Chuyện dọc đường

Chén rượu cướp đi sinh mạng vợ con

23/09/2019, 19:36

Nâng ly chúc mừng sinh nhật con trai xong vẫn cầm lái, người chồng ấy đã tự gây tai nạn khiến cả vợ và hai con tử vong, bản thân thì nguy kịch.

img
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm chiều 22/9 tại Sóc Sơn và cháu nhỏ được đưa vào BV Đa khoa Vĩnh Phúc cấp cứu

Hình ảnh vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên QL18 qua Sóc Sơn chiều 22/9 khiến ai nấy đều bàng hoàng, thương xót, khi cả bốn người trong gia đình nằm sõng soài trên đường với đầy thương tích.

Người mẹ (chị Trần Thị Tuyết, SN 1993) và cậu con trai lớn (bé Nguyễn Gia Bảo, SN 2015) đã tử vong tại chỗ, bé gái (Nguyễn Gia Hân, SN 2018) tử vong trên đường đến Bệnh viện. Tới thời điểm này, người bố trẻ (anh Nguyễn Văn Thuỷ (SN 1994, ở xã Ngọc Thanh, Tx. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) – là người cầm lái chiếc xe máy tự đâm vào hàng rào lan can sắt ven đường gây tai nạn cho cả gia đình, vẫn đang nguy kịch.

Ít ai biết, chỉ mới cách đó vài tiếng, gia đình nhỏ ấy còn quây quần, vui vẻ trong bữa tiệc sinh nhật của bé trai 5 tuổi. Bữa tiệc được tổ chức ở Bắc Giang – nhà ông bà ngoại của bé. Sau bữa tiệc có cả rượu bia, người bố dùng xe máy chở mẹ và hai con nhỏ trở về nhà ở Vĩnh Phúc. Dường như, họ đã có kế hoạch tổ chức một buổi tối sinh nhật đầm ấm nữa tại nhà riêng.

Nhưng bữa tiệc tối ấy đã không bao giờ diễn ra, bé trai đã vĩnh viễn ra đi trong ngày sinh nhật ở tuổi lên 5 của mình, cùng với mẹ và em gái.

Người bố - nạn nhân còn sống sót duy nhất của vụ tai nạn, đang được nỗ lực cứu chữa để vượt qua cơn nguy kịch. Nhưng khi tỉnh dậy, biết vợ con đều đã tử vong, mà bản thân mình lại là người gây nên nỗi đau tột cùng ấy, liệu người đàn ông ấy sẽ gượng dậy mà sống thế nào?

Hai năm về trước, anh Cao Đức Dương (SN 1986 ở xã Đại Hà, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) uống rượu bia xong vẫn điều khiển xe máy chở theo vợ là chị Đồng Thị Cúc (SN 1989) đang có thai tháng thứ 8 và các con Cao Đức Huy (SN 2008), Cao Thị Ngọc Quỳnh (SN 2011) va chạm với xe ô tô 4 chỗ. Hậu quả, anh Dương bị chấn thương sọ não nặng, 2 cháu Quỳnh, Huy cũng bị chấn thương sọ não. Còn chị Cúc bị chấn thương sọ não, hôn mê sâu, các bác sỹ phải mổ gấp cứu thành công thai nhi 8 tháng tuổi trong bụng chị Cúc.

Sau vụ tai nạn, anh Dương và cháu Quỳnh trở thành người ngơ ngẩn vì chấn thương sọ não. Bé Trọng sinh non 8 tháng được bà nội đưa về nuôi trong sự hỗ trợ, đùm bọc của cả cộng đồng. Nhưng đau thương chưa dừng ở đó, do thiếu người chăm sóc, bé Trọng khi đã 3 tuổi bị rơi xuống ao nhà, đuối nước tử vong trong lúc bà nội mải phơi thóc trong sân.

Đã nhiều lắm, những gia đình tan nát, những mạng người ra đi oan uổng chỉ vì những “ma men” sau tay lái. Nhưng nỗi đau của những vụ TNGT do chính người bố - người lẽ ra làm trụ cột bảo vệ gia đình, vợ con lại là người gây nên cái chết cho vợ con mình, thì lại càng đớn đau, day dứt gấp bội.

Nguyễn Thị Lan (SN 1997, ở thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) mồ côi bố mẹ từ bé, em phải bươn chải vừa làm thuê vừa đi học. Lan rất xinh đẹp, da trắng dáng cao, ánh mắt ngời sáng, nhưng nửa người trái của em bị liệt. Khuyết tật và gia cảnh mồ côi của Lan, bắt nguồn từ chén rượu của người cha.

Hôm ấy là Tết, bố chở mẹ con Lan trên xe máy về nhà ngoại chúc Tết. Do có uống chút rượu bia trước đó, nên bố Lan điều khiển xe đâm thẳng vào cột điện. Mẹ Lan bị văng ra ngoài, tử vong tại chỗ, Lan bị thương nặng rồi dẫn tới bị liệt nửa người. Bố Lan cũng bị chấn thương, vết khâu ở khắp đầu, chân tay. Người bố thương tật từ ngày đó vừa làm cha vừa làm mẹ, gắng gượng làm tất cả mọi việc để nuôi dưỡng và điều trị cho Lan.

Lan vẫn nhớ, suốt từ sau vụ tai nạn đến khi nhắm mắt từ giã cõi đời, bố đã luôn suy sụp và day dứt vì trót uống rượu vẫn điều khiển xe, gây nên tai nạn làm vợ tử vong, con tàn tật. Nỗi đau ấy cùng sự vất vả chăm sóc con bị liệt, sức khỏe của bố Lan ngày càng suy yếu. 6 năm sau ngày vợ mất, ông đổ bệnh và ra đi, để lại cô con gái nhỏ tật nguyền bơ vơ giữa dòng đời.

Giờ đây đã khôn lớn, Lan vẫn đau đáu suy nghĩ, tại sao người ta say rượu rồi vẫn cố điều khiển phương tiện? Tại sao những người vợ, người mẹ khi thấy chồng, con say xỉn, vẫn chấp nhận ngồi lên phương tiện đầy nguy hiểm ấy, để rồi chuốc lấy cái chết tức tưởi hoặc thương tật cho bản thân mình, cho con cái?

Giá như, khi không khuyên nhủ được chồng con đừng cầm lái, những người vợ, người mẹ nên cương quyết từ chối bước lên xe, thì nỗi đau từ những vụ TNGT liên quan đến “ma men” cũng bớt phần thảm khốc, đau thương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.