đá? Hình như anh thường block những người công kích mình trên trang facebook cá nhân?
Công kích và ném đá ư? Tôi đâu có ngại tranh luận, tranh luận một cách tôn trọng lẫn nhau và có văn hoá thì không có vấn đề gì.
Tôi luôn tôn trọng những quan điểm trái chiều. Tôi chưa hề block một ai nói khác ý với tôi. Không có chuyện tôi block các tài khoản trái chiều mà chỉ block những ai thiếu văn hoá, không biết tôn trọng người khác.
Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận