Thế giới giao thông

Chi 62 tỷ USD giải quyết "tắc đường kiểu Nga"

06/01/2016, 18:35

Nga vừa thông báo một kế hoạch ngân sách “khủng” để giải quyết vấn nạn ùn tắc cho Moscow

Moscow
Một bên đường bị tắc tại Moscow.

Chính quyền TP Moscow, Nga vừa thông báo một kế hoạch ngân sách “khủng” để giải quyết vấn nạn ùn tắc đã trở thành “cơm bữa” của người dân xứ bạch dương.

Tắc đường kiểu Nga

Lâu nay, Moscow luôn đứng trong top đầu những thành phố tắc nghẽn nhất thế giới. Theo thống kê của Telegraph năm 2015 thì Moscow “vượt” Rio de Janeiro (Brasil) và TP Mexico (Mexico) để đứng thứ hai trong danh sách các thành phố tắc nghẽn nhất thế giới, sau Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Còn theo số liệu thống kê hàng năm do Công ty định vị đường TomTom thực hiện thì Moscow đứng đầu. Theo tính toán của TomTom, tại Moscow, một quãng đường di chuyển trong 30 phút ở điều kiện bình thường sẽ mất tới 68 phút trong những giờ cao điểm.

Trước đây, từng có lần Moscow bị ùn tắc kéo dài 3.000 km (tương đương quãng đường tới TP Barcelona của Tây Ban Nha). Yandex.Probki - Cổng Thông tin điện tử giám sát giao thông Moscow cho biết: Nếu sử dụng thang điểm 10, thì ùn tắc ở Moscow phải lên tới 8 hoặc 9 điểm.

Theo thống kê, năm 2015, số lượng xe đăng ký tại Moscow ước tính khoảng 4 triệu, dự kiến sẽ tăng lên 6 triệu trong vài năm tới. Hiện, Nga đang là một trong 5 thị trường ô tô lớn nhất châu Âu. Theo các chuyên gia, lượng xe tăng vọt trong khi quy hoạch đường phố không phù hợp, chưa đáp ứng được lượng phương tiện khổng lồ.

Hơn nữa, thiết kế đường phố Moscow lạ ở chỗ, tất cả các lựa chọn giao thông đều dồn tụ vào khu vực trung tâm kinh doanh thương mại. Ông Mikhail Blinkin, Giám đốc Viện Chính sách Giao thông và Kinh tế Giao thông cho biết: “Nếu nhìn trên Google Map, bạn sẽ thấy tổng thể đường phố Moscow như dấu hoa thị”. Trong khi chờ giới chức tìm cách giải quyết, người dân tự tìm cách tận dụng thời gian lãng phí khi “chôn chân” trong lúc tắc đường bằng việc ca hát, tập những bài luyện thở đặc biệt nhằm nâng cao khả năng tập trung, đan lát, thậm chí là sáng tạo nghệ thuật… để thư giãn cơ bắp và xả stress.

Hy vọng vào giao thông thông minh

Với quyết tâm cao để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Moscow đang xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS) với chi phí dự kiến 500 triệu USD nhằm giảm tắc đường và TNGT. Trong đó, dự kiến sẽ lắp đặt hơn 7.000 máy cảm biến bên đường và tại một số tòa nhà tại Moscow để đo mật độ giao thông, tốc độ di chuyển trung bình và mức độ tắc nghẽn.

Ngoài ra, sẽ lắp hơn 1.200 camera an toàn đường bộ tại trung tâm thành phố cùng 200 biển thông báo hiển thị thông tin về mức độ tắc đường, TNGT… Chưa kể, sẽ có hàng nghìn biển báo đường bộ thông minh cung cấp thông tin cho lái xe về tình hình từng đoạn đường hoặc khi nào có người đi bộ đi ngang qua.Không chỉ vậy, giới chức Moscow mở một chiến dịch đầy tham vọng - tới năm 2020 giải quyết dứt điểm nạn tắc đường với tổng ngân sách 2,9 nghìn tỷ rubles (tương đương 62 tỷ USD).

Trong đó, phát triển hệ thống đường sắt ngoại thành, xây dựng đường sá và hệ thống làn đường dài 300 km dành cho người đi xe đạp. Đồng thời, đưa ra cơ chế thu phí đỗ xe mới, mở rộng các đường thu phí nhằm tăng phí sở hữu ô tô, giảm nhu cầu mua sắm phương tiện cá nhân - được cho là nguyên nhân chính gây tắc đường.

Tuy nhiên, chiến dịch này bị các chuyên gia nghi ngờ không mấy khả quan. Ông Mikhail Blinkin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Giao thông nhận định: “Dù Moscow có chi toàn bộ ngân sách khoảng 557 tỷ USD năm 2015  vào cải thiện đường sá cũng không giải quyết được vấn đề. Với hệ thống đường sá ngoằn ngoèo, tuổi đời hàng trăm năm thì đồng nghĩa với việc thành phố này không thể là thành phố của ô tô”.

Một số chuyên gia về hoạch định đô thị tầm cỡ quốc tế nhận định thêm, đổ tiền vào cải tạo hệ thống đường sá hiện có chỉ như “ném tiền qua cửa sổ”. Theo họ, cách duy nhất để cải thiện vấn nạn tắc đường là giảm nhu cầu sở hữu xe, nâng cao hệ thống giao thông công cộng, giao thông thông minh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.