Ở Châu Âu bán theo hình thức trao đổi đơn vị hạn ngạch tấn CO2, chứ không phải tín chỉ carbon. Còn Việt Nam là tín chỉ carbon tự nguyện.
Đó là thông tin ông Nguyễn Văn Minh, trưởng phòng Kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) thông tin tại hội thảo "Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam xanh".
Ông Minh giải thích tín chỉ carbon thường chỉ giao dịch trên thị trường carbon tự nguyện, giá chỉ khoảng 1-2 USD/tín chỉ.
Còn hạn ngạch carbon được hiểu là doanh nghiệp được phân giao một hạn mức giảm phát thải nhất định, và doanh nghiệp phải mua hạn ngạch để bù trừ vào.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp sản xuất phải giảm phát thải 1.000 tấn CO2 (quy đổi ra 1.000 tín chỉ) mỗi năm. Nếu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giảm thải carbon trong sản xuất để giảm được 800 tín chỉ, họ cần mua thêm 200 tín chỉ nữa (từ đơn vị trung gian) để bù lại. Việc mua tín chỉ carbon của doanh nghiệp này chính là thị trường bắt buộc. Lúc đó giá sẽ rất cao, lên đến hàng trăm USD/tín chỉ.
Hiện trên thế giới có 70 quốc gia tham gia vào thị trường này, Việt Nam tham gia từ giữa năm 2000, trên thị trường tự nguyện. Còn việc phân giao hạn ngạch hiện chỉ đang ở bước xây dựng danh mục các doanh nghiệp thực hiện báo cáo kiểm kê, sau đó mới có tính toán và phân giao hạn ngạch.
Theo kế hoạch, năm 2025 sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, dự kiến vận hành chính thức vào năm 2028. Giai đoạn đến hết năm 2027 là xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon, xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
"Đây cũng là giai đoạn triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon", ông Minh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận