Kinh tế

Chi hơn 20 nghìn tỷ, Vietjet muốn làm gì ở CHK Chu Lai?

12/10/2016, 07:24
image

Vietjet trình Bộ GTVT đề xuất đầu tư phát triển CHK Chu Lai với tổng kinh phí lên tới hơn 20 nghìn tỷ đồng.

3

Mặt trước nhà ga CHK Chu Lai

Dư luận đặc biệt quan tâm khi Vietjet vừa trình Bộ GTVT đề xuất đầu tư phát triển CHK Chu Lai với tổng kinh phí lên tới hơn 20 nghìn tỷ đồng. Với số vốn khủng này, CHK Chu Lai có thể trở thành trung tâm vận tải, trung chuyển hàng hóa trong tương lai.

Đầu tư khủng

Ông Vũ Phạm Nguyên Tùng, Giám đốc phát triển của Vietjet cho biết, hãng này phối hợp với Tập đoàn Parsons (Hoa Kỳ) xây dựng phương án tổng thể CHK Chu Lai theo ba giai đoạn đầu tư ngắn hạn (đến năm 2020), trung hạn (đến năm 2025) và dài hạn (sau năm 2025). Theo đó, giai đoạn 1, sẽ thực hiện cải tạo và mở rộng đường cất, hạ cánh hiện hữu với quy mô 3.250m x 65m với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng bằng nguồn vốn của tỉnh Quảng Nam, đảm bảo cho tàu bay hiện đại nhất hiện nay như Airbus A350, Boeing B787 có thể khai thác được. Cùng đó, sẽ xây dựng một nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu khách/năm với tổng kinh phí 2.000-2.500 tỷ đồng.

Xem video hành khách ẩu đả trên máy bay Hàng không Spirit:

CHK Chu Lai được Mỹ xây dựng trong thời kỳ chiến tranh VN. Sau khi Khu kinh tế mở Chu Lai được thành lập, đầu năm 2004, nhà ga hành khách và các trang thiết bị khác nhằm phục vụ cho khai thác các chuyến bay thương mại đã được khởi công xây dựng và lắp đặt tại Chu Lai. Sân bay Chu Lai là sân bay dự bị cho các sân bay khác trong vùng và khu vực. Trong bán kính 3.000km, CHK Chu Lai là trung tâm của các vùng kinh tế năng động nhất Đông Nam Á và Tây Á. 

“Nhà ga hiện có công suất 300 nghìn khách/năm, có thể mở rộng lên 500 nghìn khách/năm, song Vietjet kiến nghị xây dựng mới nhà ga hành khách hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế”, ông Tùng nói và cho biết, sẽ xây dựng hai hangar của cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu tàu bay có thể phục vụ cùng lúc 8 tàu bay Code C và 2 tàu bay code E cho mỗi đơn nguyên; một nhà ga hàng hóa và khu phục vụ hàng hóa có khả năng đáp ứng nhu cầu hai công ty vận tải hàng hóa lớn. Tổng vốn đầu tư của giai đoạn này khoảng 6.100 tỷ đồng.

Giai đoạn 2, sẽ mở rộng, nâng công suất nhà ga hành khách lên thành 4 triệu khách/năm; mở rộng nhà ga hàng hóa và khu hàng hóa đáp ứng nhu cầu của 4 công ty vận tải hàng hóa lớn, đồng thời phát triển khu logistics với tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Giai đoạn 3, Vietjet đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng để xây mới đường cất, hạ cánh thứ 2, mở rộng cơ sở sửa chữa bảo dưỡng và đại tu, xây mới nhà ga hành khách thứ 2 có công suất 4 triệu khách/năm và xây mới một tổ hợp hàng hóa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa lâu dài của CHK Chu Lai và các vùng lân cận.

Để triển khai dự án trên thuận lợi, Vietjet kiến nghị được chấp thuận chủ trương cho phép thuê toàn bộ đất quy hoạch CHK Chu Lai trong thời gian 50 năm để thực hiện dự án; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch theo kiến nghị của Vietjet và các đối tác, đồng thời đề nghị tỉnh Quảng Nam đảm bảo nguồn vốn cải tạo, mở rộng đường cất, hạ cánh hiện hữu của CHK Chu Lai. “Tại Hải Phòng và Khánh Hòa, địa phương cũng đã chủ động đầu tư đường cất, hạ cánh cho CHK Cát Bi và CHK Cam Ranh”, Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà cho biết thêm.

>>> Xem thêm video:

Biến Chu Lai thành trung tâm vận tải, trung chuyển hàng hóa

Khẳng định Chu Lai là một CHK có nhiều tiềm năng lợi thế với quỹ đất phát triển còn rất lớn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Bộ GTVT hoan nghênh các nhà đầu tư vào Chu Lai để phát triển CHK này thành một trung tâm vận tải, trung chuyển hàng hóa của cả nước và khu vực theo định hướng của quy hoạch phát triển GTVT hàng không được phê duyệt.

Liên quan đến đề xuất đầu tư CHK Chu Lai của Vietjet, phía UBND tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch Đinh Văn Thu cho biết, cơ bản thống nhất với đề xuất này. Tuy nhiên, về việc đầu tư cải tạo, mở rộng đường cất hạ cánh hiện hữu và đầu tư xây dựng mới đường cất, hạ cánh thứ 2 của CHK Chu Lai, ông Thu đề nghị Bộ GTVT giao Cục Hàng không VN hoặc đơn vị khác của Bộ làm chủ đầu tư, thực hiện từ nguồn vốn của Bộ GTVT do ngân sách Trung ương bố trí.

Với việc tổ chức giao thông tiếp cận CHK Chu Lai, ông Thu cho biết, hiện tỉnh Quảng Nam đang triển khai thực hiện dự án đường trục chính nối từ Khu công nghiệp Tam Quang đến QL1 và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, do đó hoàn toàn đảm bảo kết nối thuận tiện từ CHK Chu Lai đến các khu vực lân cận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.