Tại buổi họp báo ngày 8/9 tại tỉnh Bình Dương để cung cấp thông tin liên quan đến vụ cháy karaoke An Phú tại TP Thuận An khiến 32 người tử vong.
Nhiều phóng viên đặt câu hỏi về việc thẩm duyệt điều kiện phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở karaoke An Phú có đảm bảo an toàn về lối thoát hiểm, điều kiện hoạt động như quy định không?...
Ông Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết hiện Viện Khoa học hình sự, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (C01), Bộ Công an và Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Bình Dương khám nghiệm hiện trường, làm rõ nguyên nhân vụ cháy.
"Quá trình này sẽ làm việc với chủ cơ sở kinh doanh, quản lý, giúp việc, nhân viên… để đánh giá toàn bộ nội dung, quy trình hoạt động... Trên cơ sở khám nghiệm hiện trường mới đánh giá được nguyên nhân vụ cháy và các điều kiện phòng cháy chữa cháy để từ đó kết luận nguyên nhân vụ việc", ông Quyên nói.
Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cũng cho biết, hầu hết cơ sở kinh doanh karaoke đều được Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07), Công an tỉnh và lực lượng phòng cháy, chữa cháy của quận, huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ cơ sở, đội ngũ quản lý, nhân viên phục vụ về quy chuẩn, quy trình phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên khi xảy ra cháy, tâm lý hoảng loạn nên việc thực hiện quy trình phòng cháy, chữa cháy có hạn chế.
Chưa có quy chuẩn riêng cho phòng karaoke
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, từ vụ cháy chấn động trên đã lộ ra nhiều lỗ hổng trong quy định về quản lý, cấp phép hoạt động, xây dựng mô hình dịch vụ karaoke. Có người còn đặt vấn đề cần quy hoạch dịch vụ karaoke thành những khu vực riêng biệt, không nằm trong khu dân cư.
Kỹ sư xây dựng Phạm Công Trình, Giám đốc một công ty chuyên về xây dựng tại quận 8, TP.HCM cho biết hiện nay chưa có có quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy riêng cho quán karaoke.
Hiện nay, các nhà và công trình đang áp dụng quy chuẩn an toàn cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành. Mới nhất là bộ quy chuẩn được ban hành tháng 5/2021 còn gọi là QCVN 06:2021/BXD.
Lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương làm chết 32 người.
Theo ý kiến của kỹ sư Trình đối với những công trình cao tầng như chung cư, công trình có chức năng dịch vụ, thương mại, cơ sở văn hóa, thể thao như bar, quán karaoke, cần yêu cầu phòng cháy chữa cháy phải cao hơn.
Trước khi xây, các công trình trên phải được Cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy thẩm duyệt phương án phòng cháy chữa cháy bảo bảo yêu cầu thì cơ quan quản lý về xây dựng mới cấp phép xây công trình. Khi xây dựng xong phải được nghiệm thu đủ điều kiện mới được hoạt động.
Còn kiến trúc sư Phan Quang Vinh (Công ty TNHH Kiến Trúc và xây dựng An Gia) cho biết, hiện nay, để được cấp phép chủ cơ sở kinh doanh karaoke phải tuân thủ theo nghị định số: 54 ngày 19/6/2019 của Chính phủ, quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường).
Tuy nhiên, tại Điều 4 của nghị Định này chỉ qui định phòng không được nhỏ hơn 20m2, không kể công trình phụ. Nhưng lại không qui định về mật độ người sử dụng (nghĩa là tiêu chuẩn bao nhiêu m2 sử dụng trên 1 người). Vậy với 20m2 không qui định bao nhiêu người được sử dụng phòng này. Ngoài ra, nghị định này cũng không qui định chi tiết về chiều rộng cửa phòng và hướng mở cửa phòng.
“Theo nguyên lý thoát hiểm, cửa phòng phải có hướng mở ra ngoài hành lang thoát hiểm, để khi có sự cố, người sử dụng có thể tông cửa để thoát nạn, theo quan sát của tôi, cửa các phòng karaoke hiện nay đều có hướng mở vào phòng vì lý do thiếu diện tích. Bên cạnh đó, bề rộng của hành lang thoát hiểm trên diện tích sàn xây dựng cũng không được quan tâm, do vậy khi có sự cố, lượng người cần thoát hiểm lớn, diện tích hành làng thoát hiểm không đảm bảo để lượng người có thể thoát ra”, kiến trúc sư Vinh nói.
Nghị định cũng quy định về về tiêu chuẩn: kích thước chiều rộng cửa đi 0,8m, chiều rộng lối đi của cửa 1m, chiều rộng hành lang thoát hiểm: 1,4m, chiều rộng vế thang thoát hiểm: 1.05m; Tiêu chuẩn chiều cao của cửa thoát hiểm (các tầng, tầng hầm, tầng áp mái) được qui định lần lượt không nhỏ hơn 2m, 1,9m, 1,5m.
Có nên đẩy karaoke ra khỏi khu dân cư?
Theo kiến trúc sư Quang Vinh, thực tế hiện nay, các quán karaoke thường được thuê mướn nhà dân để cải tạo, phục vụ nhu cầu kinh doanh. Thực tế thì có sự khác biệt rất lớn về công năng sử dụng giữa nhà phục vụ nhu cầu ở và quán karaoke phục vụ cho việc ca hát giải trí.
Do vậy việc cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh gặp nhiều khó khăn, để đảm bảo cho việc đáp ứng đúng yêu cầu của một cở sở kinh doanh karaoke, từ vật liệu cách âm, đảm bảo về diện tích phòng ốc, hành lang thoát hiểm, chiều cao tầng nhà, đến việc bố trí hệ thống phòng cháy chữa cháy đúng theo qui định là rất khó. Bên cạnh đó, khi cải tạo sẽ làm thay đổi kết cấu của công trình, làm ảnh hưởng tuổi thọ công trình, công trình nhanh xuống cấp.
Ngoài ra, hệ số không gian sàn (m2/người) của công trình nhà ở và công trình karaoke, giải trí là rất khác nhau. Cụ thể theo qui định đối với nhà ở là 8-10m2/1 người, trong khi đối với phòng hát là 0,5-1,5m2/1 người. Hệ số an toàn áp dụng cho mỗi loại công trình cũng khác nhau, do vậy việc cải tạo từ nhà ở thành công trình kinh doanh dịch vụ karaoke là khó khả thi và không đúng theo tiêu chuẩn xây dựng Viêt Nam hiện hành.
Nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của dịch vụ kinh doanh karaoke đối với người dân các địa phương cần quy hoạch những khu vực riêng về dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường nằm riêng biệt.
Nếu được quy hoạch riêng sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu giải trí của người dân, cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn xây dựng công trình, phòng cháy chữa cháy hiệu quả. Giải quyết được nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của người dân.
Không được chốt cửa trong phòng karaoke
Luật sư Lê Bá Thường cho biết: Nếu cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường không bảo đảm diện tích theo quy định; Đặt chốt cửa bên trong phòng hát karaoke, phòng vũ trường; Đặt thiết bị báo động, trừ các thiết bị báo cháy nổ sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 15 đến 20 triệu đồng (Khoản 6 Điều 15 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận